Ấn Độ được dự báo vượt Trung Quốc về dân số trong năm 2023.

Các dự báo mới nhất của LHQ cho rằng đến năm 2030 dân số toàn cầu có thể tăng lên khoảng 8,5 tỷ người, năm 2050 tăng lên 9,7 tỷ và năm 2100 tăng lên 10,4 tỷ. Dân số thế giới đang tăng với tốc độ chậm nhất kể từ năm 1950.

Trong dự báo được công bố nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), LHQ cho biết 2 khu vực đông dân nhất thế giới năm 2022 đều ở châu Á, trong đó 29% dân số toàn cầu (tương đương 2,3 tỷ người) ở Đông và Đông Nam Á và 26% (2,1 tỷ người) ở Trung và Nam Á.

Theo LHQ, hơn một nửa mức gia tăng dân số toàn cầu được dự kiến tới năm 2050 sẽ tập trung ở 8 quốc gia, gồm CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng dân số của Australia, New Zealand, Bắc Phi và Tây Á, và châu Đại Dương đến cuối thế kỷ này được dự kiến sẽ chậm hơn nhưng vẫn tích cực.

Báo cáo cho biết thêm, dân số ở Đông và Đông Nam Á, Trung và Nam Á, Mỹ Latinh và Caribe, châu Âu và Bắc Mỹ sẽ đạt đỉnh và sau đó bắt đầu giảm trước năm 2100.

Hiện tại, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ sáu trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Vương quốc Anh. GDP danh nghĩa của Ấn Độ được đo bằng USD được dự báo sẽ tăng từ 2,7 nghìn tỷ USD vào năm 2021 lên 8,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ mở rộng kinh tế nhanh chóng này sẽ dẫn đến quy mô GDP của Ấn Độ vượt quá GDP của Nhật Bản vào năm 2030, đưa Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2030, nền kinh tế Ấn Độ cũng sẽ có quy mô lớn hơn các nền kinh tế Tây Âu lớn nhất là Đức, Pháp và Anh.

HÀ ANH