Quý I/2024, lãi trước thuế và lãi sau thuế của PGBank đồng loạt giảm 24%
Mới đây, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - Mã chứng khoán: PGB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều nội dung đáng chú ý. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý đầu năm là 116 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước đã giảm khoảng 24%. Lợi nhuận sau thuế cũng có mức giảm tương tự, đạt 92,8 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của PGBank trong quý đầu tiên đã giảm nhẹ. Ngoài ra, chi phí hoạt động đã tăng gần 17%, kéo lợi nhuận của ngân hàng này giảm xuống. Tính đến cuối tháng 3/2024, dư nợ vay đã giảm so với năm trước nhưng PGBank vẫn ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 377,5 tỷ đồng, tăng 11,3%.
PGBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng mạnh trong quý I/2024, vì thế một phần thu nhập lãi có thể sẽ được tiếp tục ghi nhận trong quý đầu năm nay. Bên cạnh đó, chi phí lãi cũng đã giảm mạnh, từ hơn 556 tỷ đồng xuống còn 473 tỷ đồng trong bối cảnh lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể so với đầu năm 2023, điều này hỗ trợ đáng kể cho thu nhập lãi thuần.
Điều đáng nói, những mảng kinh doanh khác của PGBank như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối cũng như hoạt động kinh doanh khác đều ghi nhận kết quả kém sắc. Vì thế, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của PGBank trong quý I/2024 đã giảm gần 4%, xuống còn 376 tỷ đồng. Cụ thể, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đã giảm còn 26 triệu (cùng kỳ năm ngoái là 13,5 tỷ đồng).
Cũng trong quý này, hoạt động dịch vụ lỗ 8,9 tỷ đồng do chi phí đã tăng từ 8,1 tỷ đồng lên mức 29,7 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các khoản chi về hoa hồng và môi giới. Bên cạnh đó, lãi thuần từ các hoạt động khác của PGBank được ghi nhận ở mức 8,6 tỷ đồng, so với cùng kỳ đã giảm 65%.
Thu nhập lãi thuần giảm nhưng chi phí hoạt động của PGBank lại tăng gần 17%, chủ yếu là do chi phí trả lương cho nhân viên. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động của ngân hàng này đã tăng gần 13%. Quý I/2024, chi phí dự phòng rủi ro giảm xuống còn 42 tỷ đồng, so với cùng kỳ thấp hơn 18,4%, đồng thời giảm đáng kể so với con số được ghi nhận trong quý IV/2023 là 91,3 tỷ đồng.
Tính tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của PGBank được ghi nhận ở mức 58.763 tỷ đồng, so với hồi đầu năm đã tăng 5,9%. Ngoài ra, dư nợ cho vay khách hàng đã giảm 0,4% xuống 35.185 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng cũng tăng 4,2%, lên mức 37.244 tỷ đồng. Nợ xấu tính ở thời điểm cuối kỳ là 1.033 tỷ đồng, so với đầu năm đã tăng 2,4%. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng của PGBank đã tăng từ 2,85% lên 2,93%.
Phần lớn tài sản tăng thêm được ngân hàng này gửi tại các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, lãi từ tiền gửi trong quý đầu năm nay giảm còn 32,2 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 87,8 tỷ đồng được ghi nhận vào cùng kỳ năm trước. Cho vay khách hàng giảm khiến tỷ lệ nợ xấu của PGBank đã tăng từ 2,85% vào cuối năm 2023 lên 2,93% vào cuối quý I/2024.
Nhân viên tăng, lãnh đạo cấp cao liên tục xin từ nhiệm
Tổng số nhân viên của PGBank tính đến thời điểm cuối quý I/2024 là 1.901 người, trong khi cuối quý I/2023 là 1.678 người. Nếu sử dụng số liệu trung bình theo quý thì số nhân viên của ngân hàng này đã tăng 12,8% chỉ trong 1 năm qua. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân chính kéo chi phí hoạt động của PGBank tăng cao còn lợi nhuận giảm xuống.
Theo thống kê của PGBank, thu nhập trung bình của mỗi nhân viên là gần 28,5 triệu đồng, so với cùng kỳ năm trước đã tăng nhẹ. Nếu tính toán dựa theo chỉ tiêu chi phí cho nhân viên, mức chi bình quân mỗi tháng sẽ ở mức 22,9 triệu đồng.
Trong một diễn biến khác, văn bản ngày 16/4 cho thấy, ông Nguyễn Thành Tô - Phó tổng giám đốc phụ trách Khối cân đối và kinh doanh nguồn vốn của ngân hàng đã nộp đơn đề nghị nghỉ việc kể từ ngày 21/5. Lý do mà ông Tô muốn chấm dứt hợp đồng trước thời hạn là vì ‘lý do cá nhân’. Theo tìm hiểu, ông Tô đã gắn bó với PGBank được 14 năm 10 tháng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Lâm - thành viên HĐQT độc lập của PGBank cũng viết đơn xin từ nhiệm vì lý do công việc cá nhân. Điều đáng nói, 2 nhân sự cấp cao của ngân hàng này đều nộp đơn từ nhiệm ngay trước thềm Đại hội đồng cổ đông của PGBank chuẩn bị diễn ra vào ngày 20/4.
Kể từ khi cổ đông lớn Petrolimex thoái vốn cũng như đổi tên Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex sang thành Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank), nhà băng này đã liên tục có sự thay đổi tại ‘thượng tầng’.
Ngày 10/4, HĐQT PGBank đã tiến hành miễn nhiệm chức danh người phụ trách quản trị ngân hàng đối với bà Nguyễn Thị Hoa. Phó chánh văn phòng HĐQT Nguyễn Thị Minh Thư là người thay thế vị trí của bà Hoa. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoa đã được điều chuyển sang làm cố vấn Ban tổng giám đốc ở một quyết định khác, chính thức có hiệu lực từ 11/4.
Hồi tháng 3/2024, PGBank cũng đã bổ nhiệm 3 Phó tổng giám đốc mới, thời hạn tối đa 3 năm./.
- Cách các ngân hàng số thu hút khách hàng mà không cần mở chi nhánh
- LPBank dự định đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, không trả cổ tức trong 3 năm
- Vay mua chung cư ở ngân hàng nào đang có lợi nhất hiện nay?