ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 03h30 29/06/2018

Sẽ tăng thêm 202.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT

(KDPT) – Đại diện nhóm nghiên cứu Đánh giá tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình, vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách nhận định việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm đang có thuế suất 5% lên 10% sẽ làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình 0,32%.

Các chuyên gia, nhà khoa học đang trình bày kết quả nghiên cứu tăng thuế GTGT sẽ tác động lên người dân, nhất là hộ nghèo.

Theo PGS – TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc tăng mạnh thuế VAT đánh vào hàng nông sản, làm giảm phúc lợi của các hộ nghèo nhất khoảng 1,4-1,5%, còn hộ có thu nhập cao bị giảm phúc lợi 0,8-1%.

Cụ thể, tăng thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến người nghèo như thế nào?

Trình bày kết quả nghiên cứu, TS Nguyễn Việt Cường, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, chia sẻ: Tăng thuế VAT ảnh hưởng lên tất cả các hộ gia đình. Đáng chú ý, số người tăng lên và nhóm bị ảnh hưởng nhất là nhóm cận nghèo.

“Chúng tôi dự báo tỷ lệ nghèo có thể tăng thêm 0,22% nếu như thuế VAT một số mặt hàng nông sản, thực phẩm tăng từ 5% lên 10%. Số lượng người nghèo tăng lên 202.000 người” – ông Cường nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Việt Cường giải thích trường hợp thuế VAT tăng lên thì thu nhập của người dân sẽ giảm. Những người cận nghèo sẽ bị rơi vào hộ nghèo. Chia theo khu vực thì những người dân vùng miền núi phía Bắc, sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn ở góc độ giới khi tăng thuế VAT, thạc sĩ Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao cho phụ nữ, cho rằng phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới bởi thu nhập của phụ nữ thấp hơn.

tiến sĩ Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế đề nghị chưa tăng thuế VAT trong những năm tới. Lý do là, ông Bích Hồ thẳng thắn nhận định, việc đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính chỉ mang lại nguồn thu cho ngân sách mà thôi. Mặt khác, thực tế sức cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp còn hạn chế, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

Để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khuyến cáo nên quản lý chặt thuế khoán. Bởi thuế khoán đối với hộ kinh doanh đang thất thu rất lớn.

Đồng quan điểm với việc không tăng thuế VAT đối với các mặt hàng thiết yếu, bà Thu Hà kiến nghị nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng không có lợi cho sức khỏe như thuốc lá, rượu, bia… để bù đắp nguồn thu. Bên cạnh việc cơ cấu lại các khoản thu, các chuyên gia cũng góp ý cần phải xem lại các khoản chi tiêu sao cho hợp lý.

Ông Nguyễn Đức Thành cho rằng việc sử dụng nguồn thu rất quan trọng vì thế Chính phủ cần phải sử dụng hiệu quả nguồn thu từ thuế sao cho hiệu quả như để đầu tư cho dự án, công trình mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, còn tuyệt đối không được dùng để chi thường xuyên.

Thực tế, ông Thành nói thêm các đề xuất tăng thuế gần đây luôn bị công luận phản đối rất mạnh do mục đích khoản tiền khi tăng thuế chưa được giải thích rõ ràng.

Do đó, trước khi tăng bất cứ sắc thuế nào, Chính phủ phải thuyết phục được người dân tính hợp lý của các khoản chi tiêu Chính phủ, mục đích tăng thuế để làm gì… khi đề xuất tăng thuế.

Hồng Đăng

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/05/2024