ISSN-2815-5823

OCB dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 24.700 tỷ đồng trong năm 2024, chia cổ tức tỷ lệ 20%

(KDPT) - Ngân hàng OCB năm 2024 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, so với năm trước tăng 66%. Đồng thời, ngân hàng sẽ tiếp tục chú trọng vào hoạt động bán lẻ cùng phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu. 

Sáng 15/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB). Mục đích tổ chức đại hội là báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 và định hướng kinh doanh năm 2024 cùng với một số nội dung quan trọng khác.

Báo cáo tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn cho biết, ngân hàng OCB trong năm 2023 đã phải đối mặt với nhiều ‘cơn gió ngược’ từ thế giới cùng những khó khăn nội tại. Ngoài ra, tiêu dùng và bán lẻ tăng trưởng không được như kỳ vọng, xuất nhập khẩu suy yếu và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm, trầm lắng…

Sáng 15/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB).
Sáng 15/4 đã diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã chứng khoán: OCB).

Vì thế, lĩnh vực ngân hàng cũng đã bị ảnh hưởng sâu rộng, bởi lượng hấp thụ vốn của toàn nền kinh tế suy yếu, tỷ lệ nợ xấu so với cùng kỳ cũng có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, nhờ những chiến lược linh hoạt nên OCB vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng hơn 20% và đạt trên 148.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng chú trọng tập trung vào những ngành nghề ưu tiên và đầu tư công, đồng thời giảm tỷ lệ của các ngành có rủi ro cao với nhóm khách hàng doanh nghiệp, đẩy mạnh việc cho vay sản xuất kinh doanh và vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, thẻ tín dụng đối với khách hàng cá nhân. 

Bên cạnh đó, OCB trong năm qua còn triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp, chỉ từ 5,2%. Huy động thị trường 1 trong năm 2023 đã tăng 22% so với cùng kỳ và đạt 168.000 tỷ đồng. 

Chia sẻ về các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.139 tỷ đồng, so với năm 2022 đã giảm 6%. Nguyên nhân bởi nhà băng này đã chủ động trích lập thêm khoản chi phí dự phòng với mục đích tăng cường bộ đệm quỹ dự phòng rủi ro tín dụng; đồng thời điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng năm 2023 sẽ được hạch toán trong năm nay.

Cũng theo lãnh đạo OCB, phần điều chỉnh một số khoản mục thu nhập đã thực thu từ khách hàng trong năm 2023 cũng đã được hoàn tất ghi nhận trong quý I/2024, các khoản nợ khách hàng cũng đã bàn giao tài sản đảm bảo để thay thế nghĩa vụ trả nợ. Tính đến nay, OCB đã xử lý giảm hơn 50%, thế nên chi phí dự phòng đã trích bổ sung cho những tài sản nói trên vào cuối 2023 cũng sẽ được hoàn lại tương ứng.

Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.139 tỷ đồng, so với năm 2022 đã giảm 6%.
Lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.139 tỷ đồng, so với năm 2022 đã giảm 6%.

Đáng chú ý, năm 2023 cũng đánh dấu bước tiến vô cùng quan trọng trong hoạt động quản lý rủi ro của ngân hàng này. Theo đó, OCB đã công bố hoàn thành việc triển khai, áp dụng nền tảng tính vốn điện toán đám mây đúng theo Basel II nâng cao, đồng thời trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đã hoàn thành tất cả các yêu cầu tiên tiến của Basel trong chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế. OCB cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng đối với việc đảm bảo an toàn hoạt động và tuân thủ theo quy định cũng như nâng cao năng lực quản lý vốn, tăng cường khả năng chống chịu rủi ro và cân bằng giữa việc theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng,  đảm bảo tính bền vững trong hoạt động.

Lên kế hoạch lãi kỷ lục năm 2024

Ngân hàng OCB năm 2024 đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, so với năm trước tăng 66%. Đồng thời, ngân hàng sẽ tiếp tục chú trọng vào hoạt động bán lẻ cùng phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), tái cơ cấu danh mục theo hướng đa dạng nguồn thu. 

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản dự kiến đạt 286.562 tỷ đồng và tổng huy động thị trường 1 sẽ tăng 17%, lên mức 197.346 tỷ. Mục tiêu dư nợ thị trường 1 sẽ tăng khoảng 20% lên mức 177.592 tỷ và sẽ được điều chỉnh theo hạn mức do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu của OCB tiếp tục được kiểm soát dưới 3%.

Trong năm nay, ngân hàng OCB cũng sẽ tiến hành triển khai loạt chương trình chiến lược nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, định vị OCB trở thành “Ngân hàng xanh tiên phong tại Việt Nam”. Ngoài ra, ngân hàng này cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số cùng việc ra mắt thành công ngân hàng số OCB OMNI phiên bản 4.0, tiến hành thúc đẩy Open Banking cũng như mở rộng ứng dụng công nghệ vào những hoạt động của ngân hàng, mở rộng quy mô mạng lưới trên toàn quốc thông qua việc khai trương thêm 5 chi nhánh và 12 phòng giao dịch.

Phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 24.700 tỷ đồng

Để đáp ứng được quy mô tăng trưởng mới, OCB trong năm nay tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng, chủ yếu bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 20%, đồng thời phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), ngoài ra một phần sẽ được chào bán riêng lẻ.

Để đáp ứng được quy mô tăng trưởng mới, OCB trong năm nay tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng, chủ yếu bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.
Để đáp ứng được quy mô tăng trưởng mới, OCB trong năm nay tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.618 tỷ đồng, chủ yếu bằng việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho các cổ đông hiện hữu.

Đầu tiên, ngân hàng có kế hoạch phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 20%. Nguồn vốn sử dụng sẽ được lấy từ lợi nhuận chưa phân phối được lũy kế đến ngày 31/12/2023 theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán.

Tiếp theo, OCB sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần mới được phát hành theo chương trình ESOP sẽ chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, mỗi năm chỉ được giải tỏa 25%. 

Thứ ba, OCB dự định chào bán tối đa 882.353 cổ phiếu riêng lẻ, tổng giá trị dự kiến là hơn 8,8 tỷ đồng. Giá chào bán sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phần tại tính tại thời điểm cuối quý gần nhất so với thời điểm phát hành. Ngoài ra, số cổ phần mới chào bán trong đợt chào bán riêng lẻ còn phải chịu hạn chế chuyển nhượng theo quy định pháp luật cũng như thỏa thuận giữa OCB và nhà đầu tư. Nhà đầu tư sẽ là cá nhân, tổ chức trong lẫn ngoài nước.

Sau khi việc phát hành hoàn tất, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ tăng từ mức 20.548 tỷ đồng lên mức 24.717 tỷ đồng. Nguồn tiền từ việc tăng vốn sẽ được ngân hàng này sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư cũng như cho vay, mua sắm và xây dựng cơ sở vật chất./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024