Phía Tây Hà Nội có những chuyển động sớm hơn nên bức tranh đô thị hiện hữu đã rõ rệt hơn. Tại đây, một trung tâm hành chính, thương mại mới đang được hình thành. Sau 10 năm thực hiện quy hoạch, phía Tây phát triển theo hướng Metropolitan - nơi tập trung những tòa nhà cao tầng và khu văn phòng với hiệu số sử dụng đất cao. Thế chỗ vào những vùng đất bỏ không là các tòa nhà cao tầng, khu đô thị hình thành một trung tâm mới hiện đại với hạ tầng đồng bộ, tiện ích đủ đầy.

Khu vực Mỹ Đình trước đây vẫn được ví von như em gái thôn quê lên thành phố nhưng trong những năm qua, nơi này dần “thay da đổi thịt”, nhờ sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng đô thị, Mỹ Đình đã trở thành một cô gái thành thị sành điệu.

Mỹ Đình cũng từng là một xã cũ thuộc huyện Từ Liêm, nhưng nay đã có sự “lột xác” với một diện mạo mới - trung tâm hành chính, thương mại và giải trí mới tại Hà Nội.

Không phải ngẫu nhiên mà phía Tây Hà Nội lại trở thành “tọa độ nóng” được các nhà đầu tư săn tìm. Khu vực này đã hình thành mạng lưới giao thông hoàn thiện với hàng loạt tuyến đường nghìn tỷ đồng.

Có thể thấy, trong vòng 10 năm quy hoạch và phát triển, hệ thống giao thông khu Tây đã hoàn thiện, dễ dàng kết nối cả 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc của thành phố Hà Nội.

Nơi đây là khu vực được quy hoạch tập trung toàn bộ các hệ thống giao thông công cộng hiện đại của thành phố, bao gồm: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đường sắt đô thị Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc; các tuyến metro 5,6,7 theo quy hoạch đến 2030, tuyến buýt nhanh BRT…

Ngoài ra, cũng không thể không kể tới những tuyến đường huyết mạch đã hiện hữu như đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3, trục đường Tố Hữu - Lê Văn Lương, Lê Quang Đạo mở rộng, hầm chui Lê Văn Lương - Tố Hữu…

Đặc biệt, với những cam kết và hành động quyết liệt của Chính phủ, bộ ngành và các địa phương nhằm giải ngân vốn đầu tư công, hạ tầng khu Tây được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong năm 2023. Trong đó giao thông sẽ là lĩnh vực được phân bổ nhiều vốn đầu tư công bậc nhất trong năm nay, với tổng giá trị khoảng hơn 94.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với kế hoạch năm 2022.

Chưa kể với sự góp mặt của gần 1.000 trường học, bệnh viện, cùng các khách sạn 5 sao, hệ thống trung tâm thương mại sầm uất... hạ tầng phía Tây Hà Nội cũng đang dần được hoàn thiện. Đây chính là điểm mấu chốt tạo nên một nhịp sống kinh tế sôi động, là nền tảng đảm bảo cho sự tăng giá bền vững bất động sản.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Theo bà Hoàng Nguyệt Minh - Giám đốc bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội nhận định, sự phát triển của khu vực phía Tây và cận trung tâm đã và đang thu hút các doanh nghiệp và tập đoàn đa quốc gia, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghệ và sản xuất. Những khách thuê này đều có yêu cầu về diện tích rộng từ 1000m2 trở lên, do đó những dự án tại khu vực phía Tây và cận trung tâm thường đáp ứng được tiêu chí về diện tích lớn. Đơn cử những thương hiệu quen thuộc như Shopee, Samsung hay HCL đều có trụ sở tại những dự án thuôc khu vực này. Trong khi đó, các doanh nghiệp tài chính vẫn tập trung nhiều tại trung tâm quận Hoàn Kiếm, gần khu vực Ngân hàng Nhà Nước và Bộ Công Thương.

Đánh giá về thị trường BĐS khu vực phía Tây Hà Nội liên tục sôi động trong thời gian vừa qua Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho biết: “Tại Hà Nội, tôi cho rằng, khu vực phía Tây có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc tụ ở khu này khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp hơn hẳn so với ba khu vực còn lại. Chính vì thế, sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu bởi đây là khu vực đã được quy hoạch bài bản”.

Cùng quan điểm với ông Võ các chuyên gia cũng cho biết phát triển đô thị ra các khu vực ven đô theo hướng bền vững và thông minh là con đường bắt buộc, không phải là một sự lựa chọn. Bởi trong bối cảnh giao thông ngày càng thuận tiện việc di chuyển từ các huyện ngoại thành đến trung tâm trở nên vô cùng thuận tiện. Cùng với đó, không khí ô nhiễm, hạ tầng trung tâm quá tải gây ra sự ùn tắc, ngột ngạt trong nội đô khiến nhiều người Hà Nội có xu hướng dịch chuyển ra ngoại thành sinh sống.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Nhờ sức hút về hạ tầng, phía Tây Nội trở thành địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn, nhỏ trong và ngoài nước, hình thành làn sóng chuyển dịch về khu vực này để an cư. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, hàng loạt cơ sở y tế, giáo dục cũng hiện diện, tạo nên nhịp sống sôi động.

Hàng loạt ông lớn bất động sản như Vingroup, Vinaconex, Geleximco, MIK Group, Nam Cường, Văn Phú - Invest, Phú Long... tạo lập chuỗi đô thị tiện ích đủ đầy như Vinhomes Smart City, Vinhomes Green Bay, Splendora Bắc An Khánh, Khu đô thị Dương Nội, Himlam Vạn Phúc, Hà Đô Charm Villas... Chỉ hơn chục năm trước, nhiều nơi tại Tây Mỗ, Đại Mỗ hay dọc tuyến đường Vành đai 3 còn là vùng đất hoang sơ nay trở thành khu dân cư đông đúc, dịch vụ sôi động với đa dạng loại hình bất động sản cao cấp.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Sự xuất hiện của hàng loạt ông lớn đi cùng với sự xuất hiện của chuỗi các dự án, khu đô thị, khu nhà phố, mô hình thương mại chính là minh chứng cho sự tiềm năng của bất động sản phía Tây Hà Nội và thay đổi diện mạo toàn bộ khu vực “hành chính mới” của Thủ đô.

Chưa hết, phía Tây Hà Nội được ví như trung tâm mới của Thủ đô khi hàng loạt trụ sở bộ, ban, ngành và các cơ quan ngoại như Trung tâm hành chính Quốc gia, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, Thanh tra Nhà nước thành phố Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông… quy tụ về đây. Theo đề án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, các trụ sở bộ ngành sẽ được di dời khỏi khu vực nội đô, một phần sẽ được chuyển tới khu vực Mễ Trì.

Đánh giá về thị trường bất động sản phía tây Hà Nội liên tục sôi động trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư đều cho rằng khu vực này có tiềm năng hơn cả vì hạ tầng đầy đủ, kéo cư dân lao động nước ngoài làm việc ở đây khá đông, tạo ra sự nhộn nhịp hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Chính vì thế, sự phát triển của bất động sản phía Tây là tất yếu.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Trong khi thời điểm phía Tây bắt đầu chuyển mình kể từ khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội vào năm 2008 thì ở chiều ngược lại, khu vực phía Đông lại Hà Nội lại khá mờ nhạt khi gần như không được giới đầu tư quan tâm, một phần vì giao thông cách trở “ngăn sông cách cầu”, hạ tầng nghèo nàn, một phần dự án chưa có nhiều.

Trước những năm 2010, khu Đông chủ yếu là sản phẩm nhà ở giá rẻ như khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Việt Hưng, Thượng Thanh, Rice City… cũng như một số dự án chung cư giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2 chưa tạo được dấu ấn như khu Tây.

Tuy nhiên, giờ đây khu Đông Hà Nội đang dần chuyển mình với làn sóng cư dân đổ về sinh sống, tâm lý ngại “qua sông” gần như biến mất. Đặc biệt hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng hoàn thiện và các kế hoạch như xây cầu mới đã trở thành cú hích cho khu Đông kéo theo đó là sự trỗi dậy của thị trường bất động sản.

Nằm ở cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng…, hệ thống hạ tầng khu vực phía Đông Hà Nội đang được gấp rút hoàn thiện với hàng loạt các tuyến đường vành đai, cầu đường kết nối nội đô, công trình công cộng và các dự án đô thị quy mô lớn.

Hiện tại phía Đông Hà Nội đã và đang thực sự bứt phá với nhiều tuyến đường nghìn tỉ đã vận hành. Đáng chú ý có thể kể tới cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 5A, nút giao Cổ Linh...

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Bên cạnh các tuyến xương sống, mạng lưới “đường xương cá” cũng không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Tại huyện Gia Lâm, trên lộ trình phát triển lên quận vào năm 2023, các công trình đã được đưa vào sử dụng gòm tuyến đường Lý Thánh Tông dài gần 3,5 km kết nối một loạt các xã, kéo dài sang Hưng Yên và đi Quốc lộ 5; đường nối Yên Viên - Đình Xuyên - Phù Đổng dài 2,8 km; đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thị hay đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời - Đặng Xá đến xã Lệ Chi… Ngoài ra, đường đô thị song hành với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài tới 40 km cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, các địa phương vùng ven, lân cận như Hưng Yên cũng dành hàng ngàn tỉ đồng cho hạ tầng giao thông.

Trong tương lai, theo quy hoạch, ngoài 8 cầu hiện có bắc qua sông, sẽ có 10 cây cầu khác được xây dựng như cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, cầu Mễ Sở, Hồng Hà... Hệ thống đường trên cao, ngầm, đường sắt đô thị cũng được đẩy nhanh tiến độ theo quy hoạch.

Cùng với sự bứt phá về hạ tầng, phía Đông Hà Nội trong những năm gần đây đã đón cuộc dịch chuyển dân cư quy mô chưa từng có.

Đơn cử như trong 3 năm qua, khu vực Gia Lâm đã đón một lượng lớn cư dân nội đô “Đông tiến”, góp phần vào mục tiêu giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) của 4 quận trung tâm xuống dự kiến còn 672 nghìn người. Theo quy hoạch, tới năm 2050, chuỗi đô thị phía Đông vành đai 4 có quy mô dân số khoảng 1,7 triệu người.

Bên cạnh đó, với lợi thế tiếp giáp các khu công nghiệp thuộc tỉnh thành Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Gia Lâm cũng là điểm đến của đội ngũ chuyên gia, lao động chất lượng cao làm việc tại các KCN, khiến nhu cầu nhà ở tăng cao. Sự đột phá của hạ tầng giúp Gia Lâm trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đại dịch chuyển dân cư, biến khu Đông trở thành một trong những khu vực được đánh giá là đáng sống bậc nhất tại Thủ đô.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Với sự đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhanh chóng, khu vực phía Đông Hà Nội đang bứt tốc với sự xuất hiện của nhiều ông lớn bất động sản cùng các dự án tầm cỡ, nâng tầm mức sống cư dân.

Cùng với vai trò tiên phong của Tập đoàn Ecopark hay Vingroup là hàng loạt tên tuổi như Masterise, Sunshine, BRG, Eurowindow… với liên tiếp các dự án hàng hiệu được tung ra thị trường thời gian qua. Đây là những mảnh ghép quan trọng tạo nên diện mạo “thành phố mới ở phía Đông”, sánh ngang với các thành phố hiện đại trong khu vực và trên thế giới.

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Trong đó, Ecopark là một trong những ông lớn đầu tiên tham gia đầu tư ở phía đông đông với khu đất thuộc huyện Văn Giang (Hưng Yên) giáp ranh Hà Nội, đó là dự án khu đô thị Ecopark diện tích 500 ha từ năm 2008. Dự án này dự kiến triển khai trong 20 năm.

Trải qua hơn 10 năm phát triển, Ecopark tung ra thị trường các căn hộ chung cư trung cấp đến cao cấp với mức giá từ 1,1 tỷ trở lên, ngoài ra còn rất nhiều shophouse, nhà phố, biệt thự, song lập, liền kề.

