ISSN-2815-5823

Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ

(KDPT) – Sri Lanka đã tuyên bố vỡ nợ trước đối với toàn bộ khoản nợ nước ngoài trị giá 51 tỷ USD như một “phương sách cuối cùng” giữa lúc quốc đảo này đang phải vật lộn để đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Người dân xếp hàng mua dầu hỏa tại một trạm nhiên liệu ở Colombo, Sri Lanka ngày 21/3, trong bối cảnh thiếu khí đốt do khủng hoảng kinh tế gây ra.

Ngày 12/4, Bộ Tài chính Sri Lanka tuyên bố các chủ nợ của nước này, trong đó có chính phủ các nước đã cho quốc gia Nam Á vay tiền, có thể cộng dồn lãi chưa trả vào khoản vay mà Sri Lanka đến hạn thanh toán từ chiều cùng ngày, hoặc chọn nhận lại khoản vay gốc bằng đồng rupee Sri Lanka.

Bộ Tài chính Sri Lanka cho hay Chính phủ nước này đang thực hiện “các biện pháp khẩn cấp”, trong khi chờ các cuộc thảo luận đầy đủ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nơi mà họ đã tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ để ngăn chặn sự thâm hụt tài chính sâu hơn của đất nước. Một chương trình tái cơ cấu nợ toàn diện hiện là “không thể tránh khỏi”.

Quyết định trên được đưa ra sau hai thay đổi chính sách quan trọng khác. Sri Lanka thả nổi đồng rupee vào đầu tháng 3/2022, khiến đồng tiền này giảm giá đáng kể. Gần đây, Ngân hàng trung ương Sri Lanka tăng lãi suất thêm 7 điểm phần trăm trong nỗ lực thắt chặt chính sách tiền tệ, dường như để chuẩn bị cho một gói IMF mà Chính phủ muốn “xúc tiến”.

Đảo quốc Ấn Độ Dương đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành được độc lập, khi chính phủ Sri Lanka không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.

Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong “núi nợ”.

Các tổ chức đánh giá tín dụng quốc tế đã hạ mức tín dụng của Sri Lanka từ năm ngoái, khiến quốc gia này gần như không thể tiếp cận với thị trường vốn nước ngoài để vay thêm tiền trang trải chi phí nhập khẩu hàng hóa.

Quốc gia này đã xin được xóa nợ từ Ấn Độ và Trung Quốc, song cả hai quốc gia chỉ đồng ý tăng hạn mức tín dụng để Sri Lanka mua thêm hàng hóa. Sri Lanka phải nhập khẩu hầu hết mặt hàng, từ sữa bột, gạo, xăng dầu cho tới dược phẩm, xi măng.

VÂN ANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine