Xã hội hóa các khoản thu: Còn nhiều bất cập

Thực tế, mỗi năm khi bước vào năm học mới, các bậc phụ huynh có con em theo học bậc phổ thông đều "đứng ngồi không yên" trước những khoản thu. Một trong số đó là các khoản được đề dưới tên xã hội hóa, tự nguyện.

Cần phải nói rõ rằng, ngân sách nhà nước dành cho giáo dục là khá lớn, tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển hiện nay. Đơn cử như ở Hà Nội, tổng mức đầu tư trong giai đoạn trung hạn sắp tới cho giáo dục của Thủ đô là khoảng 21 nghìn tỷ đồng. Đây là con số lớn, nhưng chắc chắn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Đơn cử, vừa qua tại quận Hoàng Mai, hàng trăm phụ huynh đã phải bốc thăm để xác định xem con em họ có được học tại trường công lập hay không, khi số lượng học sinh quá đông mà không có đủ trường học.

Việc phát triển cơ sở vật chất, chăm lo cho công tác giảng dạy và học tập luôn là mong muốn và mục tiêu được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đảng ta luôn xác định: "Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội”.

Do đó, việc chăm lo, ưu tiên cho giáo dục luôn được chính quyền các cấp đề cao. Chính phủ đã có nhiều chính sách để phát triển của giáo dục. Các địa phương trích 20% ngân sách được giao hằng năm cho phát triển sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, ngân sách giao hằng năm cho các địa phương còn thấp, nên việc trích 20% cho giáo dục sẽ không đáp ứng được nhu cầu phát triển của giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đó là chưa kể những địa phương do nguồn ngân sách khó khăn, nên chưa đảm bảo phân bổ 20% ngân sách cho giáo dục.

Thực tế đó cho thấy, khi ngân sách Nhà nước còn hạn chế, thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, một số địa phương, nhà trường chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi thực hiện xã hội hóa, tài trợ đối với cơ sở giáo dục. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, đặc biệt người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng ban đại diện cha mẹ học sinh, tình trạng áp đặt, đề ra các khoản thu vô lý khiến phụ huynh bức xúc....

Để đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục, việc kêu gọi xã hội hóa trong giáo dục là cần thiết, nhưng ranh giới giữa xã hội hóa với lạm thu là rất mong manh. Nếu các đơn vị thực hiện không đảm bảo đúng quy định sẽ dẫn đến những bức xúc trong dư luận, đó sẽ là “vỏ bọc” cho việc lạm thu trong trường học.

Thực tế tại Trường mầm non Cự Khê: Phụ huynh bức xúc vì "xã hội hóa"

Qua công tác khảo sát một số cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội, tòa soạn Kinh doanh và Phát triển ghi nhận sự bức xúc của phụ huynh học sinh tại Trường mầm non Cự Khê (Thanh Oai).

Trường mầm non Cự Khê.
Trường mầm non Cự Khê.

Theo phụ huynh H.T (tên phụ huynh được thay đổi), sau cuộc họp phụ huynh ngày 11/9, các phụ huynh thuộc 6 lớp được gọi là các lớp xã hội hóa được cô giáo Đào Thị Phương Nghi - hiệu trưởng nhà trường phổ biến về các khoản thu đầu năm gồm: Tiền ủng hộ cơ sở vật chất đầu năm đối với học sinh mới vào trường như: rèm cửa, điều hòa, với mức thu từ 200 - 500.000 đồng/ học sinh (tùy theo độ tuổi). Thêm vào đó là tiền quỹ trường với mức thu 100.000 đồng/ học sinh, đây là khoản thu tách bạch với quỹ lớp.

Đối với 6 lớp xã hội hóa, các phụ huynh cho biết mức thu là 500.000 đồng/ học sinh/ tháng. Đây là khoản thu riêng, khác với các lớp học bình thường, được lý giải rằng học sinh sẽ được học theo phương pháp Reggio Emilia. Theo đó, học sinh theo học các lớp này sẽ được hoạt động trải nghiệm nhiều hơn, lớp ít học sinh hơn, sạch đẹp và cô giáo có chuyên môn tốt...

Điều đáng nói, theo các phụ huynh, đến ngày 11/9 họ mới được biết số tiền 500.000 đồng mỗi tháng để học lớp xã hội hóa sẽ được chia làm 2 phần, trong đó 50% số tiền được đưa về nhà trường và 50% giữ lại cho các lớp.

Đối với 50% nộp về cho nhà trường, sẽ được dùng để nâng cấp cơ sở vật chất của nhà trường như: mái tôn, sân sau các lớp, mua máy in, máy tính... Đáng lưu ý, bảng kế hoạch chi phí này chưa được phụ huynh thông qua.

Dự toán chi phí của các lớp xã hội hóa trường mầm non Cự Khê.
Dự toán chi phí của các lớp xã hội hóa trường mầm non Cự Khê.

