ISSN-2815-5823

Phục hồi kinh tế và củng cố vị thế: Hai bài toán khó thách thức người đứng đầu nước Mỹ

(KDPT) – Phục hồi kinh tế và củng cố vị thế chắc chắn là phương châm lớn nhất mà bất cứ nhà lãnh đạo nào của nước Mỹ cũng phải chú trọng trong chương trình nghị sự.

Tuy nhiên, đúng như lời phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 1/12, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell một lần nữa cảnh báo, số ca lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục gây sức ép lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Như chúng tôi vẫn luôn nhấn mạnh trong suốt đại dịch, triển vọng nền kinh tế hiện cực kỳ thiếu chắc chắn và sẽ còn phụ thuộc phần lớn vào nỗ lực kiểm soát Covid-19. Kinh tế không thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi mọi người tự tin rằng, họ an toàn khi tái tham gia các hoạt động”, Chủ tịch Fed nhấn mạnh.

Phục hồi kinh tế và củng cố vị thế chắc chắn là phương châm lớn nhất mà bất cứ nhà lãnh đạo nào của nước Mỹ cũng phải chú trọng trong chương trình nghị sự.

Phụ thuộc vào Covid-19

Người ta nói, tương lai của các chủ doanh nghiệp nhỏ và người lao động phổ thông Mỹ vẫn đang gói gọn trong hai từ “mù mờ”. Họ vẫn là những đối tượng bị tổn thương đầu tiên khi kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn sau bầu cử, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn tăng ở mức kỷ lục và các phúc lợi liên bang hết hạn.

Số liệu từ Cục Phân tích kinh tế Mỹ (BEA), GDP quý II của nước này đã giảm 32,9% – mức giảm thấp nhất trong lịch sử của nền kinh tế này, cao gấp bốn lần con số đỉnh điểm do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra cách đây hơn 10 năm. Đại dịch cũng chấm dứt chuỗi tăng trưởng kéo dài liên tục hơn 10 năm – giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong lịch sử Mỹ, đồng thời khiến hàng triệu người Mỹ thất nghiệp. Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh hồi tháng Sáu, số người thất nghiệp do Covid-19 đã lên tới 45,7 triệu người, tức mỗi tuần có hơn 1 triệu người thất nghiệp.

Trong giới quan sát, nhiều người cho rằng, đại dịch Covid-19 quả đã thay đổi cuộc chơi bằng việc quét sạch những thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ bốn năm của Tổng thống Donald Trump. Những chỉ số ấn tượng về tỷ lệ thất nghiệp, số lượng công việc tạo ra, điểm số trên sàn chứng khoán… đều nhanh chóng bị các quy định phòng dịch tiêu hủy, đẩy ông Trump vào tình thế bị tấn công từ nhiều phía.

Tương lai của nền kinh tế Mỹ cuối cùng được chốt lại trong hai câu hỏi lớn là đại dịch Covid-19 sẽ đến bao giờ và gói kích thích sẽ như thế nào?

Triển vọng của dự luật cứu trợ và tương lai hoạt động của các doanh nghiệp trong vài tuần tới được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden vẫn luôn khẳng định nhiệm vụ kiểm soát Covid-19 là ưu tiên số một, thì giới phân tích lại bình luận rằng, ông Biden dường như không chìa “cành oliu” cho phe Cộng hòa tại Thượng viện, để tái khởi động các cuộc đàm phán lưỡng đảng về dự luật cứu trợ, trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng trầm trọng.

Hiện nền kinh tế Mỹ vẫn đang mong mỏi một hướng đi rõ ràng, các nhà kinh tế tiếp tục hối thúc Quốc hội thông qua một gói kích cầu mới. Tuy nhiên, trên thực tế, những bất đồng về quy mô gói cứu trợ, đang khiến triển vọng đạt được thỏa thuận lưỡng đảng vào cuối tháng 12 trở nên xa vời.

