Nhà máy công nghiệp 1.443 tỷ đồng tại Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt độngThanh Hoá: Đang thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại 12 doanh nghiệpNHS “một mình một ngựa” “ẵm” dự án gần 850 tỷ đồng ở Thanh Hóa

Đã thu hút được 5 tổ hợp nhà đầu tư

Theo tìm hiểu, ngày 11/3/2024, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nêu trên. Dự án có diện tích xây dựng khoảng 68,2 ha tại phía Nam cảng Nghi Sơn, xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Quy mô đầu tư gồm: 1 nhà máy điện LNG sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất 1.500 MW; 1 bến cảng nhập khí LNG; đê chắn sóng dài 1 km, các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ nhập khẩu LNG; kho chứa LNG và trạm tái hóa khí công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm, hạ tầng kỹ thuật cho kho chứa LNG và trạm tái hóa khí; hệ thống đường ống dẫn khí từ trạm tái hóa khí đến nhà máy LNG công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm; hệ thống truyền tải điện…

Theo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu hạn chế quốc tế, không qua mạng. “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong số những nhà đầu tư đã nộp hồ sơ hợp lệ, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn trong quý II/2024”, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nêu rõ.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 2,4 tỷ USD.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Thời gian qua, Ban đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị thực hiện Dự án của các nhà đầu tư. Ngày 1/12/2023, Ban đã công bố danh sách 5 tổ hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ”.

Các nhà đầu tư này gồm: Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico; Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn Xây dựng và Kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C), Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát (APT); Gulf Energy Development Public Company Limited (Thái Lan); Tập đoàn SK (Hàn Quốc); Tổ hợp nhà đầu tư: Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) và Công ty CP Tập đoàn T&T (T&T Group).

Trước đó, nhận định về tầm quan trọng và vai trò của dự án, ông Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc Dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là chuyển động khá tích cực trong nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu phát triển nguồn điện LNG tại Quy hoạch điện VIII.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, dự kiến trong tháng 3 này, Ban sẽ trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu để có thể tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư ngay trong quý II/2024.

Cuộc “so găng” của những “ông lớn”

Về năng lực của 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án, lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá, đây đều là những nhà đầu tư lớn, có năng lực trong lĩnh vực năng lượng, nhất là năng lượng sạch ở trong nước cũng như trên thế giới. Việc tổ chức đấu thầu nhằm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất trong số các nhà đầu tư này để thực hiện Dự án đúng tiến độ và chất lượng.

Đối với Tổ hợp nhà đầu tư JERA Co.Inc và Công ty CP Tập đoàn Sovico, JERA Co.Inc là nhà sản xuất nhiệt điện lớn nhất tại Nhật Bản và cũng là nhà nhập khẩu sử dụng LNG lớn nhất trên thế giới, còn Sovico là doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá những nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đều là những nhà đầu tư lớn.
Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đánh giá những nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đều là những nhà đầu tư lớn.

Đối với Tổ hợp nhà đầu tư KOSPO - KOGAS - Daewoo E&C - APT, 3 thành viên KOSPO, KOGAS, Daewoo E&C đều là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng của Hàn Quốc. Cùng với đó, APT được biết đến là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thanh Hóa, hoạt động đa ngành từ xăng dầu đến khai thác khoáng sản, LNG…

Gulf Energy Development Public Company Limited là doanh nghiệp sản xuất điện tư nhân lớn nhất Thái Lan. Doanh nghiệp này đã lên kế hoạch mở rộng thị trường đầu tư tại Việt Nam khi mua lại cổ phần của Global Mind Investment Management Pte (doanh nghiệp được thành lập tại Singapore, đang mở rộng đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam)…

Tập đoàn SK cũng là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc phát triển hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, chất bán dẫn, viễn thông và công nghệ sinh học. Thời gian gần đây, tập đoàn này đẩy mạnh kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng mới và tái tạo ở Châu Á, trong đó có Việt Nam. Tại khu vực Châu Á, Tập đoàn chủ yếu tham gia lĩnh vực kinh doanh khí LNG.

Hai thành viên Tổ hợp nhà đầu tư PV Power - T&T Group đã và đang tham gia đầu tư nhiều dự án năng lượng lớn của Việt Nam. Trong đó, PV Power là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Hiện PV Power có vốn điều lệ gần 23.420 tỷ đồng và đang là chủ đầu tư dự án LNG khác là Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4… T&T Group là tập đoàn kinh tế lớn tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là phát triển các nguồn năng lượng xanh, bao gồm điện gió, điện mặt trời, điện khí, điện sinh khối và điện từ rác thải.

Rõ ràng, nhìn vào danh sách đăng ký ở trên cho thấy, họ thực sự là những nhà đầu tư có năng lực, được mệnh danh là những “ông lớn” trong lĩnh vực năng lượng. Đương nhiên, sàn đấu LNG Nghi Sơn sẽ là nơi so găng "nảy lửa" của những “ông lớn”./.