Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước: Chậm thay đổi cả lượng và chất
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa đạt được như mong muốn, đặc biệt là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước so với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Chậm chuyển biến
Với sự ra đời của Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 và nay là Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016-2020” đã cho thấy quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hơn 20 năm qua, số lượng doanh nghiệp Nhà nước từ 12.000 đã giảm xuống còn gần 5.600 doanh nghiệp vào năm 2001 và đến nay chỉ còn 500 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước ở 11 ngành, lĩnh vực. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn hơn 100 doanh nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước diễn ra vẫn còn chậm.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, có 69 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó 48 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu và 7/48 doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch.
Trong 9 tháng năm 2018, có 10 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa; trong đó, đáng chú ý là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và Tổng công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab) đã báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu. Tuy nhiên, VTV cab bán đấu giá không thành công.
Chỉ ra nguyên nhân, ông Tiến cho rằng, hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước còn nhiều hạn chế như: hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước. Cơ chế quản trị doanh nghiệp Nhà nước chậm đổi mới, chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Tính công khai, minh bạch còn hạn chế, trách nhiệm của người quản lý chưa rõ ràng.
“Cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước chưa đầy đủ, nghiêm túc”, ông Tiến cho biết.
Ông Tiến cũng chỉ rõ, một trong những điểm nghẽn trong cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là việc sắp xếp đất đai khi cổ phần hóa. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau khi tách đất đai ra khỏi tài sản, hoạt động sản xuất kinh doanh không còn gì. Sắp tới, khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang thuê đất hàng năm, ký hợp đồng thuê đất theo giá mới sẽ chênh lệch cao hơn thuê giá đất trước đây nộp ngân sách. Đây cũng là cuộc “cách mạng” trong cổ phần hóa.
Đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), Phó Tổng giám đốc Lê Song Lai cho rằng, việc thoái vốn gặp rào cản cản do pháp luật còn quy định chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp Thông tư. Điều này làm cho việc tham chiếu, vận dụng, giải thích văn bản gặp không ít khó khăn. Lý do có thể nằm ở sự chồng chéo trong phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành có liên quan, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp và Ủy ban chứng khoán Nhà nước)… hoặc do những hạn chế về chuyên môn.
Cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Nhà nước hoạt động yếu kém, chậm cổ phần, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nguyên nhân là do tâm lý của một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp chậm chuyển biến, nặng về sự e ngại, né tránh trách nhiệm hoặc lo mất quyền lợi nếu chuyển đổi mô hình doanh nghiệp; các vướng mắc liên quan đến đất đai, định giá tài sản, sự thiếu đồng bộ về thể chế, quy định pháp luật, vướng mắc trong xử lý sắp xếp lao động, việc tuyên truyền chưa đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, năng lực quản trị doanh nghiệp của một số lãnh đạo còn yếu kém, chậm cập nhật, nhất là trong đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, thiếu tinh thần cầu thị và chưa đáp ứng được sự thay đổi cũng như thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập kinh tế quốc tế…
Giải pháp trọng tâm
Thời gian tới, việc cổ phần hoá, thoái vốn được xem là nhiệm vụ trọng tâm để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh, các đơn vị cần đẩy mạnh tốc độ sắp xếp, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp; tuân thủ các quy định pháp luật và đáp ứng yêu cầu, thông lệ quốc tế trong bước chuẩn bị cổ phần hóa; có phương án khả thi, nhất là bảo đảm sự chính xác, minh bạch về thông tin, làm rõ vấn đề công nợ để hướng tới những nhà đầu tư giàu tiềm năng.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay của cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chính là việc xác định giá trị của đất đai khiến thất thoát tài sản của Nhà nước.
Ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, có nhiều trường hợp giá trị của đất đai không đưa vào ngân sách Nhà nước mà bị chia đi chỗ khác. Doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa phải tính toán, sắp xếp lại đất đai phục vụ cho sản xuất kinh doanh, còn dôi dư thì chuyển lại cho địa phương quản lý theo đúng quy định. Vì vậy, việc xác định đúng giá trị và công khai minh bạch trong sắp xếp đất đai trước và trong thực hiện cổ phần hóa rất quan trọng. Nếu thực hiện được như vậy, mới không gây thất thoát tài sản của Nhà nước như thời gian qua.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, đối với doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện cổ phần hóa cần khẩn trương rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật đất đai trình UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, ông Hoàng Trường Giang cho rằng, cần tập trung xử lý dứt điểm các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, các dự án, công trình đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; đồng thời cần có một khuôn khổ pháp lý đồng bộ để thực hiện xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ, nhất là các dự án thua lỗ của ngành Công thương, các Tập đoàn, Tổng công ty thua lỗ, mất vốn.
Xuất phát từ thực tiễn và kinh nghiệm của SCIC trong việc thoái vốn Nhà nước đạt hiệu quả cao, đảm bảo công khai, minh bạch, tối đa lợi ích nhà nước, SCIC đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp.
Theo đó, SCIC đề nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung quy định về cơ chế hạ giá khởi điểm trong trường hợp các doanh nghiệp đã thực hiện các phương thức bán theo trình tự đấu giá/chào bán cạnh tranh/thỏa thuận nhưng không thành công; đồng thời bổ sung quy định về việc được hạ giá khởi điểm thấp hơn mệnh giá trong trường hợp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ và đã thực hiện đấu giá công khai, nhưng không có người mua cao hơn hoặc bằng mệnh giá.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tách bạch quá trình bán vốn. Việc thu hồi nợ theo hướng là công việc thường xuyên cả trước, trong và sau khi bán cổ phần đối với các doanh nghiệp.
Để quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả, ông Nguyễn Trần Minh Trí, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng, quá trình đấu giá cần được thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở phải thông tin đầy đủ về diện tích đất, vị trí, giá thuê và thời hạn thuê, phương thức thanh toán tiền thuê đất; kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước…