ISSN-2815-5823
Hồng Giang
Thứ hai, 14h35 23/09/2024

NHTM cổ phần Việt Nam dành nhiều gói ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau thiệt bão số 3

(KDPT) - 32/40 ngân hàng đăng ký gói tín dụng mới theo chỉ đạo của Thủ tướng với tổng số 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% hỗ trợ khách hàng thiệt hại do bão số 3.

Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các Ngân hàng Thương mại (NHTM) cổ phần về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các NHTM cổ phần: đã đóng góp, đồng hành cùng hệ thống để thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ và NHNN. Điều này vừa đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội và còn đảm bảo an toàn cho toàn hệ thống.

Trong thời gian vừa qua, hệ thống Ngân hàng Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng; điển hình, trong thời gian hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng đã sử dụng chính nguồn lực tài chính của mình để giảm 60 nghìn tỷ đồng tiền lãi và phí.

Hơn nữa, sau cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua, dưới sự kêu gọi của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng đã tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Cụ thể, các NHTM đã đóng góp 40 tỷ đồng vào các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai.

Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có tới 32/40 ngân hàng đã đăng ký các gói tín dụng mới, với tổng số tiền lên tới 405.000 tỷ đồng, lãi suất giảm từ 0,5-2% để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi cơn bão số 3.

Ngoài ra, đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại đã chủ động giảm lãi suất cho những khách hàng bị thiệt hại bởi bão số 3 mà không cần khách hàng đề nghị.

Có thể thấy, ngay sau khi cơn bão đi qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN trong việc thăm hỏi khách hàng, nắm bắt thiệt hại của khách hàng, từ đó có các giải pháp hỗ trợ như miễn giảm lãi, hỗ trợ vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão.

Bên cạnh các chương trình an sinh xã hội Vietcombank đã triển khai chính sách giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 2% trong giai đoạn từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024 đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 mà không phải chờ khách hàng làm đơn đề nghị. Tổng dư nợ hỗ trợ khoảng 160.000 tỷ đồng.

Tương tự như vậy, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng, giảm lãi từ 0,5-2%/năm lãi suất cho vay và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ 6/9 đến hết ngày 31/12/2024 cho khách hàng hiện hữu. 

Đồng thời, đối với khoản vay mới phát sinh từ ngày 6/9 đến 31/12/2024, Agribank giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay theo từng đối tượng, lĩnh vực, áp dụng trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày giải ngân.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng xây dựng gói hỗ trợ lãi suất với mức giảm tới 2%, quy mô dư nợ lên đến 100.000 tỷ đồng, chương trình kéo dài đến hết năm 2024.

Ngay khi có chỉ đạo của NHNN, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng đã xây dựng các chương trình hỗ trợ cụ thể, trong đó: với khách hàng có dư nợ cũ, giảm tối đa 2% đối với các khách hàng bị ảnh hưởng, được phân loại theo: mức độ thiệt hại, năng lực tài chính. Trong đó, với các khoản nợ trung và dài hạn giảm từ 1-2% trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại tài sản... trên 30%. Với nợ ngắn hạn giảm 0,5-1%, giảm 1-2% khoản vay trung, dài hạn. Việc giảm lãi suất này thực hiện từ ngày 20/9 đến hết năm 2024.

Đối với khoản vay mới, MB sẽ ban hành gói hỗ trợ trị giá 2.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng cá nhân, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Sau ngày 18/9, đã xây dựng, bổ sung thêm gói 7.000 tỷ đồng, giảm 1% so với lãi suất thông thường. Đồng thời, Công ty Bảo hiểm của MB cũng đang khẩn trương tiến hành các thủ tục hỗ trợ, đền bù đối với các khách hàng, đảm bảo kịp thời.

Cũng thực hiện theo chỉ đạo của NHNN, Sacombank chủ động rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, số dư nợ bị thiệt hại của các khách hàng là 30.750 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ khách hàng, Sacombank đưa ra giải pháp miễn giảm lãi vay 2%. Cụ thể, miễn giảm lãi vay cho tất cả khách hàng bị thiệt hại, với mức giảm lãi vay cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân lên tới 2%, áp dụng cho cả với dư nợ cũ và số dư nợ mới.

Đồng thời, thực hiện giảm 50% phí dịch vụ đối với biểu phí hiện hành. Thời gian áp dụng của các gói chương trình là từ nay đến hết 31/12/3024.

Các chương trình tương tự cũng được hàng loạt các ngân hàng khác áp dụng triển khai nhằm hỗ trợ khách hàng, như: Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (BV Bank), Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank), Ngân hàng Shinhan Việt Nam…

Bên cạnh mức giảm lãi suất phổ biến từ 0,5-2%/năm dành cho cả khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, đáng chú ý có một số ngân hàng còn "mạnh tay" giảm 50-100% tiền lãi phải trả cho khách hàng từ nay đến hết năm 2024.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cụ thể, để hỗ trợ người dân đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Yagi tại nhiều tỉnh thành phố, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã tiến hành rà soát đánh giá thiệt hại của khách hàng, tổng hợp và báo cáo theo chỉ đạo của NHNN. SHB áp dụng chương trình miễn giảm 50% lãi phải trả của của khách hàng hiện hữu bị thiệt hại từ ngày 1/9-31/12/2024.

Thậm chí, căn cứ vào tình hình thiệt hại mà SHB có thể giảm tới 100%, nhất là những khách hàng là nông dân, hộ kinh doanh… Hơn nữa, không cần đợi khách hàng phải đăng ký mức độ thiệt hại với ngân hàng mà SHB sẽ chủ động rà soát và thông báo về mức hỗ trợ này.

Đồng thời, SHB cấp gói tín dụng quy mô 2.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất chỉ 4,5% với khoản vay mới, áp dụng đến hết ngày 31/12/2024, cung cấp nguồn vốn giúp khách hàng tái thiết và hồi phục sản xuất, kinh doanh. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Tương tự, sau khi đánh giá tình hình sau bão, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng dành hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khách hàng cá nhân với mức giảm lên đến 50% tiền lãi hiện tại, đồng thời mức lãi suất ưu đãi này sẽ được giữ cố định đến muộn nhất là 31/1/2025. Với chương trình hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, TPBank dành 2.000 tỷ đồng; trong đó có 1.200 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho khách hàng hiện hữu và 800 tỷ đồng dành cho khách hàng vay mới với lãi suất giảm tối đa đến 2%.

Thêm nữa, không chỉ hỗ trợ khách hàng trong ngắn hạn mà còn cam kết đồng hành lâu dài với các chương trình hỗ trợ tài chính hướng đến các lĩnh vực trọng điểm như lâm, thủy sản và nhà ở xã hội. 

Có thể thấy, tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) ngoài đưa gói tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng hiện hữu và khách hàng vay mới, với quy mô 10.000 tỷ đồng, trong đó: 3.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng, với mức giảm lãi suất tới 2% so với lãi suất hiện hành; 7.000 tỷ đồng triển khai cho vay mới, tập trung khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa và người dân, với lãi suất giảm 1%.

Song song với đó, HDBank còn đăng ký giải ngân cho các lĩnh vực lâm, thủy sản và chương trình nhà ở xã hội tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Tới năm 2030, HDBank dự kiến giải ngân 100 nghìn tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, với mục tiêu tài trợ vốn xây mới 200.000 căn nhà.

Những động thái tích cực và chủ động của các NHTM Việt Nam đã góp phần quan trọng không chỉ trong việc phục hồi nền kinh tế mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, sự đồng hành của các ngân hàng là một trong những điểm tựa quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua thách thức, tiếp tục phát triển./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 29/09/2024