Làn sóng Covid-19 vẫn trỗi dậy mạnh mẽ ở khắp nước Mỹ, khiến người dân buộc phải chi tiêu dè sẻn, họ không còn tới các nhà hàng, hay cửa hiệu, bất kể họ có bị yêu cầu ở nhà hay không. Chỉ vài tuần nữa thôi hàng triệu người sẽ mất trợ cấp, tình trạng giảm chi tiêu đang trở nên nguy hiểm, khu vực kinh tế tư nhân cũng đang mòn mỏi chờ cứu trợ. Người ta lo ngại, số doanh nghiệp nhỏ không thể trụ nổi qua mùa Đông ngày càng lớn.

Trong khi đó, những tín hiệu tích cực về vaccine Covid-19 dù có thắp lên hy vọng, thì vẫn có khả năng phải mất hàng tháng trước khi bất kỳ loại vaccine nào được đưa vào sử dụng đủ rộng rãi để có thể mang lại bước ngoặt cho nền kinh tế.

Đọ tầm ảnh hưởng với Trung Quốc?

Trong khi đó, trên mặt trận quốc tế, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có một thời điểm hoàn hảo để tận dụng quá trình thay đổi Chính quyền ở Mỹ. Ngay sau khi ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP, ngày 20/11, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ cân nhắc tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại có sự tham gia của 11 quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Australia. Giới quan sát bình luận, tuyên bố của ông Tập đang gây lo ngại rằng, chí ít về mặt thương mại, Washington có thể có nguy cơ bị cô lập hơn là Bắc Kinh.

RCEP là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cả sức mạnh của Trung Quốc và ảnh hưởng đang giảm của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Trên tờ Time, các nhà quan sát đều lưu ý rằng, ngay cả các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia, cũng đang chuyển sang thương lượng với Trung Quốc khi không có giải pháp thay thế.

Giới chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc có mặt trong Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới RCEP và Mỹ không có mặt trong bất kỳ một Hiệp định thương mại nào ở châu Á sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các công ty của Mỹ sẽ bất lợi ở khu vực này. Và dù, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những trở ngại lớn khi tham gia TPP (như cải tổ doanh nghiệp nhà nước), nhưng sự cởi mở của Bắc Kinh có thể sẽ được nhiều thành viên TPP hoan nghênh.

Từng tập trung mở rộng xuất khẩu, Trung Quốc đang tìm cách thu hút các nguồn lực từ khắp nơi trên thế giới để củng cố mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Những quyết định chóng vánh của Bắc Kinh thể hiện mục tiêu nắm giữ vai trò đầu tàu, không chỉ trong việc tạo ra các quy tắc thương mại và đầu tư, mà còn cả về tiền tệ.

Bắc Kinh đang có nỗ lực mang tính chiến lược để thúc đẩy việc sử dụng Nhân dân tệ trong thương mại quốc tế. Trung Quốc đang tăng cường tiêu dùng trong nước, từ đó thúc đẩy giá trị hàng hóa nhập khẩu được thanh toán bằng nội tệ. RCEP được cho là đã mang đến cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy chiến lược này, nhất là với quy mô kinh tế khổng lồ, Trung Quốc đang giữa vai trò lớn trong RCEP.

Tất nhiên, hiện USD vẫn là đồng tiền được lựa chọn cho các giao dịch quốc tế. Nhưng ngay cả trong lĩnh vực này, các loại tiền kỹ thuật số đang vào cuộc và thay đổi cuộc chơi. Mối quan tâm sâu sắc của Trung Quốc tới việc phát hành Nhân dân tệ kỹ thuật số một phần liên quan đến việc tìm kiếm một giải pháp thay thế và dễ sử dụng cho các thanh toán quốc tế.

PHẠM THẮNG

Nguồn link gốc: https://baoquocte.vn/phuc-hoi-kinh-te-va-cung-co-vi-the-hai-bai-toan-kho-thach-thuc-nguoi-dung-dau-nuoc-my-130612.html

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024