Yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới
Các chiến lược như ESG, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh đang nổi lên như những yếu tố cốt lõi, giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời xây dựng nền tảng phát triển bền vững vững chắc trong kỷ nguyên mới.
Con đường duy nhất cho doanh nghiệp trong tương lai
Mặc dù các cụm từ như "Phát triển bền vững", "Kinh doanh bền vững" và "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" đã được nhắc đến từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam, nhưng cho đến nay, những vấn đề này vẫn tiếp tục là chủ đề quan trọng và cấp bách đối với mỗi quốc gia và hành tinh của chúng ta.
Đối với doanh nghiệp, phát triển bền vững không chỉ là việc tối ưu hóa lợi nhuận mà còn là áp dụng các chiến lược và hoạt động kinh doanh đáp ứng nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và các bên liên quan như khách hàng, người lao động, đồng thời bảo vệ và phát triển nguồn nhân lực cùng tài nguyên thiên nhiên cho tương lai.
Hiện nay, khái niệm ESG (Môi trường - Environment, Xã hội - Social, Quản trị doanh nghiệp - Governance) đã trở thành tiêu chuẩn quan trọng để đo lường và đánh giá các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững trong kinh doanh. ESG không chỉ được áp dụng tại các tập đoàn lớn mà còn là xu hướng có thể triển khai ở mọi quy mô doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà còn tăng cường trách nhiệm đối với tương lai của hành tinh và các thế hệ sau, tạo nền tảng phát triển bền vững cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.
Kinh doanh bền vững là chiến lược phát triển mang lại lợi nhuận lâu dài, đồng thời chú trọng đến tác động môi trường và lợi ích của tất cả các bên liên quan. Doanh nghiệp áp dụng mô hình này luôn phải đảm bảo các quyết định ngắn hạn không chỉ mang lại giá trị cho lợi ích lâu dài của chính doanh nghiệp mà còn hòa hợp với lợi ích xã hội.
Phát triển bền vững là một khái niệm phản ánh sự phát triển toàn diện trong xã hội hiện tại, đồng thời đảm bảo khả năng duy trì và phát triển trong tương lai. Mục tiêu này không chỉ liên quan đến sự tiến bộ về kinh tế mà còn cân bằng các yếu tố xã hội và môi trường, bảo vệ lợi ích của các thế hệ sau. Khái niệm phát triển bền vững hiện đang là mục tiêu trọng yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Mỗi quốc gia, với đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý và văn hóa riêng, sẽ thiết kế chiến lược phát triển phù hợp để đạt được mục tiêu này.
Thuật ngữ "phát triển bền vững" lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới, được công bố bởi Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), với thông điệp đơn giản: "Sự phát triển của nhân loại không thể chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng các nhu cầu thiết yếu của xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái".
Năm 1987, Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) đã đưa ra định nghĩa quan trọng về phát triển bền vững: "Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai."
Phát triển bền vững đòi hỏi sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế hiệu quả, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Để thực hiện được điều này, tất cả các thành phần trong xã hội, từ các tổ chức kinh tế, xã hội đến các doanh nghiệp, cần hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy sự phát triển đồng bộ giữa ba yếu tố then chốt: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu đang mạnh mẽ chuyển mình hướng tới mục tiêu Net Zero trong hành trình phát triển bền vững. Doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài “cuộc đua” này. Trước các yêu cầu ngày càng cao về phát triển xanh và bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần phải định nghĩa lại thành công của mình.
Ngày nay, khái niệm thành công của doanh nghiệp đã thay đổi. Xã hội không chỉ đánh giá qua các chỉ số kinh tế, tài chính, mà còn quan tâm đến ảnh hưởng lâu dài của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội và môi trường. Thành công không còn đơn thuần là lợi nhuận, mà là sự đóng góp vào lợi ích bền vững và phát triển toàn diện.
Mục tiêu của phát triển bền vững là đảm bảo sự thịnh vượng không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần, văn hóa, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng trong xã hội và hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Để đạt được điều này, cần tập trung vào ba trụ cột cơ bản: Phát triển bền vững về Kinh tế, Xã hội và Môi trường.
Các tiêu chí về doanh thu, lợi nhuận hay lợi ích cổ đông không còn là thước đo duy nhất cho thành công. Doanh nghiệp giờ đây phải chứng minh khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có. Chỉ khi doanh nghiệp cân bằng được ba yếu tố: Kinh tế, Xã hội và Môi trường, họ mới có thể thành công trong kỷ nguyên mới.
Hơn nữa, xu hướng kinh doanh bền vững hiện nay đã mở rộng ra nhiều lĩnh vực như chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, tích hợp các mục tiêu khí hậu với bảo vệ đa dạng sinh học, củng cố nguồn lực con người, xây dựng văn hóa doanh nghiệp đa dạng, bao trùm và bình đẳng, cũng như cam kết minh bạch thông qua các báo cáo bền vững.
Doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Bởi lẽ, không có doanh nghiệp nào có thể tồn tại và phát triển bền vững khi xã hội không ổn định, và ngược lại. Vì vậy, phát triển bền vững không còn chỉ là một yếu tố tạo sự khác biệt mà trở thành sứ mệnh thiết yếu của doanh nghiệp, cả trong hiện tại và tương lai, là tạo ra giá trị mới cho cộng đồng.
Trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm và dịch vụ tương tự nhau, phát triển bền vững chính là lợi thế cạnh tranh lớn, giúp doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng không chỉ cho khách hàng mà còn cho xã hội. Mục tiêu này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng bền vững mà còn kéo dài vòng đời của sản phẩm và dịch vụ, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với người tiêu dùng, tối ưu hóa chi phí và giảm thiểu các bước thừa trong quy trình vận hành, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm lâu dài.
Nghiên cứu của CGS năm 2019 cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên những sản phẩm bền vững, với 1/3 số người được khảo sát sẵn sàng trả thêm 25% nếu sản phẩm đó đảm bảo tính bền vững.
Tuy nhiên, việc tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược của doanh nghiệp không phải là điều đơn giản. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp cần thay đổi và cải thiện nhiều yếu tố, tác động trực tiếp đến việc sử dụng các nguồn lực. Đây là một quá trình dài hạn, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai và đòi hỏi sự đồng lòng của toàn bộ tổ chức. Để chuyển đổi thành công, lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa mục tiêu phát triển bền vững vào tầm nhìn và sứ mệnh của mình, đồng thời trở thành “đại sứ” cho mục tiêu này trong toàn bộ đội ngũ nhân viên.
Sự chuyển mình mạnh mẽ
Chuyển đổi xanh đang ngày càng gia tăng, thậm chí trở thành một cuộc đua âm thầm nhưng không kém phần khốc liệt giữa các nước trên thế giới và của cả các nước trong khu vực. Sự chuyển đổi đó thể hiện ở các cam kết mạnh mẽ của các Chính phủ về Net Zero, về tài chính xanh, về năng lượng sạch; thể hiện ở nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ cho phát triển bền vững; thể hiện ở hàng nghìn giải pháp mới được khai sinh từng ngày để giải quyết các thách thức toàn cầu; và thể hiện ở chính sự chuyển đổi trong tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp. Một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tàu, đang tiên phong đầu tư mạnh mẽ cho kinh doanh bền vững, bắt kịp với xu thế toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Vinh
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD - VCCI) nhấn mạnh, khi câu chuyện phát triển bền vững đã không còn là một sự lựa chọn, mà đã trở thành con đường duy nhất, thì cộng đồng doanh nghiệp thế giới cũng đang chuyển động mạnh mẽ, tạo ra những xu thế mới hướng tới phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh "khả thi", tập trung xây dựng ngành cốt lõi của công ty.
Theo đó, chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh phải gắn kết với xu thế phát triển của thế giới. Cụ thể, phải gắn kết với xu thế cách mạng công nghiệp 4.0; Xu thế tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu; Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; Xu thế đại học khởi nghiệp.
Xu thế ban lãnh đạo doanh nghiệp thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG. Hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đầu tư cho phát triển bền vững qua những hành động cụ thể như xây dựng riêng phòng ban, thuê những nhân sự chuyên về phát triển bền vững. Điều này rất thiết thực và cần thiết.