Vinhomes là ông lớn thứ hai đầu tư mạnh mẽ vào khu vực phía đông với nhiều đại dự án. Mở đầu là dự án Vinhomes Riverside vào những năm 2011-2012 sau đó là Vinhomes Riverside - The Harmony (2016-2017). Đặc biệt, Vinhomes ra mắt một loạt đại đô thị gồm Vinhomes Ocean Park (2018-2020), Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire (2022) và sắp tới là Vinhomes Ocean Park 3 - The Crown.

Các đại đô thị của Vinhomes nằm dọc theo đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, kéo dài từ địa phận huyện Gia Lâm đến khu vực Văn Giang (Hưng Yên).

Trong khi đó, Sunshine Group cũng tham gia vào thị phần khu đông Hà Nội với dự án Sunshine Green Iconic. Đây được giới thiệu là khu phức hợp căn hộ hạng sang tọa lạc giữa khu đô thị công viên phần mềm Long Biên có quy mô hơn 400 ha với hơn 400 căn hộ. Tuy nhiên, dự án này đến nay chưa mở bán.

Các ông lớn khác như BRG Group, T&T, Masterise... lần lượt tham gia vào cuộc chiến bất động sản tại khu vực này như: T&T Phố Nối với tổng vốn đầu tư 280 tỷ đồng; Masteri Waterfront tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, Le Grand Jardin BRG với vài nghìn căn chung cư...

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Theo các chuyên gia, vị trí đắc địa và hạ tầng giao thông đồng bộ là 2 yếu tố giúp bất động sản khu đông Hà Nội đang trở thành “miếng bánh hấp dẫn” với các chủ đầu tư.

Ông Lưu Quang Tiến - Phó giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Đất Xanh Services (FERI) cho rằng khu Đông Hà Nội vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển về dài hạn vì được hưởng lợi từ quy hoạch và hạ tầng.

Tại khu Đông Hà Nội bây giờ, mức giá đang tăng nhanh tại một số dự án mới triển khai tuy nhiên vẫn thấp hơn mặt bằng giá chung tại trung tâm nên trong tương lai vẫn còn dư địa để tăng giá. Hơn nữa, quỹ đất vẫn còn để phát triển các dự án quy mô trong tương lai và vẫn đang được các chủ đầu tư lớn (địa phương và từ phía Nam) săn lùng, M&A...

“Sức hút” từ thị trường bất động sản phía Đông và phía Tây Hà Nội

Trong khi đó, theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc Phát triển Kinh doanh OneHousing, nếu cách đây 10 năm thị trường bất động sản Hà Nội có xu hướng phát triển về khu phía Tây thì chặng đường tiếp theo 10 năm tới của thị trường tập trung phát triển về hướng Đông. So với khu Tây, khu Đông “sinh sau đẻ muộn” nhưng đây cũng là lợi thế vì hạ tầng thay đổi mạnh mẽ, kết nối giao thông thuận tiện, các dự án lớn đổ về đã đã hút một lượng lớn người dân dịch chuyển về đây.

Đồng quan điểm với ông Trung, ông Trần Tiến - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thị trường và Am hiểu khách hàng One Mount Real Estate cũng cho biết xu hướng phát triển 2 bên bờ trong tương lai rất rõ ràng ở các thành phố lớn. Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng này. Khi bờ bên này rất đông đúc rồi thì phía bên kia gồm Long Biên, Gia Lâm và phần mở rộng phía Đông Văn Giang (Hưng Yên) sau này sẽ theo xu hướng phát triển thế giới.

Đặc biệt, khi Gia Lâm lên quận (dự kiến trong năm nay), hệ thống hạ tầng đang được gấp rút hoàn thiện cùng hàng loạt các tuyến đường vành đai, hàng chục cây cầu hình thành trong tương lai gần, bờ Đông sông Hồng sẽ tiếp tục thu hút những chủ đầu tư BĐS hàng đầu với các dự án đô thị quy mô lớn. Điều này biến khu Đông trở thành một trong những khu vực được đánh giá là đáng sống bậc nhất tại Thủ đô.