QUẢNG NGÃI: Đến Lý Sơn để yêu biển đảo hơn
Các di tích văn hóa lịch sử gắn liền với đội Hoàng Sa Bắc Hải luôn là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá Lý Sơn của nhiều đoàn khách. Thời điểm đầu năm mới Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải luôn tấp nập du khách đến tham quan, tìm hiểu lịch sử chủ quyền biển đảo. Chỉ tay vào chiếc ghe câu và các vật dụng đi biển của đội Hoàng Sa Bắc Hải chị Đặng Thị Hiền, thuyết minh viên Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải đã dẫn dắt du khách vào những câu chuyện lịch sử từ xa xưa. Chị Hiền nói: “Từ đầu thế kỷ XVII đến những năm 50 của thế kỷ XIX, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng ghe câu để đưa binh phu đi tuần thú và tìm kiếm hải vật trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Chiếu cói, nẹp tre, dây mây là dụng cụ dùng để nẹp xác binh phu khi hy sinh”.
Với chất giọng nhẹ nhàng, xúc cảm chị Hiền đã giúp nhiều đoàn khách phần nào hiểu hơn về quá trình hoạt động của đội Hoàng Sa cũng như lịch sử về đảo Lý Sơn. Chị Hiền chia sẻ: “Dịp Tết vừa qua, du khách đến Lý Sơn du xuân rất đông, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải là điểm đến không thể thiếu của du khách. Là thuyết minh viên, tôi thường xuyên giới thiệu cho nhiều đoàn khách khi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử về đội Hoàng Sa. Qua đó giúp du khách hiểu rõ hơn về lễ khao lề hay những hùng binh can trường bảo vệ Hoàng Sa năm xưa. Riêng bản thân tôi cảm thấy rất tự hào”.
Nghe thuyết minh viên giới thiệu những câu chuyện gửi thân xác vào biển mẹ của các binh phu Hoàng Sa không ít du khách lặng im xúc động. “Nếu chỉ nhìn vào chiếc ghe câu được phục dựng lại thì khó ai có thể hình dung ra nó đã từng là phương tiện đi lại của đội Hoàng Sa Bắc Hải để thu lượm sản vật, đo đạc, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hy sinh của ông cha ta là rất lớn, thế hệ hôm nay phải kiên quyết giữ gìn và bảo vệ” – Anh Nguyễn Nhật, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ.
Lý Sơn là nơi lưu giữ những bằng chứng lịch sử thiêng liêng về chủ quyền Tổ quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngoài Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải thì các di tích như Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, Đình Làng An Hải, Đình Làng An Vĩnh, Nhà thờ Phạm Quang Ảnh, hàng chục nhà cổ… được xem là những bảo tàng thu nhỏ lưu giữ nhiều tư liệu quý, “nhân chứng” sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Di tích cấp Quốc gia Đình làng An Vĩnh luôn hấp dẫn du khách. Đây là nơi bảo tồn các hoạt động văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa; đồng thời là nơi diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm để tri ân công đức các hùng binh. Tuy không phải thời điểm diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhưng du khách đến đây cũng hiểu được ít nhiều về lễ Khao lề và lịch sử Đình An Vĩnh dưới sự giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch địa phương.
Anh Mẫn Văn Lập đến từ tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: “Rất đỗi tự hào về lịch sử của ông cha ta, tận mắt xem và nghe thấy những thông tin về đội Hoàng Sa, cũng như những bằng chứng xác thực chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa nên tôi càng thấy yêu biển đảo hơn và thấy mình có trách nhiệm hơn với những hi sinh to lớn của ông cha để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.
Đến tham quan, tìm hiểu các di tích văn hóa lịch sử, hay tận mắt chứng kiến những ngư dân Lý Sơn ngày đêm giong thuyền ra biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản và khẳng định chủ quyền Tổ quốc thì du khách như thấy được thông điệp lớn về tình yêu Tổ quốc. Những tư liệu quý, hiện vật, “nhân chứng” sống ở Lý Sơn muốn nhắc nhở mọi người về những hi sinh của ông cha ta trong việc dựng bia, xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Thế hệ hôm nay phải gắng công sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Lý Sơn đón trên 8.000 lượt du khách đến du xuân. Hầu hết du khách đều đặt chân đến các di tích văn hóa lịch sử gắn liền với đội binh phu Hoàng Sa Bắc Hải. Không đơn thuần là đến để biết, đây là dịp để những người con đất Việt tự hào và hiểu hơn lịch sử nước ta, từ đó có ý thức gìn giữ, bảo vệ chủ quyền.
Ông Nguyễn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết huyện luôn quan tâm đến công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa; hỗ trợ kinh phí cho các di tích để phân công người trực dọn vệ sinh và hướng dẫn du khách đến tham quan, tìm hiểu các giá trị di tích; đồng thời phân công thuyết minh viên trực Nhà trưng bày đội Hoàng Sa để hỗ trợ cho các đoàn tham quan, tìm hiểu.
Theo báo điện tử Lao động