Nhiều đạo luật chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/7)
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Luật này được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024 và chính thức bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2024.
Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có nhiều quy định mới, trọng tâm là:
Thứ nhất, Luật Các tổ chức tín dụng 2024: Sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức, quản trị, điều hành, quản lý rủi ro tiệm cận với thông lệ tốt về quản trị công ty; tăng cường hơn nữa việc tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Thứ hai, Luật Các tổ chức tín dụng đã sửa đổi một số quy định nhằm hạn chế tình trạng thao túng, chi phối tổ chức tín dụng bên cạnh yêu cầu chặt chẽ về quản trị, điều hành.
Thứ ba, Luật Các tổ chức tín dụng đã hoàn thiện các quy định về hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; bổ sung quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ tư, Luật các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung 01 chương về ngân hàng chính sách trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ngân hàng này vì mục tiêu thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.
Thứ năm, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 hoàn thiện quy định về tài chính, hạch toán, báo cáo trên cơ sở luật hóa các quy định đã áp dụng ổn định trong thực tiễn, nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng như đáp ứng các yêu cầu về tài chính, hạch toán, kế toán theo chuẩn mực quốc tế;
Thứ sáu, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Thứ bẩy, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 hoàn thiện quy định về quản lý nhà nước, trong đó tăng cường trách nhiệm thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.
Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng quy định sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan, nhất là Bộ Tài chính trong công tác quản lý nhà nước và kiểm tra, thanh tra, giám sát nhằm nâng cao tính hiệu quả trong quản lý, giám sát và kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm;
Thứ tám, Luật các tổ chức tín dụng năm 2024 cũng đã bổ sung một số quy định khác như về hành vi bị cấm; bảo vệ quyền lợi khách hàng; chỉnh lý quy định về giấy phép để giảm thiểu thủ tục hành chính.
Luật Viễn thông (sửa đổi)
Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới. Cụ thể, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu.
Quy định đã chính danh hoá hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu trong một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành cao nhất, tạo môi trường pháp lý rõ ràng cho các doanh nghiệp yên tâm cung cấp dịch vụ. Với các cách tiếp cận “quản lý nhẹ”, Luật Viễn thông sửa đổi sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, do không gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ viễn thông phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Vẫn theo Cục Viễn thông, Luật đã quy định cơ sở hạ tầng viễn thông được tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, lắp đặt trên các khu vực đất công, trụ sở công, công trình công; hoàn thiện quy định tăng cường chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông và dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung trách nhiệm của UBND các cấp, các bộ ngành liên quan trong việc xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp công trình viễn thông và bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp có hạ tầng mạng phải thu hồi, tháo dỡ các công trình viễn thông thuộc quyền sở hữu, quản lý có dấu hiệu nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho khai thác, sử dụng.
Luật còn bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư, công trình công cộng, khu chức năng, cụm công nghiệp phải có phương án thiết kế xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong đầu tư xây dựng và thuận tiện cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng viễn thông; cung cấp, sử dụng dịch vụ viễn thông, đồng thời phải thiết kế, xây dựng, quản lý sử dụng hạ tầng kỹ thuật viễn thông sao cho đáp ứng nhu cầu sử dụng của ít nhất 2 doanh nghiệp viễn thông.
Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ viễn thông cũng sẽ được hưởng lợi từ Luật Viễn thông sửa đổi. Cụ thể, người sử dụng dịch vụ viễn thông được bảo vệ quyền lợi tốt hơn trong đó bao gồm việc bảo đảm bí mật thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân từ các doanh nghiệp viễn thông, được cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng bảo đảm.
Luật Giá (sửa đổi)
Luật Giá (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có nhiều điểm mới nhằm khắc phục một số hạn chế bất cập của luật hiện hành.
Luật Giá (sửa đổi) quy định: Bình ổn giá là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các giải pháp, biện pháp theo quy định của Luật này nhằm ổn định giá hàng hóa, dịch vụ khi giá biến động bất thường về giá trong một khoảng thời gian nhất định.
Bổ sung quy định về chứng thư thẩm định giá là văn bản do doanh nghiệp thẩm định giá, chi nhánh doanh nghiệp thẩm định giá phát hành sau khi kết thúc hoạt động thẩm định giá để thông báo cho khách hàng, các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) được ghi trong hợp đồng thẩm định giá về giá trị tài sản thẩm định giá và những nội dung chính của báo cáo thẩm định giá.
Luật Giá (sửa đổi) cũng sửa đổi, bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực giá, thẩm định giá, như: Loan tin, đưa tin không đúng sự thật, không chính xác về tình hình kinh tế - xã hội gây nhiễu loạn thông tin thị trường, giá hàng hóa, dịch vụ; Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; Ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề của doanh nghiệp thẩm định giá; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không duy trì các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá quy định…
Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đề xuất với Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý ngành, lĩnh vực về việc trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường thường vụ Quốc hội xem xét, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá., bình ổn giá; đề xuất với Bộ Tài chính về việc trình Chính phủ ban hành, điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải kê khai giá quy định.
