ISSN-2815-5823
TƯ NGUYỄN
Thứ bảy, 20h03 05/08/2023

Tham vấn chuyên gia về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn

(KDPT) - Ngày 4/8, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”. Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm góp ý dự thảo “Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”. Từ đó, tạo động lực cho doanh nghiệp, nhà đầu chuyển đổi, phát triển thử nghiệm các ý tưởng, sáng kiến kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu Khai mạc Hội thảo, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Hoa Cương nhấn mạnh: “Kinh tế tuần hoàn gắn với tư duy thiết kế mới, có ứng dụng đổi mới sáng tạo và liên quan đến nhiều mảng chính sách khác nhau. Cách tiếp cận tuần tự, truyền thống nhằm hoàn thiện các nội dung chính sách liên quan là cần thiết, song chưa đủ. Việc sớm hình thành một cơ sở pháp lý đủ chặt chẽ, có cả tính động lực và an toàn cho phát triển kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp cụ thể hóa các nội dung hợp tác quốc tế liên quan đến kinh tế tuần hoàn (chuyển đổi năng lượng xanh, nông nghiệp,…)”.

Hội thảo tham vấn chuyên gia “Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”

Theo ông Nguyễn Hoa Cương những năm qua, các quốc gia trên thế giới đã và đang quan tâm hơn đến với mô hình kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trong các năm 2020-2021 đã khiến các quốc gia phải nhìn nhận nghiêm túc hơn yêu cầu phát triển bền vững, tăng cường mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế và sức chống chịu của chuỗi cung ứng. Phát triển kinh tế tuần hoàn được nhìn nhận là một hướng đi quan trọng. Vấn đề hợp tác quốc tế cũng gia tăng, cả về phát triển bền vững cũng như chính sách phát triển ngành gắn với tư duy kinh tế tuần hoàn.

Ông Nguyễn Hoa Cương nhận định, một trong những giải pháp phù hợp với xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới là chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống sang thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn. Để làm được điều đó, Việt Nam có thể tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ công nghệ mới nhất, gắn với số hóa và các giải pháp Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong đó, cần tối ưu hóa liên kết sản xuất, quan hệ đầu vào – đầu ra giữa các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, giữa các cấu phần trong mô hình kinh tế tuần hoàn có thể dựa vào các công nghệ 4.0, trong đó có dữ liệu lớn, Internet vạn vật...

Bà Mira Nagy giới thiệu về Mô hình kinh tế tuần hoàn của Cộng hòa Liên bang Đức

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã nghe và góp ý cho dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Các đại biểu, chuyên gia cũng đã nghe Trưởng nhóm Hợp phần tại Việt Nam Dự án toàn cầu Hướng tới sự tuần hoàn - Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ Mira Nagy giới thiệu về “Mô hình kinh tế tuần hoàn của Cộng hòa Liên bang Đức”.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024