ISSN-2815-5823

Nhiều vi phạm trong quản lý ngân sách tại huyện Thọ Xuân

(KDPT) - Thanh tra tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành kết luận chỉ rõ nhiều khuyết điểm, vi phạm trong quản lý ngân sách; quản lý dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước của UBND huyện Thọ Xuân.

Vi phạm từ cấp huyện đến cấp xã

Nội dung kết luận thanh tra cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý ngân sách; quản lý dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tại địa phương này còn nhiều khuyết điểm, vi phạm.

Đối với quản lý ngân sách cấp huyện, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá kết luận: Dự toán thu nội địa năm 2023 (không kể thu tiền sử dụng đất) chưa đảm bảo tỷ lệ tăng thu bình quân tối thiểu 7 - 9% theo quy định tại khoản 1, Điều 13 Thông tư 47/2022/TT-BTC ngày 29/7/2022 của Bộ Tài chính. Lập dự toán chi dự phòng ngân sách huyện đã cao hơn dự toán tỉnh giao nhưng chưa đảm bảo tỷ lệ mức trích lập từ 2 - 4% tổng chi ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Ngân sách nhà nước.

Xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương chưa sát; nhiều chỉ tiêu thu, chi vượt cao; có 03/11 chỉ tiêu thu không đạt dự toán tỉnh và huyện giao; 05 chỉ tiêu chi không đạt dự toán tỉnh và huyện giao.

Bổ sung cho các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác phối hợp, chưa chặt chẽ về trình tự thủ tục cấp phát. Vẫn còn một số nguồn chưa phân bổ chi tiết đến từng đơn vị sử dụng từ đầu năm, chưa đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 50 Luật Ngân sách 2015.

Chưa bố trí đủ tối thiểu 10% tổng số thu tiền sử dụng đất được điều tiết (sau khi trừ chi phí giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng) để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Chỉ thị 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 và Quyết định số 191/QĐ-TTg ngày 08/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi trả chế độ giáo viên dạy trẻ khuyết tật theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của sở Tài chính, tuy nhiên chưa đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội.

Kinh phí tỉnh bổ sung có mục tiêu năm 2023 còn dư đã hết nhiệm vụ chi là 1.606.912.837 đồng, nhưng chưa kịp thời nộp trả ngân sách cấp trên theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 Thông tư 342/2016/TT-BTC.

Số chi chuyển nguồn cuối năm còn lớn; nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí tạm ứng các dự án đầu tư, kinh phí bổ sung sau ngày 30/9 và một phần là do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Thanh tra tỉnh Thanh Hoá nhận định, những khuyết điểm, vi phạm nêu trên trách nhiệm chỉ đạo điều hành thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện theo lĩnh vực phân công phụ trách; Trách nhiệm tham mưu thuộc Trưởng các phòng Tài chính kế hoạch, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện, cán bộ công chức theo nhiệm vụ được phân công.

Đối với quản lý, sử dụng, thanh quyết toán tại một số đơn vị dự toán cấp huyện và UBND các xã, thị trấn thuộc huyện, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá kết luận: Văn phòng HĐND, UBND huyện lập dự toán chưa sát, dẫn đến trong năm còn bổ sung ngoài dự toán đầu năm số tiền 12.214.061.000 đồng từ nguồn ngân sách huyện, phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực: môi trường, văn hóa, các sự nghiệp khác...

Chưa thực hiện công khai việc điều chỉnh giảm hoặc bổ sung dự toán năm 2023 theo quy định tại Điều 4, Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Một số nội dung chi chưa được quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ, như: Chi hỗ trợ làm thêm ngoài giờ; chi hỗ trợ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với công chức phụ trách văn thư - lưu trữ; chi hỗ trợ cán bộ, công chức chuyên trách công nghệ thông tin; thuê xe đưa lãnh đạo đi công tác; Chi tiền ăn, nghỉ của giáo viên giảng dạy các lớp bồi dưỡng, tập huấn (bồi dưỡng công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo...)...

Một số chứng từ chi thanh toán chưa chặt chẽ, như: Thiếu công văn, nội dung, kế hoạch làm việc; mua vật tư, hàng hóa không có báo giá của 03 nhà cung cấp; vật tư văn phòng phẩm không có phiếu nhập, xuất kho. Một số chứng từ chi thanh toán bằng tiền mặt (trên 5 triệu đồng), là chưa đúng quy định tại khoản 6 điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính.

Vẫn còn khoản chi thanh toán tiền công lao động hợp đồng chưa thực hiện thanh toán qua tài khoản, chưa đúng quy định tại điểm b khoản 1 Điêif 29 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.

Ban QLDA ĐTXD huyện lập sổ chi tiết các tài khoản mở chưa đầy đủ theo quy định; Xây dựng dự toán thu, chi quản lý dự án không sát dẫn đến phải điều chỉnh tăng, giảm và điều chỉnh bổ sung dự toán; Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp chưa trích đủ tổi thiểu 25% phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.

Ngoài ra, vẫn còn một số khoản chi trả cho cán bộ, viên chức (chi cho ngày lễ, tết, làm thêm giờ...), chưa thực hiện thanh toán qua tài khoản, chưa đúng quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật phòng chống tham nhũng 2018.

Một góc thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.
Một góc thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá.

Đối với 06 xã, thị trấn được thanh tra, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá kết luận: Có 06/06 xã, thị trấn dự toán thu lập chưa sát với số thu thực tế hàng năm; chưa thực hiện công khai việc điều chỉnh giảm hoặc bổ sung dự toán năm 2023 theo quy định tại Điều 4, Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính; UBND xã, thị trấn trích lập quỹ dự phòng theo dự toán huyện giao, tuy nhiên chưa đảm bảo tỷ lệ 2% - 4% theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Ngân sách. Quy chế chi tiêu nội bộ đang viện dẫn một số văn bản đã hết hiệu lực.

Có 04/06 xã, thị trấn (thị trấn Sao Vàng, xã Thọ Hải, xã Xuân Phú, xã Xuân Tín) chi thanh toán một số khoản bằng tiền mặt là chưa đúng quy định tại Điều 29 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018; Một số chứng từ chi thanh toán bằng tiền mặt (trên 5 triệu đồng), là chưa đúng quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính.

Có 05/06 xã, thị trấn (thị trấn Sao Vàng, xã Thọ Hải, xã Thọ Lập, xã Xuân Phú, xã Xuân Sinh) một số chứng từ thiết lập chưa chặt chẽ, như: Chi mua sắm hàng hóa, tài sản không có phiếu nhập kho, xuất kho, danh sách cấp phát, Chi sửa chữa vật dụng hỏng không có giấy báo hỏng; chứng từ chi sửa chữa các công trình, tài sản cố định thiếu hồ sơ khảo sát, thiết kế. Xã Thọ Hải chi nước uống chế độ hội nghị vượt định mức theo Quy chế chi tiêu nội bộ; Công trình “Quy hoạch xã Thọ Hải đến năm 2030” chuyển tiếp thực hiện trong năm 2023 từ nguồn bổ sung có mục tiêu cấp trên nhưng đơn vị không xây dựng kế hoạch đầu tư công từ đầu năm.

Việc quản lý và cho thuê đất công ích giai đoạn 2022 - 2023 đã được Kiểm toán nhà nước khu vực XI thực hiện kiểm toán chuyên đề. Theo biên bản xét duyệt quyết toán năm 2023 của Phòng Tài chính kế hoạch huyện Thọ Xuân có 05/06 xã (Thọ Hải, Xuân Tín, Xuân Phú, Xuân Sinh, Thọ Lập) chưa tổ chức đấu giá quỹ đất công ích theo quy định.

Thanh tra tỉnh Thanh Hoá nhận định, những khuyết điểm, vi phạm đã được chỉ ra như đã nêu ở trên trách nhiệm thuộc Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện; Giám đốc Ban QLDA ĐTXD huyện; Chủ tịch UBND, kế toán, công chức địa chính các xã, thị trấn và cán bộ, công chức, viên chức theo chức năng nhiệm vụ được phân công.

Phải giảm trừ quyết toán và chi phí khác hơn 1,5 tỷ đồng

Bên cạnh những khuyết điểm, vi phạm trong quản lý ngân sách, Thanh tra tỉnh Thanh Hoá còn chỉ rõ, việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản cũng mắc nhiều khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân nhóm các dự án (A, B, C) để làm cơ sở xác định thời gian bố trí vốn cho dự án theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công năm 2019.

Các dự án đầu tư chưa đề cập đến dự kiến cấp vốn theo tiến độ, việc điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công còn thực hiện nhiều lần trong năm.

Công tác bồi thường, GPMB tại một số dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Đối với 10 công trình, dự án được kiểm tra: Diện tích đất hai lúa bị thu hồi phải chuyển mục đích của 05 dự án là 303.865,3m2, UBND huyện chưa hoàn chỉnh hồ sơ để nộp tiền bảo vệ đất trồng lúa vào ngân sách nhà nước theo quy định. Có 04 dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư được thẩm định, phê duyệt khi chưa có văn bản thỏa thuận đấu nối giao thông và đánh giá tác động môi trường.

Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án đã được đóng dấu của đơn vị thẩm tra, cơ quan thẩm định, nhưng chưa ghi đầy đủ thông tin; bản vẽ thi công thiếu mục lục, thiếu tỷ lệ bản vẽ. Kế hoạch tổng hợp về an toàn; Nhật ký thi công; Báo cáo định kỳ về công tác giám sát thi công xây dựng công trình chưa đầy đủ theo quy định tại phụ lục kèm theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP. Bản vẽ hoàn công thiếu ngày tháng năm hoàn thành các công việc.

Có 02 dự án không thực hiện gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ; 01 công trình đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành, nhưng chậm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; 08 gói thầu thi công xây dựng phải gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng.

Tổng giá trị sai phạm trong lập dự toán, thẩm định, thi công, nghiệm thu khối lượng các hạng mục công trình, một số công việc và 02 gói thầu không thực hiện là 1.505.370.670 đồng, trong đó, giảm trừ khi quyết toán giá trị xây lắp 1.000.804.670 đồng, chi phí khác với số tiền 504.566.000 đồng.

Thanh tra tỉnh Thanh Hoá nhận định, những khuyết điểm, vi phạm nêu trên, trách nhiệm chỉ đạo điều hành thuộc UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện theo lĩnh vực phân công phụ trách; Trách nhiệm tham mưu thuộc Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, Giám đốc Ban QLDA./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/12/2024