Quản trị công ty được thực hiện trên các nguyên tắc nền tảng là minh bạch, liêm chính, bình đẳng, hài hòa và trách nhiệm. Từ đây, các trụ đỡ cơ bản của quản trị công ty mới được xây dựng. Một khung quản trị công ty tốt cần có ba trụ cột cơ bản là hệ thống, tổ chức và nhân lực. Doanh nghiệp cần được gây dựng từ một hệ thống tốt với những điều lệ, quy chế quản trị ban đầu, từ đó phát triển cơ cấu HĐQT và tìm kiếm những thành viên phù hợp với các vị trí còn khuyết.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp (board) cần phải là bộ não tinh nhuệ nhất, thẩm thấu, hiểu rõ con đường doanh nghiệp cần đi để phát triển bền vững, từ đó mới có thể lan tỏa tinh thần, tư duy, chiến lược đến những bộ phận triển khai.
Thay đổi tư duy bắt đầu từ người lãnh đạo cao nhất được coi là điều kiện tối quan trọng, là điều cần thiết trong một thế giới biến đổi đặc biệt nhanh như hiện nay, thế giới của chuyển đổi số.
Ông Vinh dẫn chứng một vài trường hợp tiên phong trong xu hướng phát triển bền vững, điển hình như Vinamilk có trang trại và nhà máy đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn quốc tế và đã công bố lộ trình tiến đến Net Zero 2050.
Vinamilk cũng là đơn vị đầu tiên tham gia ủng hộ sáng kiến Pathways to Dairy Net Zero của ngành sữa thế giới, công bố lộ trình tiến đến Net Zero vào 2050 và đồng thời thực hiện dự án "Cánh rừng Net Zero Vinamilk".
Chưa đầy một năm từ khi công bố lộ trình, Vinamilk đã có 3 đơn vị đạt chứng nhận Net Zero theo tiêu chuẩn PAS2060:2014 và cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt Net Zero theo tiêu chuẩn này. Tất cả các nỗ lực này nằm trong lộ trình xanh mà Vinamilk đã và đang đẩy mạnh để thực hiện các cam kết về phát triển bền vững cũng như sứ mệnh "chăm sóc" cốt lõi trong gần 50 năm qua.
Để có thể truyền tải hết những giá trị phát triển bền vững cho đối tác, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế, Vinamilk trong suốt thập niên qua đã phát hành báo cáo phát triển bền vững, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế như GRI và SASB, đảm bảo tính minh bạch và sự tin cậy thông tin. “Để tâm hành động” chính là thông điệp của báo cáo phát triển bền vững mới nhất từ Vinamilk, cho thấy Doanh nghiệp thật sự quan tâm và hành động quyết liệt để hướng đến một tương lai thịnh vượng.
Chúng tôi nhận thức rằng, hành trình phát triển bền vững là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng. Vì vậy, chúng tôi mời gọi sự hợp tác và hỗ trợ từ tất cả bên liên quan, bao gồm nhà cung cấp, đối tác, khách hàng và cộng đồng. Chỉ khi chúng ta chung tay, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai bền vững cho chính chúng ta và cho thế hệ mai sau.
Bà Mai Kiều Liên
Tương tự, Traphaco, thông qua dự án GreenPlan, sáng tạo mô hình liên kết 4 nhà (mô hình kinh tế bao trùm) bao gồm: Nhà nước (chính quyền) - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp, đã không chỉ giúp công ty tự chủ về nguyên liệu sản xuất, đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà còn tác động tích cực tới cộng đồng yếu thế, tạo công ăn việc làm, xóa nghèo bền vững.
Còn PNJ tiên phong tích hợp chiến lược ESG vào chiến lược phát triển tổng thể của doanh nghiệp và đưa ra cam kết không ngừng cải thiện và tuân thủ nghiêm ngặt các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn ESG.
Hay Tập đoàn PAN và UBND Tỉnh Đồng Tháp đã ký kết Đề án “Nâng cao thu nhập người trồng lúa”. Và mới đây tại Hội nghị COP 28, tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ để thúc đẩy khả năng tiếp cận các giải pháp và dịch vụ tài chính dựa trên các yếu tố ESG, qua đó hỗ trợ DN theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững.
Đây cũng là các doanh nghiệp thành viên tích cực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) được VCCI thành lập theo phê duyệt của Chính phủ từ năm 2010. Chính những doanh nghiệp này sẽ lan tỏa tinh thần phát triển bền vững đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi giá trị của mình, hỗ trợ và tạo động lực, sức ép cho sự chuyển đổi sang kinh doanh bền vững.
