ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 03h16 12/07/2020

Quảng Ninh: Xuất nhập khẩu hàng hóa khởi sắc trở lại

(KDPT) – Giống như một số tỉnh có chung đường biên giới với Trung Quốc, trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid- 19, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa theo đường biên mậu tại tỉnh Quảng Ninh đều bị ngưng trệ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này – khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng, thì hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại địa phương này đã có những chỉ báo tích cực.

Các hoạt động XNK hàng hóa tại Quảng Ninh đang dần hồi phục sau dịch Covid – 19.

Những dấu hiệu tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu

Trên tuyến biên giới của tỉnh Quảng Ninh có 13 cửa khẩu, lối mở, điểm xuất hàng biên giới đã được công bố thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, tái xuất hàng hóa và hoạt động mua bán hàng hóa. Có đầy đủ các lực lượng chức năng, được đầu tư cơ bản, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động XNC, XNK. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tính đến thời điểm cuối tháng 06/2020, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 03/13 cửa khẩu. Lối mở đã khôi phục và đang diễn ra các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, bao gồm: Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Lối mở Km3+4 (TP Móng Cái) và Cửa khẩu Hoành Mô (Bình Liêu).

Theo số liệu thống kê của Sở Công thương Quảng Ninh, trong 06 tháng đầu năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có sự tăng trưởng (tăng 3,6%) so với cùng kỳ. Mặc dù bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên liệu, chuyên gia người nước ngoài và thời gian nghỉ tết Nguyên đán phần nào đã ảnh hưởng phần nào đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các cấp chính quyền, các ngành đã tích cực vào cuộc, để cùng doanh nghiệp giải quyết kịp thời những khó khăn trong hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu. Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid 19, ngoài các hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới, thì hoạt động xuất nhập khẩu qua các cảng biển (cảng Hòn Gai, Cẩm Phả) cũng luôn có sự ổn định và tăng trưởng hơn so với cùng kỳ.

Hoạt động nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, chủ yếu là hàng tạp hóa tiêu dùng, linh kiện đèn, thủy sản….Hàng nguyên liệu gia công của doanh nghiệp đăng ký tờ khai tại hải quan nơi khác, cửa khẩu nhập tại Móng Cái. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Sợi, hoa quả, nông sản… với đối tượng hàng hoá xuất nhập khẩu đa số là của các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Cũng theo Sở Công thương Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức tăng trưởng cao của một số mặt hàng xuất khẩu như: than, quần áo, xơ sợi, xi măng… (đặc biệt là mặt hàng than xuất khẩu tăng mạnh 170% cùng kỳ tháng 6 năm 2019). Tuy nhiên, nhiều mặt hàng do phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ thế giới giảm so với cùng kỳ như: nến, clinker… Do vậy, 6 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh tăng trưởng dương 3,6%, nhưng tính chung mức tăng này vẫn thấp so với cùng kỳ. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1.480 triệu USD, tăng 10,3% cùng kỳ. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, linh kiện điện tử, hàng tạp hóa tiêu dùng, linh kiện đèn, thủy sản…

Đặc biệt, đối với những mặt hàng nông – thủy sản xuất khẩu qua biên giới, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động xuất khẩu chính ngạch hàng hóa nói chung, và yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc qua biên giới nói riêng. Sở Công thương Quảng Ninh đã yêu cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu loại hàng này cần đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng, bao bì, mẫu mã, quy trình nuôi trồng, nguồn gốc xuất xứ… Đồng thời, đảm bảo đầy đủ thủ tục giấy tờ pháp lý theo quy định của nước nhập khẩu. Để làm được điều này, Sở Công thương thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường ngoài nước cho các doanh nghiệp nắm bắt được tình hình. Từ đó chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa. Bên cạnh cũng khuyến cáo các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thực hiện đúng quy trình sản xuất, khai báo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nuôi, trồng theo quy định có liên quan đối với hàng nông nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, Sở Công thương còn kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đẩy mạnh công tác hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh, xuất nhập khẩu… các quy định về hàng hóa, thủ tục trong quá trình xuất khẩu. Tuyên truyền, định hướng thương nhân chuyển dần từ hình thức hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch, biên mậu sang xuất khẩu theo thông lệ quốc tế, để tận dụng ưu đãi thuế quan do các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết mang lại.

Bốc xếp hàng thủy sản tại lối mở Km 3+4 (TP Móng Cái)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiệp định EVFTA

Để chuẩn bị những điều kiện tốt, đảm bảo triển khai thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đạt hiệu quả cao nhất. Với mục tiêu khai thác tối đa lợi ích, hạn chế tối thiểu tác động tiêu cực và chủ động vượt qua thách thức do EVFTA mang lại. Đáp ứng kỳ vọng về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Sở Công thương đã chủ động lập kế hoạch tham mưu cho UBND tỉnh, phối hợp Bộ Công Thương, tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu giữa các cơ quan đại diện thương mại, các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài với tỉnh Quảng Ninh và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối giao thương từ các nước tham gia Hiệp định EVFTA. Tận dụng các ưu đãi, lợi thế từ Hiệp định đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời tổ chức phổ biến về Hiệp định EVFTA tới các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thông qua các kênh thông tin tuyên truyền. Để cung cấp các nội dung và tình hình triển khai thực hiện Hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp. Cùng với đó là tổ chức tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương; doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ về các quy định, cam kết của Hiệp định EVFTA theo từng chuyên ngành, lĩnh vực. Cụ thể như: đầu tư, dịch vụ, hải quan, sở hữu trí tuệ, phòng vệ thương mại, lao động… về các cam kết cụ thể có liên quan trong Hiệp định EVFTA.

Trong thời gian sắp tới, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành công thương tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục nắm bắt nhu cầu thị trường Trung Quốc (Quảng Tây) và các thị trường nước ngoài. Có tiềm năng khác, đặc biệt đối với mặt hàng nông lâm thủy sản. Để xây dựng kế hoạch sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Giúp các doanh nghiệp ngay sau khi hết dịch, tập trung vào công tác nắm bắt tình hình hoạt động xuất, nhập khẩu. Và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong hoạt động xuất nhập khẩu. Ngành công thương cũng sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương từ các nước tham gia Hiệp định EVFTA. Tận dụng các ưu đãi, lợi thế từ Hiệp định đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tập huấn về việc thực hiện nội dung của các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA và CPTPP.

Bài và ảnh : ĐINH KHƯƠNG

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024