ISSN-2815-5823

Phương án nào giải quyết sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” tại nhiều doanh nghiệp

(KDPT) – Những ngày qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương và nhân dân cả nước đang gồng sức chống dịch khi đại dịch Covid-19 có những tiến triển hết sức phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là các đơn vị thuộc hệ thống y tế, các trung tâm sản xuất công nghiệp, trung tâm kinh tế của cả nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, giao các Bộ, địa phương ban hành các hướng dẫn, giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa chống dịch vừa duy trì, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, quá trình triển khai một số nhóm giải pháp hiện đã bộc lộ những khía cạnh hết sức bất cập, khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh bị tê liệt, đình trệ, đẩy hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều ngành, lĩnh vực vào tình trạng đã hoặc sẽ phải đóng cửa, dừng hoạt động; không đủ năng lực duy trì lương cho hàng triệu lao động, thậm chí nguy cơ cao mất thị trường vào tay các nước đối thủ.

Trước thực tiễn cấp bách đó, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cùng các Hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất 3 nhóm vấn đề và khẩn thiết đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét để có những chỉ đạo tháo gỡ, cải thiện

Về việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ”

Mục tiêu thực hiện “3 tại chỗ” trong các nhà máy là để tạo lập các khu sản xuất an toàn, cách ly với nguy cơ dịch bệnh nhằm bảo vệ chuỗi sản xuất, cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy không đáp ứng được yêu cầu này và đã phải tạm dừng sản xuất bởi không đủ khả năng tổ chức, thu xếp cơ sở vật chất phục vụ ăn, nghỉ tại chỗ cho hàng nghìn lao động trong thời gian quá ngắn hoặc do công năng thiết kế trước đó của các nhà máy cũng hạn chế, không sẵn sàng cho việc chứa đựng hoạt động ăn, ở, ngủ nghỉ thời gian dài của hàng trăm, hàng nghìn con người.

Thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP HCM, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương…) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày

Mặc dù vậy, tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, mô hình này đã được vận hành tương đối hiệu quả, bằng sự tuân thủ nghiêm của doanh nghiệp với các hướng dẫn về phòng chống dịch và sự hỗ trợ sát sao của các cấp chính quyền trong việc thiết lập hệ thống thông tin liên lạc, duy trì đường dây nóng từ cấp lãnh đạo cao nhất tới các tổ, đội nhóm ở từng địa bàn, thường xuyên rà soát, đánh giá thực tiễn, nắm bắt các khó khăn vướng mắc của các nhà máy để kịp thời tháo gỡ.

Tại các tỉnh phía Nam, số doanh nghiệp nỗ lực áp dụng “3 tại chỗ” cũng không ít vì đây là những khu công nghiệp trọng điểm, có vai trò rất lớn với các chuỗi sản xuất – xuất khẩu. Tuy nhiên, thông tin nhanh từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng (Dệt May Việt Nam, Điện tử Việt Nam, Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chế biến Gỗ & Mỹ nghệ TP HCM, Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương, Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương…) trong những ngày qua cho thấy, đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình “3 tại chỗ” ở một số nhà máy với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng trong vài ngày. Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, trong khi hệ thống y tế địa phương cũng hết sức quá tải, hiện khâu xử lý với các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Trong bối cảnh đó, chính quyền cấp tỉnh, cấp quận, huyện, thị xã và ngay cả Ban Quản lý khu công nghiệp ở một số địa phương phía Nam đã ban hành các văn bản yêu cầu doanh nghiệp tăng cường xét nghiệm Covid cho nhân viên, nhưng lại không làm rõ các kịch bản y tế liên quan nên doanh nghiệp càng thêm áp lực vì chi phí xét nghiệm quá lớn mà không đánh giá được cụ thể là hiệu quả bảo vệ sản xuất so với lựa chọn khác ra sao. Hoặc như tỉnh Tiền Giang, ngay khi doanh nghiệp đã đầu tư nhiều tỷ đồng để thực hiện mô hình “3 tại chỗ” thì chính quyền tỉnh lại vừa ra thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5-8-2021 khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh hết sức bị động, khó khăn.