Luật Giá (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về Doanh nghiệp thẩm định giá, Điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá; Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thẩm định giá; Chứng thư thẩm định giá và báo Báo cáo thẩm định giá; Quyền, nghĩa vụ của khách hàng thẩm định giá và tổ chức, cá nhân có liên quan được ghi trong hợp đồng thẩm định giá; Xác định giá dịch vụ thẩm định giá; Phương thức giải quyết tranh chấp về hợp đồng thẩm định giá.
Luật Giao dịch điện tử 2023
Luật Giao dịch điện tử (năm 2023) kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Giao dịch điện tử (năm 2005).
Cụ thể, một là, về phạm vi điều chỉnh, Luật Giao dịch điện tử giúp nhiều luật hiện nay có ngay hiệu lực thi hành trên môi trường số.
Hai là, luật mới đã kế thừa, sửa đổi, bổ sung khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký số”, “dấu thời gian”, “hợp đồng điện tử”, “dữ liệu số”, “dữ liệu chủ”, “môi trường điện tử”, “chứng thư điện tử”, “dịch vụ chứng thực chữ ký số”, “người trung gian”...
Ba là, về hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử, luật quy định chi cụ thể hơn những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ luật.
Bốn là, về thông điệp dữ liệu, thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc, thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ tạo căn cứ pháp lý cho việc triển khai trên thực tế.
Việc đưa ra khái niệm chứng thư điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý cho hình thức này là một bước đột phá lớn để thúc đẩy các hoạt động giao dịch điện tử trong các ngành, lĩnh vực và xã hội diễn ra toàn trình.
Năm là, về chữ ký điện tử, Luật Giao dịch điện tử cơ bản không thay đổi về nguyên tắc, chỉ khái quát hóa, sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử chuyên dùng, chữ ký số. Công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài; công nhận chữ ký điện tử, chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài....
Sáu là, về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng điện tử. Luật quy định giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thuộc phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Bảy là, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước gồm: Giao dịch điện tử trong nội bộ cơ quan nhà nước; Giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau; Giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dữ liệu mở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố rộng rãi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tự do sử dụng, tái sử dụng, chia sẻ.
Luật quy định cơ quan nhà nước được thuê chuyên gia từ ngân sách nhà nước hằng năm để tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu. Quy định này bước đầu tháo gỡ khó khăn về việc sử dụng kinh phí sự nghiệp cho công tác duy trì, vận hành hệ thống thông tin gồm thuê tư vấn xây dựng cơ sở dữ liệu.
Tám là, về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử so với Luật Giao dịch điện tử (năm 2005), Luật Giao dịch điện tử mới đã bổ sung quy định cụ thể các loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; tài khoản giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quán hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử đặc biệt là với các nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử có quy mô, số lượng người sử dụng tại Việt Nam hoặc số lượng truy cập hằng tháng từ người sử dụng tại Việt Nam lớn và rất lớn...
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023
Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 (Luật 2023) đã quy định rõ hơn về Quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, Luật 2023 bổ sung thêm 1 Chương III về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù, số lượng các điều tăng từ 51 Điều lên 80 Điều.
Bổ sung quy định ưu đãi cho hợp tác xã
Luật Hợp tác xã sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 bổ sung nhiều quy định về ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; được ưu tiên bố trí quỹ đất để sản xuất kinh doanh.
Theo đó, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất, đất có mặt nước của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh thì được miễn, giảm tiền thuê. Trường hợp thuê của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sản xuất, kinh doanh thì được Nhà nước hỗ trợ tiền. Nhà nước tạo điều kiện để tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sử dụng đất ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai...
Luật Căn cước
Luật Căn cước được Quốc hội thông qua tháng 11/2023, hiệu lực từ ngày 1/7. Các trường thông tin thể hiện trên thẻ căn cước gồm: Ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày cấp thẻ và hạn sử dụng.
Luật quy định Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thay vì chỉ cấp căn cước cho công dân trên 14 tuổi như luật hiện hành, Luật vừa được thông qua quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi. Luật cũng cho phép người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước.
Mã QR trên thẻ căn cước chỉ cho phép khai thác thông tin in trên thẻ để công dân thực hiện một số giao dịch có liên quan. Chip điện tử trên thẻ có công nghệ xác thực sinh trắc học. Chủ thẻ phải đồng ý bằng phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt thì dữ liệu trong chip mới có thể được đọc và truy xuất. Nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.
Từ 1/7, khi người dân làm thẻ căn cước, công an sẽ thu thập mống mắt, vân tay, hình ảnh khuôn mặt để bổ sung vào cơ sở dữ liệu; riêng dữ liệu ADN và giọng nói không bắt buộc.
Cũng theo luật mới, nhà chức trách sẽ thu thập thông tin ADN và giọng nói của người dân khi làm thẻ căn cước, nếu họ tự nguyện cung cấp. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự hoặc cơ quan quản lý người bị xử lý hành chính khi giải quyết vụ việc có giám định hoặc thu thập ADN, giọng nói của người dân, thì chia sẻ với cơ quan quản lý căn cước để bổ sung vào cơ sở dữ liệu.