Chênh lệch lãi vay đẩy lợi nhuận ngân hàng tăng lên?

Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố thông tin bất thường liên quan đến thay đổi nhân sự cao cấp.

Cụ thể, ông Nguyễn Thành Lâm - Thành viên HĐQT độc lập PGBank và ông Nguyễn Thành Tô - Phó Tổng giám đốc đều cùng xin từ nhiệm với lý do cá nhân.

Loạt nhân sự cao cấp xin từ nhiệm diễn ra ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2024 của ngân hàng, dự kiến tổ chức vào ngày 20/4 tới. 

Năm nay, Hội đồng Quản trị (HĐQT) ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, tăng gần 58% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tổng thu thuần của PGBank được kỳ vọng ở mức 2.086 tỷ đồng, tăng gần 49,7% so với thực hiện năm 2023, trong khi chi phí hoạt động và dự phòng được dự báo sẽ tăng thêm 46,9%, lên 1.532 tỷ đồng.

Tổng tài sản đến cuối năm nay dự kiến đạt 63.503 tỷ đồng, tăng 8.012 tỷ đồng, tương đương 14% so với cuối năm 2023. Tổng huy động đạt 56.530 tỷ đồng tăng 13,5%, trong đó huy động vốn thị trường đạt 41.230 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%.

Dư nợ tín dụng đạt 40.476 tỷ đồng tăng trưởng 12,88% (Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của PGBank được NHNN giao).

Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của PGBank.
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của PGBank.

Về việc tăng vốn điều lệ, vào ngày 8/3 vừa qua, PGBank đã hoàn thành việc tăng vốn pháp định từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng bằng nguồn lợi nhuận để lại. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 này, HĐQT PGBank sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án tăng vốn điều lệ thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu là 800 tỷ đồng, hoàn thành tăng vốn điều lệ dự kiến lên 5.000 tỷ trong năm 2024.

Về phương án phân phối lợi nhuận, kết thúc năm 2023, PGBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 279,9 tỷ đồng. Sau khi trích lập quỹ bổ sung vốn điều lệ, quỹ dự phòng tài chính và quỹ khen thưởng, phúc lợi, lợi nhuận chưa phân phối của năm 2023 là 200,4 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ không chia cổ tức trong năm 2024./.