Sự cần thiết làm chủ hệ thống IoT của doanh nghiệp trong thời đại số hóa
Ảnh minh họa. |
Cơ hội tăng trưởng của thị trường IoT tại Việt Nam rất lớn
IoT đề cập đến một mạng lưới các thiết bị phát triển và giao tiếp với nhau thông qua hỗ trợ của Internet. Việc triển khai IoT cho phép những người điều hành có thể giám sát và kiểm soát thế giới vật chất từ xa, cuối cùng mang lại nhiều lợi ích trong quản lý cho các tổ chức. Việc tích hợp các thiết bị và thông tin liên lạc này sẽ tạo ra một lượng dữ liệu lớn, cung cấp thông tin chi tiết để các nhà điều hành đưa ra quyết định đúng đắn.
IoT nổi lên như một bước đột phá quan trọng cho các doanh nghiệp, tạo cơ hội để đại tu hoạt động và đạt được lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trên thị trường. Các chủ doanh nghiệp có thể đặt câu hỏi về sự cần thiết của IoT và tác động tiềm ẩn của nó đối với sự phát triển của doanh nghiệp họ. Tuy nhiên, IoT ngày càng trở nên phổ biến trong các ngành công nghiệp khác nhau, cách mạng hóa các hoạt động cơ bản của doanh nghiệp.
Ngày nay, có rất nhiều ứng dụng trong thế giới thực của Internet kết nối vạn vật, từ IoT của người tiêu dùng, IoT của doanh nghiệp đến IoT của các ngành sản xuất và công nghiệp (IIoT). Các ứng dụng IoT trải dài trên nhiều ngành dọc bao gồm máy móc tự động, giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, xây dựng, y học, tài chính v.v.
Ví dụ như, các tòa nhà thông minh (smart building) có thể giảm chi phí năng lượng bằng cách sử dụng các cảm biến phát hiện có bao nhiêu người ở trong phòng. Hệ thống nhiệt độ của tòa nhà có thể tự động được điều chỉnh - ví dụ như: bật điều hòa không khí nếu các cảm biến phát hiện phòng họp đã đầy người hoặc tự động ngắt các hệ thống ánh sáng, nhiệt độ.. nếu mọi người trong văn phòng đã ra về.
Trong nông nghiệp, ở các hệ thống canh tác thông minh (smart farming) dựa trên công nghệ IoT bằng cách sử dụng các cảm biến được kết nối để theo dõi các thông tin điều kiện canh tác chẳng hạn như: ánh sáng, độ ẩm, nhiệt độ và độ ẩm đất của ruộng trồng. IoT cũng là một công cụ trong việc tự động hóa hệ thống tưới tiêu.
Đối với một thành phố thông minh (smart city), một số cảm biến và ứng dụng IoT đang được sử dụng như đèn đường thông minh và đồng hồ thông minh, có thể giúp điều tiết giao thông, tiết kiệm năng lượng, giám sát và giải quyết các mối quan tâm về môi trường cũng như cải thiện điều kiện vệ sinh, chất lượng các công trình xây dựng, v.v..
Dựa trên các ứng dụng thực tế và hiệu quả của công nghệ IoT, ngày càng có nhiều tổ chức trong nhiều ngành khác nhau đang sử dụng nó để cải thiện hoạt động, và để hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng để cung cấp các dịch vụ khách hàng nâng cao, cải thiện việc ra quyết định và gia tăng giá trị cho doanh nghiệp.
Theo Research and Markets, quy mô thị trường IoT tại Việt Nam đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến tăng lên 8,5 tỷ USD vào năm 2027. Tuy nhiên, nếu như trên thế giới có gần 15 tỷ kết nối IoT, tức mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua Internet, thì tại Việt Nam, con số này chỉ bằng khoảng 1/20 so với trung bình thế giới.
Cùng với sự phát triển rất mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội tăng trưởng của thị trường IoT tại Việt Nam còn rất lớn. Đi kèm với đó, các công ty công nghệ của Việt Nam cũng đứng trước các cơ hội lớn. Với định hướng năm 2023 là năm dữ liệu số quốc gia, tạo ra các kết quả thiết thực để giải các bài toán cụ thể, công nghệ IoT sẽ trở cứu cánh để dữ liệu được sử dụng hiệu quả, tạo ra giá trị mới.
Ông Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm Nền tảng IoT, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel chia sẻ: “Một sản phẩm được gọi là một sản phẩm tốt, không chỉ đáp ứng về các tính năng, hiệu năng mà phải rất phù hợp với văn hóa sử dụng của người trong nước. Trên sân nhà, chúng ta đương nhiên phải có lợi thế hơn vì chúng ta hiểu điều đó hơn những giải pháp của nước ngoài”.
Theo chuyên gia này, các giải pháp IoT cần được may đo, thiết kế chuẩn cho cách dùng tại Việt Nam. Đây chính là thế mạnh của các công ty công nghệ Việt Nam trong việc tạo ra những giá trị thực sự cho khách hàng nhiều hơn, thay vì chỉ đơn thuần tập trung vào tính năng và hiệu năng sản phẩm.