Từ bài học ở Bắc Giang và Bắc Ninh, Ban IV và các Hiệp hội đề xuất: Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” nên tính toán thực hiện ở các địa phương mà tình hình dịch bệnh vẫn ở diện “kiểm soát được”. Như TP HCM và các tỉnh phía Nam, với mức độ lây lan dịch bệnh trong thời gian dài, mầm bệnh ủ ở nhiều khu vực và trên nhiều người lao động thì các nhà máy “3 tại chỗ” dù tổ chức xét nghiệm nghiêm túc trước khi tiến hành vẫn khiến doanh nghiệp gặp rủi ro, khả năng bùng phát bệnh là rất cao.

Đi kèm với việc thực hiện “3 tại chỗ”, một quy trình phối hợp công – tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết. Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc và không bị rơi vào những tình cảnh quá khủng hoảng như tình trạng một số nhà máy trở thành “chùm F0” như tại phía Nam trong mấy ngày qua.

Các địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” cần phải xây dựng và công bố công khai các phương án y tế, quy trình xử lý nhanh chóng trong trường hợp có F0 tại nhà máy “3 tại chỗ” và phổ biến trước, thảo luận trước với doanh nghiệp để phối hợp mọi nguồn lực ứng phó khi thực tiễn phát sinh. Hạn chế tối đa các tình huống doanh nghiệp báo nghi ngờ phát dịch thì hoặc chính quyền chậm trễ kiểm tra, hoặc kiểm tra xong chỉ yêu cầu phong tỏa toàn bộ hàng trăm, hàng nghìn lao động tại một chỗ khiến dịch lan cấp số nhân trong nhà máy, khiến cơ hội xử trí, khắc phục càng trở nên khó khăn hơn.

Đối với những tỉnh phía Nam mà hiện đã xuất hiện các nhà máy “3 tại chỗ” có nhân viên, người lao động phát hiện là F0, do lực lượng y tế địa phương cũng tương đối quá tải và chưa lập sẵn quy trình ứng phó chi tiết dẫn tới thực tiễn khó khăn cho cả chính quyền và doanh nghiệp, đề xuất Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì họp khẩn cấp với các tỉnh, có thể mời đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia để đánh giá tình hình, bàn bạc thấu đáo các giải pháp nhằm tìm ra phương án có khả năng giảm thiểu thiệt hại lớn nhất cho cả địa phương và doanh nghiệp.

Về việc đảm bảo các chuỗi vận tải hàng hóa và xuất, nhập khẩu

Tình trạng lộn xộn, đứt gãy vận tải hàng hóa đã được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội, báo đài phản ánh liên tục thời gian qua, một phần xuất phát từ cách làm, cách hiểu và diễn giải các quy định phòng chống dịch hết sức khác nhau ở các địa phương. Văn bản chỉ đạo số 5187/VPCP-CN ngày 29-7-2021 của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã tháo gỡ nhiều khúc mắc lớn liên quan tới tình trạng này.

Tuy nhiên, chuỗi tiêu dùng và chuỗi xuất, nhập khẩu còn liên quan tới hoạt động của nhiều bộ phận khác. Vì thế, Ban IV và các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo hoặc giao đầu mối các Bộ ngành, địa phương, rà soát và áp dụng quy định, điều kiện đi lại thống nhất cho các nhóm nhân sự chuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu, nhân viên cảng, nhân viên bốc xếp … tương tự như nhóm vận chuyển hàng trong nội thành (shipper) giờ đã được tính toán các biện pháp quản lý để đi lại thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.

