ISSN-2815-5823

Tam Đảo (Vĩnh Phúc): Kinh doanh trang trại chăn nuôi phớt lờ quy định pháp luật về môi trường, chính quyền thả nổi

(KDPT) – Từ tháng 1 vừa qua, Nhóm PV Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã khảo sát tại thôn Đạo Trù Hạ (xã Đạo Trù, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), nhằm lấy tư liệu thực tiễn, nghiên cứu, phân tích, minh chứng để thực hiện Chuyên đề “Công tác quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh trang trại: Thực trạng và giải pháp”. Qua đó, ghi nhận thực tế, cho thấy trên địa bàn xã Đạo Trù, tình trạng chăn nuôi lợn với quy mô lớn đang gây hậu quả môi trường nghiêm trọng, vi phạm các quy định về pháp luật. Đáng nói, chính quyền sở tại lại thiếu kiên quyết, giám sát, để xử lý dứt điểm.

Tuy nhiên, suốt gần 2 tháng sau khi thông tin được phản ánh, phóng viên (PV) đã nhiều lần liên hệ với các cấp chính quyền xã và huyện để làm việc, nhưng đều không nhận được câu trả lời, người dân hàng ngày vẫn phải chịu đựng ô nhiễm do trang trại này gây ra.

Chất thải từ trang trại chăn nuôi trực tiếp xả ra các cánh đồng

Để làm rõ vai trò ai là người phải chịu trách nhiệm cho việc một trang trại xây dựng kiên cố trên đất lâm nghiệp, ngang nhiên xả thải bức tử môi trường sống của người dân khu vực. Và cũng để làm sáng tỏ những hoài nghi của người dân, về việc trang trại có thể tự do xây dựng và xả thải là do có mối quan hệ với một lãnh đạo ở địa phương nên có thể “một tay che trời”. PV đã đặt lịch làm việc với UBND xã Đạo Trù từ ngày 14/01/2022, nhưng gần 2 tháng nay đều không nhận được sự phản hồi từ các cấp lãnh đạo địa phương.

Trên “chỉ đạo” dưới “bỏ qua”

Mặc dù tình trạng xây dựng trái phép và ô nhiễm do xả thải trực tiếp đã diễn ra từ lâu, nhưng chỉ đến khi có sự phản ánh, vào cuộc của báo chí thì tình trạng này mới được các đơn vị chức năng huyện Tam Đảo nắm được. Ngày 12/01/2022, UBND huyện Tam Đảo ra văn bản số 77/UBND-TNMT yêu cầu UBND xã Đạo Trù có những báo cáo về UBND huyện trước ngày 25/01/2022.Tuy nhiên, đến ngày 16/02/2022, tức là sau gần một tháng kết thúc thời gian UBND xã phải báo cáo lên UBND huyện, PV đã có trao đổi qua điện thoại với Trường phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tam Đảo, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “UBND xã chưa có báo cáo, bên anh đang đôn đốc xã làm, thấy xã bảo kiểm tra lại vì không có tình trạng xả thải nữa”.

Văn bản chỉ đạo của UBND huyện Tam Đảo liên quan đến việc xả thải của trang trại.

Trước những động tĩnh có dấu hiện bao che cho những sai phạm của trang trại gia đình ông Xương, PV đã quay trở lại điểm ghi hình trước đó, để tìm hiểu tình trạng môi trường có đúng như lời của lãnh đạo xã là “không có tình trạng xả thải nữa”. Ngay khi tới, PV đã thấy xuất hiện một chiếc hố vừa được múc sâu, để nước thải chảy tràn từ trên rừng xuống và chảy ra kênh mương dân sinh. Việc đào thêm một chiếc hố để gom nước thải tập kết lại không để chảy nhiều ra đường như trước chỉ là “biện pháp tình thế”, khi con đường vẫn bị ướt nhẹp bới thứ nước thải hôi thối, con mương tưới tiêu của người dân vẫn phải oằn mình gánh những dòng nước ô nhiễm đi khắp các khu dân sinh. Có thể nhận thấy đây là hành động đối phó với dư luận và ngang nhiên thách thức pháp luật của trang trại chăn nuôi này.

Cần làm rõ nghi vấn “bao che” do có người nhà làm lãnh đạo?

Để làm rõ những hoài nghi của người dân địa phương, tránh tình trạng người dân mất niềm tin vào chính quyền và khẳng định vai trò quản lý của những người đứng đầu xã Đạo Trù, PV đã cố gắng đặt lịch làm việc với lãnh đạo địa phương sau nhiều lần đến trụ sở nhưng không gặp được vị lãnh đạo nào, với lý do “đi họp”. Sau khi gửi lịch làm việc với lãnh đạo ủy ban và quá thời gian về tiếp nhận và xử lý thông tin với báo chí theo quy định tại Luật Báo chí năm 2016, ngày 16/02 /2022, PV đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Lý Ngọc Một – Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, và được vị lãnh đạo này trả lời: Chưa nhận được nội dung làm việc từ văn phòng một cửa chuyển lên. Ngay sau đó, PV đã đề nghị vị lãnh đạo này kiểm tra lại, đồng thời có phản hồi sớm nhất cho báo chí và dư luận, nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.

Vậy phải chăng, việc người dân nói “Chúng tôi chỉ biết kêu với báo chí, kêu ở mạng xã hội, chứ kêu lên xã thì có ai giải quyết đâu, thấp cổ bé họng người dân chúng tôi làm được gì”, là những điều có căn cứ. Niềm tin của nhân dân nơi đây đang bị xói mòn bởi một bộ phận cán bộ đang cố tình làm ngơ hay nói cách khác là đang cố tình “vẽ đường cho hương chạy”, để những sai phạm chồng chất sai phạm. Liệu đây sẽ là tiền lệ xấu cho các trường hợp có thể ngang nhiên xẻ núi đào rừng, xây dựng và xả thải trái phép, bỏ mặc lợi ích vì sức khỏe và môi trường của người dân hay không?

Nhóm PV



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024