Mới đây, tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh chia sẻ: “Nếu chúng ta coi dữ liệu là dầu thì IoT chính là các mỏ dầu với trữ lượng vô cùng lớn… Kết nối vạn vật làm cho thế giới thông minh hơn”. “Một xã hội thông minh là một xã hội hiệu quả hơn, Việt Nam chúng ta khan hiếm rất nhiều tài nguyên thì IoT là cứu cánh để sử dụng mọi thứ hiệu quả hơn”.
Doanh nghiệp cần làm chủ hệ thống IoT
IoT có thể tác động tích cực đến bất kỳ doanh nghiệp nào muốn thay đổi cách làm việc truyền thống để áp dụng các chiến lược kỹ thuật số để tăng lợi thế cạnh tranh.
Một số lợi thế của IoT bao gồm:
- Khả năng truy cập thông tin từ mọi nơi, mọi lúc trên mọi thiết bị
- Cải thiện giao tiếp giữa các thiết bị điện tử được kết nối
- Truyền gói dữ liệu qua mạng kết nối, tiết kiệm thời gian và tiền bạc
- Tự động hóa các nhiệm vụ giúp cải thiện chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp và giảm nhu cầu can thiệp của con người.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để công nghệ này triển khai một cách hiệu quả.
- Khi số lượng thiết bị được kết nối tăng lên và nhiều thông tin được chia sẻ giữa các thiết bị thì lưu lượng xử lý thông tin sẽ tăng lên. Điều này càng đòi hỏi cần phải có một nền tảng ứng dụng chung với khả năng xử lý mạnh mẽ.
- Các doanh nghiệp cuối cùng có thể phải đối phó với số lượng lớn - thậm chí có thể hàng triệu - thiết bị IoT và việc thu thập và quản lý dữ liệu từ tất cả các thiết bị đó sẽ là một thách thức. Điều này càng khiến các doanh nghiệp cần nhận thức được phải có một lộ trình triển khai rõ ràng để không bị bất ngờ trước những tình huống sẽ xảy ra.
- Vì không có tiêu chuẩn quốc tế về khả năng tương thích cho IoT, nên rất khó để cho các thiết bị từ các nhà sản xuất khác nhau có thể giao tiếp được với nhau. Đây là một thực tế không thể tránh khỏi hiện nay nhưng thực tế này cũng càng thôi thúc các doanh nghiệp hướng tới một nền tảng công nghệ với các API tiêu chuẩn để giải quyết vấn đề giao tiếp giữa các thiết bị IoT với nhau.
- Mỗi đơn vị đều có một văn hóa quản trị doanh nghiệp khác nhau. IoT đã chứng minh được tính hữu dụng trong công tác quản lý nhưng không vì thế mà có thể công thức hóa quá trình triển khai một cách cứng nhắc cho toàn bộ mọi doanh nghiệp. Đây là một thách thức cho đơn vị triển khai ứng dụng chứ không phải thách thức từ nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
Thử nghiệm ứng dụng giải pháp IoT cho ao nuôi tôm. Ảnh: Lê Lan |
Để tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển IoT, các nhà điều hành phải đưa doanh nghiệp tiếp cận công nghệ này một cách linh hoạt nhằm giải quyết thách thức liên quan đến việc kết nối văn hóa và công nghệ. Cách tiếp cận này bao gồm chia nhỏ các chiến lược IoT thành các dự án có quy mô nhỏ, dễ quản lý trong thời gian ngắn. Sự linh hoạt cũng cho phép tổ chức bám sát chi tiết kế hoạch cho đến khi đạt được sản phẩm cuối cùng đồng thời bảo vệ tính khả thi của ý tưởng, nghĩa là các doanh nghiệp có thể kiểm soát tốt hơn các mối nguy tiềm ẩn và tạo đủ không gian để xử lý lỗi khi chúng phát sinh.
Ngoài ra, một lời khuyên luôn được nhắc lại nhiều lần là các doanh nghiệp cần thiết lập mức độ an ninh mạng cao nhất để đảm bảo dữ liệu nội bộ luôn được bảo vệ. Thiết lập bảo mật IoT có thể là một quy trình phát triển phần mềm phức tạp nhưng bỏ qua giai đoạn này sẽ phá hỏng mọi kế hoạch của doanh nghiệp nếu bên thứ ba có thể xâm nhập vào mạng nội bộ. Hệ thống bảo mật đa cấp và sử dụng máy chủ đám mây là một số cách để đảm bảo bảo mật cho các thiết bị thông minh có thuộc tính quản lý danh tính và xác thực.
Lợi ích của việc tận dụng IoT vượt xa những rủi ro tiềm ẩn đối với doanh nghiệp trong tất cả các ngành, vì các thiết bị này có thể hợp lý hóa hoạt động, tăng hiệu quả và cung cấp thông tin chi tiết có giá trị về các quy trình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong quá trình triển khai IoT để đảm bảo các giao thức quản lý dữ liệu luôn an toàn.