Ban IV đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kĩ “Quy trình vận tải an toàn – lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logisitcs Việt Nam, Hiệp hội Ô tô – Vận tải Việt Nam đã kiến nghị

Ngoài ra, Ban IV cũng đề xuất Thủ tướng xem xét, đánh giá kĩ “Quy trình vận tải an toàn – lái xe không tiếp xúc” mà Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logisitcs Việt Nam, Hiệp hội Ô tô – Vận tải Việt Nam đã kiến nghị, bởi việc sử dụng kết quả xét nghiệm sàng lọc Covid (gồm cả kết quả xét nghiệm nhanh hay xét nghiệm PCR) như là giấy thông hành hiện nay, theo ý kiến nhiều chuyên gia y tế, là chưa đúng với bản chất ý nghĩa của việc xét nghiệm, và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và một số biện pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đảm bảo mục tiêu kép trong đại dịch

Việc ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần hỗ trợ trực tiếp cho người lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng của đại địch được công luận và doanh nghiệp rất hoan nghênh. Tuy nhiên, thủ tục hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đang còn có những quy định gây khó, khiến hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp cận chính sách. Cụ thể: Điểm b, Khoản 2, Điều 38, Quyết định 23 yêu cầu doanh nghiệp “đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Hiện tại theo pháp luật về thuế thì doanh nghiệp có thể thực hiện quyết toán thuế với chu kỳ 3-5 năm, không bắt buộc quyết toán từng năm. Bối cảnh đại dịch xảy ra từ năm 2020 tới nay khiến doanh nghiệp hết sức khó khăn về tài chính nên việc yêu cầu phải quyết toán thuế năm 2020 cho dù doanh nghiệp chưa tới chu kỳ quyết toán cần thiết là một quy định chưa hợp lý. Đề xuất Chính phủ xem xét loại bỏ quy định này.

Kiến nghị cho phép doanh nghiệp sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ trong 1 tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng

Quy định về số giờ làm thêm của người lao động trong 1 tháng, theo Bộ Luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1-1-2021, là không quá 40g. Tuy nhiên bối cảnh đại dịch liên tục có những giai đoạn bị phong tỏa, giãn cách, hoặc các tình huống phát sinh khác khiến doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động. Trong bối cảnh đó, ở những thời điểm dịch ổn định, nằm trong phạm vi kiểm soát, cả doanh nghiệp và người lao động đều mong muốn có thể tận dụng tối đa thời gian, đẩy nhanh tiến độ và hiệu suất làm việc. Vì thế, kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét cơ chế (hoặc trình xin ý kiến Quốc hội để ban hành cơ chế), cho phép doanh nghiệp sau thời gian giãn cách được chủ động bố trí thời gian làm thêm của người lao động có thể hơn 40 giờ trong 1 tháng để giải quyết các công việc gấp, tồn đọng.

Riêng đối với cụm tỉnh phía Nam, hiện nguồn vắc xin đang ưu tiên trực tiếp và nhiều nhất cho TP HCM, nhưng tình hình và diễn biến dịch tại Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh TP HCM đang có diễn biến giống nhau, và đều là các khu công nghiệp trọng điểm, nên đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế quan tâm, phân bổ nguồn vắc xin cho các tỉnh này đồng thời với TP HCM để đẩy nhanh cơ hội miễn dịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đề xuất Thủ tướng quan tâm đặc biệt tới chiến dịch “selftest – tự mua dụng cụ để chủ động xét nghiệm” mà Mỹ và các quốc gia Châu Âu đã áp dụng; nhằm giúp doanh nghiệp và cả xã hội có thể tiết kiệm khoản chi phí cực lớn so với hình thức xét nghiệm dịch vụ (thậm chí độc quyền bởi các trung tâm y tế tại một số địa bàn) như hiện nay, đồng thời cũng giúp người lao động tránh được các rủi ro lây lan dịch bệnh khi thường xuyên phải xếp hàng trong các đám đông đăng ký xét nghiệm, kiểm tra giấy kết quả xét nghiệm…

XUÂN THANH

Theo link gốc: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/phuong-an-nao-giai-quyet-su-do-vo-cua-mo-hinh-3-tai-cho-tai-nhieu-doanh-nghiep-251446.html



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024