ISSN-2815-5823

Nhiều nhà đầu tư ngày càng chú trọng về nguồn năng lượng xanh

(KDPT) - Trước xu thế phát triển và nhu cầu của nhà đầu tư về nguồn năng lượng xanh, nhiều chủ đầu tư khai thác lợi thế sẵn có từ các khu công nghiệp đang hoạt động để phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Nhà đầu tư hướng đến tiêu chuẩn ESG

Các nước nhập khẩu ngày càng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh quy trình xanh hóa trong sản xuất, giảm tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Theo đó, tại các khu công nghiệp, hướng đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp), sử dụng năng lượng xanh, đang là xu hướng.

Năng lượng xanh là xu hướng mà các nhà đầu tư muốn phát triển. (Ảnh minh họa)
Năng lượng xanh là xu hướng mà các nhà đầu tư muốn phát triển. (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Agriseco, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới vào khu công nghiệp dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan dựa trên một số căn cứ.

Thứ nhất, sự phục hồi dòng vốn các đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Singapore nhờ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 cải thiện.

Thứ hai, xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận vẫn đang diễn ra.

Thứ ba, làn sóng FDI “thế hệ mới” (công nghệ cao, xe điện, năng lượng tái tạo, chất bán dẫn) nổi lên như một xu hướng toàn cầu. Trong đó, Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Australia, Hàn Quốc; các chính sách cam kết Net Zero; cơ chế chính sách thu hút vốn vào lĩnh vực mới. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 3 về thu hút vốn FDI nhiều nhất trong khối ASEAN.

Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, việc cung ứng điện cho doanh nghiệp sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp.

Lắp đặt điện mặt trời phục vụ sản xuất xanh

Điện mặt trời là một trong những loại năng lượng sạch, được khuyến khích sản xuất và tiêu dùng với mục tiêu giảm nhu cầu điện từ nguyên liệu hóa thạch. 

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, xác định tầm quan trọng của nguồn điện trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường, Nhà máy Sản xuất chế biến cà phê Acom tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, TP. Bảo Lộc đã đầu tư kinh phí khoảng 15 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời mái nhà. Với hệ thống này, mỗi năm sản xuất hơn 1 triệu kWh điện, vì vậy hầu như bảo đảm 100% nguồn điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất của nhà máy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Minh Phước - Giám đốc Công ty Cà phê Acom cho biết, tiết kiệm chi phí sử dụng điện là lợi ích đầu tiên mà doanh nghiệp nhận được khi lắp đặt điện mặt trời, đây cũng là mục đích đầu tiên của hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư hệ thống năng lượng sạch. Điện mặt trời tạo ra từ hệ thống phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp giảm mua điện từ lưới điện quốc gia, tối ưu chi phí điện, tiết giảm chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả kinh doanh. 

Theo ông Nguyễn Minh Phước, việc phát triển năng lượng xanh có thể nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, cũng như thu hút và giữ chân khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư. Đặc biệt, xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài đặt yếu tố xanh là một trong những tiêu chí chủ chốt để ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, việc xanh hóa và tối ưu năng lượng giúp các doanh nghiệp giảm phát thải nhà kính, tạo ra tác động lớn tới môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp chú trọng phát triển bền vững cũng sẽ giúp kiến tạo mội trường làm việc xanh, sạch, an toàn cho sức khỏe người lao động; đồng thời, lan tỏa tinh thần này tới đội ngũ nhân sự, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Điện mặt trời là giải pháp mang đến nhiều lợi ích

Sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời với mục đích đầu tiên để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của doanh nghiệp, gia đình là hết sức hữu ích. Vào thời gian ban ngày, cũng là thời gian cao điểm sử dụng điện, hệ thống điện mặt trời hoạt động và tự cung cấp điện cho doanh nghiệp, giảm sử dụng điện lưới. Tới ban đêm, khi hệ thống năng lượng mặt trời không làm việc thì nhu cầu sản xuất cũng đã giảm, doanh nghiệp, hộ gia đình có thể chuyển sang sử dụng điện lưới.

Doanh nghiệp, hộ gia đình giảm sự phụ thuộc vào điện lưới, giảm chi phí tiền điện; đồng thời, ngành điện cũng giảm áp lực khi phải cung ứng lượng điện tăng cao vào giờ cao điểm.

Ngành điện hết sức khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình có nhu cầu sử dụng điện lớn, có mặt bằng lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự phục vụ sản xuất, giảm chi phí cũng như bớt lệ thuộc vào điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, hiện chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết điện mặt trời mái nhà. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới.

Điện mặt trời mái nhà đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản tự tiêu. Do đó, các cơ quan chức năng cần đưa ra những quy định dưới luật để giải thích rõ cho doanh nghiệp triển khai thực hiện./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024