Tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2024 đạt 6,82%
GDP đạt 7,40% trong quý III
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024 vẫn có nhiều tín hiệu khả quan trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 7,40% trong quý III, cao hơn đáng kể so với các quý trước, và tăng trưởng 6,82% trong 9 tháng đầu năm, với sự phục hồi và đóng góp mạnh mẽ từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Cụ thể, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024, ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Mặc dù tăng trưởng vẫn tích cực, nhưng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trong tháng 9, khiến tốc độ tăng trưởng thấp hơn các năm trước (tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III các năm 2020-2024 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 3,11%; 2,52%; 4,67%; 4,30%; 2,58%).
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%. Đáng chú ý, công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây.
Tốc độ tăng GDP 9 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm 2011-2024 (%)
Về sử dụng GDP quý III/2024, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ cũng tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.
Tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tuy tăng trưởng 3,20% trong 9 tháng nhưng khu vực này vẫn gặp khó khăn (mức tăng này chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024); do chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn bão số 3 trong tháng 9/2024.
Giá trị tăng thêm từ ngành nông nghiệp đạt 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm. Ngành lâm nghiệp mặc dù tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp, chỉ đóng góp 0,03%. Ngành thủy sản có tốc độ tăng 3,73%, đóng góp 0,10%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.
Các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp của một số ngành dịch vụ có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế chín tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).
Về sử dụng GDP chín tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.
Số doanh nghiệp mới tăng 9,7%
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có hơn 183 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có hơn 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 163,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2024 cho thấy: Có 34,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý II/2024; 42,6% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 22,7% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2024, có 42,2% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2024; 40,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý III/2024 theo giá hiện hành ước đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung chín tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 2.417,2 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/9/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2024 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước./.
- IMF lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
- Giải pháp nào giúp đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam?
- Tạo đột phá công nghệ, mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững