ISSN-2815-5823
Thứ ba, 04h08 24/07/2018

Nhức nhối nạn chuyển giá

(KDPT) – Tính đến hết 2016, cả nước hiện có 17.493 doanh nghiệp có vốn FDI chi phối. Trong số này doanh nghiệp đã nộp báo cáo tài chính khoảng 14.600 doanh nghiệp. Song chỉ có khoảng chưa đầy 12.598 doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính với đầy đủ các chỉ tiêu để Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính có thể phân tích được hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tình hình sức khỏe của doanh nghiệp.

Cho dù quy mô hoạt động của doanh nghiệp FDI từ năm 2012 đến 2016 luôn duy trì ở mức tăng trưởng cao. Như tốc độ tăng trưởng doanh thu tăng từ 21,2% (2014-2015) lên mức 21,7% (2015-2016). Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao hơn tốc độ tăng trưởng tài sản (18,6%) và tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu (15,5%) cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI rất thuận lợi, với tổng doanh thu 3.471 ngàn tỉ đồng, theo Thời báo kinh tế Sài Gòn online.

5/29 lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp có vốn FDI đã chiếm hơn 50% tổng doanh thu của cả khu vực FDI. Cụ thể như linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị ngoại vi (28,1%). Tiếp đến là dệt may, da giày, chế biến bảo quản nông sản, sản xuất lắp ráp ô tô, đồ điện tử, điện gia dụng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu cao thuộc về viễn thông, phần mềm (80,2%); sản xuất sản phẩm hóa dược, dược liệu và thiết bị y tế (40,6%); nông nghiệp, lâm nghiêp và thủy sản (37,6%).

Vẫn theo Cục Tài chính, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của doanh nghiệp FDI đạt 311.071 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2015. Một số ngành có sự gia tăng lợi nhuận trước thuế cả về số tuyệt đối và số tương đối như kinh doanh bất động sản (tăng 189%) (mặc dù doanh thu giảm 0,63%); khai thác chế biến khoáng sản tăng 167,7%; đồ điện tử, điện gia dụng tăng 43,8%; dệt may, da giày tăng 53% hay linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị điện tử tăng 42,8%.

Bộ Tài chính cũng đánh giá khả năng sinh lời của các doanh nghiệp FDI trong 4 năm gần đây là rất khả quan. Từ tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 9,8% (2012) lên mức 16,3%, cao hơn hẳn những năm trước đó. Dẫn đầu về ROE là các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy và xe có động cơ khác, tiếp đến là viễn thông, phần mềm, logistics.

Tuy nhiên theo một Báo cáo của VCCI cho biết, mỗi năm có khoảng trên từ 40-50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó có rất nhiều doanh nghiệp lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí có doanh nghiệp lỗ lũy kế đến mức âm vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, kể cả việc mở rộng quy mô kinh doanh. Vấn đề chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đa quốc gia, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hay doanh nghiệp trong nước thông qua chính sách giá vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam.

Chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước và tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.

Trao đổi với Vnexpress, TS Đặng Văn Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Kiểm toán nhà nước đã nêu hàng loạt tồn tại về hành lang pháp lý trong lĩnh vực này tại một hội thảo tổ chức mới đây.

Ông Hải cho rằng, hiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện, văn bản pháp luật quy định cũng chưa đầy đủ và rõ ràng, chế tài chưa đủ mạnh. Việc truy thu chủ yếu dựa vào hiệp thương với doanh nghiệp, chưa áp dụng dữ liệu và phương pháp xác định lại giá vì thế nên chưa có tính răn đe.

Ông dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới đã có luật về chống chuyển giá và có hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá để ngăn chặn các hành vi này. Tại Đông Nam Á, một số nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia…đã xây dựng và thực hiện Luật Chống chuyển giá từ nhiều năm nay, áp dụng cho cả công ty trong và ngoài nước với các chế tài mạnh.

Mặc dù quá trình đấu tranh của các cơ quan chức năng đã đạt được những kết quả bước đầu, song số vụ chuyển giá được phát hiện và xử lý rất ít so với số lượng DN có dấu hiệu chuyển giá (ước tính bình quân giai đoạn 2015-2017 có khoảng 50% DN FDI khai lỗ, thậm chí có cả tình trạng chuyển giá lãi giữa các công ty con nằm ở các địa bàn có chính sách ưu đãi thuế khác nhau).

Bên cạnh đó, một số không nhỏ DN khác cũng đã thực hiện hành vi chuyển giá nội địa nhưng chưa được kiểm tra phát hiện và xử lý. Cơ sở để xuất hiện hành vi chuyển giá nội địa là các quy định về thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế có thời hạn. Mục đích của gian lận chuyển giá không chỉ tối thiểu hóa thuế thu nhập DN phải nộp, đó là tạo bức tranh giả tạo trước các cổ đông khi kinh doanh thua lỗ, giảm lãi, mà còn có mục tiêu thôn tính, chiếm lĩnh thị trường.

PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế – Hải quan (Học viện Tài chính), nhận định: “Quá trình hội nhập quốc tế thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các quốc gia, nhưng cũng xuất hiện nhiều thách thức mới, đặc biệt là công tác chống thất thu ngân sách.Chuyển giá không những là một hình thức thất thu ngân sách lớn, mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác”. Trong 5 năm qua (2013-2017), các cơ quan chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 10.000 DN lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá; tổng số thuế truy thu, phạt và truy hoàn hơn 6.200 tỷ đồng; giảm lỗ gần 30.000 tỷ đồng. Những con số này cho thấy hoạt động chuyển giá đang gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, con số trên theo nhiều chuyên gia chỉ “số lẻ” so với lượng DN có hoạt động chuyển giá bị phát hiện, xử lý. Bởi lẽ, tình trạng chuyển giá của nhiều DN, nhất là DN đa quốc gia là có thật, song thu thập đủ bằng chứng để có thể “bắt tận tay” hành vi này lại là việc hết sức phức tạp, liên quan đến nhiều bên.

Duy Khánh (tổng hợp)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 12/05/2024