Tăng cường kết nối với trung tâm, bất động sản phụ cận TP.HCM đang chuyển mình?
Batdongsan công bố dữ liệu mới đây cho thấy ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, người dân rất quan tâm tới bất động sản (BĐS). Kể từ ngày mùng 2 Tết (âm lịch), lượng tìm kiếm BĐS trên toàn quốc tăng nhanh chóng và kéo dài xu hướng, đến mùng 10 đã tăng được 124% so với tuần trước Tết. Trong tháng đầu năm, nhu cầu tìm kiếm BĐS trên toàn quốc tăng tới 66% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng tin đăng bán cũng tăng 52%.
Thị trường BĐS đang “ấm” trở lại, đây là cơ hội để các sàn môi giới, sàn giao dịch và chủ đầu tư chuẩn bị trở lại, nhanh chóng khởi động các chiến dịch kinh doanh nhằm tận dụng thời cơ từ nhu cầu trở lại của người mua nhà. Tín hiệu tích cực ghi nhận tại các địa phương ven TP.HCM, nơi đang chứng kiến sự hoàn thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là những tuyến đường kết nối trực tiếp đến trung tâm TP.HCM, khu vực Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ…
Long An được xem là cửa ngõ kết nối giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm Đông - Tây Nam Bộ, giáp ranh với TP.HCM. Theo dữ liệu của Batdongsan, trong tháng 12/2023, lượng tin rao bán nhà đất Long An tăng 28% so với tháng trước đó, nhu cầu mua BĐS cũng tăng 8%.
Nhân cơ hội này, nhiều chủ đầu tư lên kế hoạch kinh doanh mới, giới thiệu dự án ra thị trường. Đơn cử, Khu đô thị Eco Retreat (Thanh Phú, Bến Lức) của Ecopark, Khu đô thị LA Home (Lương Hòa, Bến Lức) của Prodezi Long An, Khu đô thị Hậu Nghĩa - Đức Hòa (Đức Hòa) của Vinhomes… Đây đều là các dự án lớn có quy mô 100-200 ha, quy hoạch bài bản và cơ cấu sản phẩm đa dạng. Bên cạnh đó, các dự án cũng đón đầu tiềm năng tăng trưởng của địa phương.
Trong tương lai, Long An vẫn là thị trường đầu tư tiềm năng, nhờ những động lực từ hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông tới TP.HCM và các khu vực lân cận ngày càng nhanh chóng, cùng sự phát triển mạnh của ngành công nghiệp.
Long An liên tục đầu tư mở rộng và nâng cấp các tuyến đường tỉnh, quốc lộ quan trọng, dành nguồn lực lớn để hoàn thiện 6 trực phát triển kinh tế, gồm: Vành đai 3 - Vành đai 4 TP.HCM, quốc lộ 50B, song hành quốc lộ 62, Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, quốc lộ N1, Đức Hòa...
Tỉnh này cũng tăng cường thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp quy mô lớn. Với tầm nhìn đến năm 2050, Long An kỳ vọng trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu trên toàn quốc, giữ vai trò quan trọng trong cực tăng trưởng kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Long An phát triển nhiều các loại hình sản phẩm BĐS để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua, từ dự án đất nền lẻ, cho tới căn hộ, biệt thự hạng sang. Các sản phẩm nhà phố, biệt thự tại đây vẫn còn giá “mềm” hơn so với các thị trường lân cận, thu hút cả người dân địa phương lẫn khách hàng từ TP.HCM mua để ở hoặc đầu tư cho thuê.
Theo khảo sát, giá nhà tại Long An trung bình khoảng 8,6 tỷ đồng/căn, tại Bình Dương là 14,8 tỷ đồng, trong khi ở Đồng Nai là 62,2 tỷ đồng, còn tại TP.HCM khoảng 61,1 tỷ đồng.
Nhìn về dài hạn, thị trường BĐS Long An còn nhiều lợi thế nhờ tính ổn định, bền vững, cung cấp nguồn cung hợp lý. Trong bối cảnh tâm lý đầu tư BĐS chưa phục hồi hoàn toàn, thị trường nào đảm bảo tính an toàn và thanh khoản, ổn định về giá sẽ thu hút được người mua ở thực và nhà đầu tư.
Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường BĐS đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, nhiều khả năng quý I/2023 chính là “đáy” thị trường. Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: “Mức độ khó khăn có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, thể hiện rõ nét tại thị trường bất động sản TP.HCM”.
Nhận định về triển vọng phát triển thị trường trong thời gian tới, CBRE Việt Nam cho hay: “Mặt bằng lãi suất đang dần bình ổn lại, trong khi những yếu tố về chính sách và pháp lý đang trong lộ trình sửa đổi, thông qua, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất sẽ góp phần cải thiện niềm tin thị trường, qua đó sẽ giúp thị trường phục hồi trong năm nay”.
Dự báo về nguồn cung BĐS trong năm 2024, DKRA Group cho biết, nguồn cung phân khúc đất nền tiếp tục khan hiếm trong năm nay với 2.900-3.100 nền, chủ yếu tập trung tại Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Mặt bằng giá duy trì ổn định, khó biến động mạnh.
Nguồn cung căn hộ dự báo tăng so với năm ngoái, ở mức 12.000-15.000 căn, chủ yếu tập trung tại TP.HCM với khoảng 9.000 căn, Bình Dương khoảng 5.000 căn, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 400 căn, các tỉnh thành khác tiếp tục thiếu hụt.
Sức cầu cùng nguồn cung trên thị trường được kỳ vọng khởi sắc từ quý III/2024 khi các chính sách đủ “ngấm” vào thị trường, cùng triển vọng phục hồi nền kinh tế. Tại TP.HCM, phân khúc căn hộ hạng A vẫn duy trì thế chủ đạo, trong khi hạng B và C chiếm tỷ trọng lớn tại Bình Dương và các vùng phụ cận. Mặt bằng giá sơ cấp giữ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ trước áp lực chi phí đầu vào.
Nguồn cung nhà phố/biệt thự dự kiến tăng nhẹ, đạt khoảng 1.200-1.500 căn. Long An, Đồng Nai và Bình Dương dự kiến dẫn đầu nguồn cung mới, Tây Ninh tiếp tục khan hiếm. Sức cầu chung trên thị trường sẽ khởi sắc vào cuối năm nay. Mặt bằng giá sơ cấp vẫn ổn định, các chính sách kích cầu thị trường tiếp tục được các chủ đầu tư áp dụng trong năm 2024./.
- Đất dịch vụ vùng ven Hà Hội có thực sự tăng như tin đồn?
- Bất động sản vùng ven Hà Nội liệu có bứt phá khi phía Tây sắp đón thành phố mới?
- Thị trường bất động sản ấm dần, nghề môi giới “nóng” trở lại