Ông Vinh phân tích, khi nhìn vào những doanh nghiệp thành công với chiến lược kinh doanh bền vững trên, có thể thấy một điểm chung của các doanh nghiệp này nằm ở chính tư duy của nhà lãnh đạo có sự cam kết mạnh mẽ với phát triển bền vững và công ty sở hữu nền tảng quản trị doanh nghiệp bài bản. Đây cũng chính là nhân tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao uy tín, giữ chân khách hàng và thu hút đầu tư tốt hơn.
Với hơn 96% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực hữu hạn và chưa có sự quan tâm, đầu tư đầy đủ cho công tác quản trị doanh nghiệp, điều này phần nào tạo ra rào cản cho chính các doanh nghiệp khi theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, cũng như tiếp cận nguồn tài chính xanh.
Khi thực hiện tốt trách nhiệm giải trình, làm tốt công tác tổng hợp và báo cáo thông tin minh bạch, doanh nghiệp có thể tự mình mở ra cánh cửa đến với các nhà đầu tư và thị trường quốc tế rộng lớn.
Chuyển đổi nhận thức, chuyển đổi con người
Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn nhưng cũng không ít thách thức. Để phát triển bền vững, bước đầu tiên mà cộng đồng doanh nghiệp cần thực hiện là chuyển đổi tư duy.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số không chỉ là việc thay đổi công nghệ hay mô hình kinh doanh, mà quan trọng hơn, là chuyển đổi tư duy và nhận thức một cách toàn diện, hướng tới một tương lai xanh, với sản phẩm và lộ trình phát triển bền vững. Đây là xu thế không chỉ của Việt Nam mà của toàn cầu.
Một trong những yếu tố then chốt trong quá trình chuyển đổi này chính là con người. Chuyển đổi nhận thức và tư duy của con người chính là nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp. Việc này không đơn giản chỉ là chuyển từ nền kinh tế "màu nâu" sang "màu xanh", mà còn đòi hỏi sự đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp vốn con người, bên cạnh việc duy trì nguồn vốn xã hội và tự nhiên.
Cũng theo các chuyên gia, phát triển bền vững bắt đầu từ việc thay đổi đồng bộ trong tư duy, từ đó thực hiện các chuyển đổi hệ thống. Doanh nghiệp cần từ bỏ tư duy kinh doanh truyền thống để chuyển sang kinh doanh xanh, thông qua việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển dịch năng lượng công bằng và cắt giảm phát thải carbon.
Tiếp theo, là việc chuyển đổi chuỗi giá trị. Doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khi xây dựng được một hệ sinh thái bền vững, qua việc nâng cao năng lực và sự tham gia của các nhà cung cấp và các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
Song song với đó, cần thúc đẩy chuyển đổi kép, trong đó chuyển đổi số và phát triển các giải pháp công nghệ mới phải đi đôi và hỗ trợ cho chuyển đổi xanh.
Cuối cùng, việc thúc đẩy trách nhiệm giải trình là yếu tố không thể thiếu. Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn vào việc cải thiện hoạt động quản trị doanh nghiệp bền vững, đồng thời áp dụng các bộ chỉ số CSI - một giải pháp tối ưu giúp tiết kiệm nguồn lực và chi phí trong quản trị doanh nghiệp.
Chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh và phát triển xanh là những yếu tố không thể tách rời trong quá trình phát triển bền vững. Ngày nay, đối với các doanh nghiệp, con đường phát triển bền vững không chỉ là một xu hướng mà là lộ trình duy nhất, dẫn đến tương lai mà chúng ta mong muốn - một tương lai hạnh phúc và bền vững.
Trong bối cảnh hiện tại, tư duy kinh doanh chỉ chú trọng đến lợi nhuận đã không còn phù hợp. Doanh nghiệp bền vững phải kết hợp thành công về mặt tài chính với những đóng góp tích cực cho xã hội, như tạo ra công ăn việc làm, góp phần ổn định an sinh và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, xu thế xanh hóa và bền vững hóa chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang trở thành một yếu tố then chốt, giúp các doanh nghiệp không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong một thế giới ngày càng thay đổi./.
- Tài chính vi mô: Hướng giải quyết khó khăn để phát triển bền vững
- Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam
- Xúc tiến xuất khẩu xanh vì mục tiêu phát triển bền vững