Khi phụ huynh thắc mắc rằng khoản thu này năm sau có tiếp tục thu nữa hay không thì được cô hiệu trưởng Đào Thị Phương Nghi giải thích rằng: "phần cơ sở vật chất này phục vụ cho 6 lớp xã hội hóa nói riêng và cả trường nói chung, mong các phụ huynh hoan hỉ và chi phí này tính trong năm nay, năm sau chưa nói trước được".

Dự toán chi phí của các lớp xã hội hóa trường mầm non Cự Khê.
Các phụ huynh bức xúc về việc trích 50% khoản thu về cho nhà trường.
Dự toán chi phí của các lớp xã hội hóa trường mầm non Cự Khê.
Phụ huynh thắc mắc về khoản thu của lớp xã hội hóa trường mầm non Cự Khê.

Theo một phụ huynh có con theo học tại lớp xã hội hóa này, họ mong muốn con mình được học theo phương pháp mới nên đồng ý đăng ký, tuy nhiên nếu khoản thu nêu trên được dùng cho việc xây dựng cơ sở vật chất của trường thì rất bất bình. Hơn nữa, mặc dù nói là tự nguyện nhưng các phụ huynh cho rằng họ bị động trong việc chi tiêu các khoản đóng góp khi nhà trường đã "tiền trảm hậu tấu", cho xây dựng, sửa chữa trước các công trình.

Trong khi đó, cơ sở vật chất của nhà trường được Nhà nước đảm bảo bằng khoản chi thường xuyên cho công tác giáo dục.

Để vấn đề được khách quan, phóng viên tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã liên hệ qua điện thoại với cô Đào Thị Phương Nghi - hiệu trưởng Trường mầm non Cự Khê. Qua trao đổi, cô Nghi cho biết sự việc các phụ huynh phản ánh như trên đã được nhà trường làm báo cáo lên cơ quan cấp trên, bên cạnh đó cô Nghi cũng cho rằng giữa phụ huynh và nhà trường còn có những sự "hiểu lầm", do đó chưa thể thông tin gì thêm. Đồng thời, theo cô Nghi, một số phản ánh của phụ huynh còn chưa đúng với chủ trương của nhà trường. Cô Nghi cho biết và từ chối cung cấp thêm thông tin.

Đây không phải là lần đầu tiên trường mầm non Cự Khê bị "tố" về các khoản thu "xã hội hóa". Trước đó, vào năm 2020, các phụ huynh đã phản ứng về việc này. Bên cạnh đó, trong năm 2021 cô Đào Thị Phương Nghi cũng đã bị đình chỉ công tác do thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch COVID-19.

Sự việc này đang được rất nhiều phụ huynh thuộc trường mầm non Cự Khê và dư luận quan tâm.

Giải pháp nào cho vấn đề xã hội hóa giáo dục?

Từ sự việc của trường mầm non Cự Khê, tiếp tục đặt ra vấn đề về xã hội hóa trong giáo dục. Như thế nào là phù hợp, giải quyết được vấn đề phát triển giáo dục và khả năng của phụ huynh khi dưới mác xã hội hóa, đã xuất hiện tình trạng lạm thu, phát sinh các khoản thu vô lý gây gánh nặng cho phụ huynh.

Theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, nguyên nhân của tình trạng lạm thu là do kinh phí chi nghiệp vụ của các nhà trường hiện nay không đảm bảo. Nhu cầu mua sắm, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất ngày càng nhiều, trong khi không được “danh chính ngôn thuận” thu khoản tiền xây dựng khiến nhiều trường “lách luật”, đặt ra những khoản thu không có trong quy định nên mức thu mỗi nơi một kiểu... Thực tế, các khoản thu phải có sự đồng thuận của phụ huynh và các trường phải công khai, thống nhất với phụ huynh. Nếu có sự bất thường trong thu, chi thì phụ huynh chính là “kênh” giám sát quan trọng, trung thực nhất. Thế nhưng, trong khi các cấp chính quyền cũng như ngành giáo dục chưa xử lý triệt để, hay vẫn còn nhẹ tay đối với các đơn vị vi phạm, nhiều bậc phụ huynh học sinh bức xúc nhưng lại không mạnh dạn lên tiếng phản đối, nếu có làm đơn gửi các cơ quan chức năng cũng không ký tên. Cùng với đó là tâm lý “đóng góp cho xong chuyện” đã khiến cho tình trạng các khoản thu vô lý vẫn “nóng” mỗi khi bước vào năm học mới.

Một giải pháp được đưa ra là, khi thực hiện xã hội hóa các cơ sở giáo dục phải xây dựng kế hoạch, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp, thông báo công khai tới từng cha mẹ học sinh...; các khoản thu thỏa thuận phải đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập của người dân trên từng địa bàn dân cư; việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Việc sử dụng các khoản thu thỏa thuận, tài trợ phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích. Các cơ sở giáo dục không được thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học, không được lợi dụng việc xã hội hóa để lạm thu.