Chuẩn bị 3 kịch bản

Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước trong phiên họp hôm qua, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dành nhiều lời khen cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Năm 2020 là khoảng thời gian mà cả thế giới, trong đó có nước ta trải qua một giai đoạn cực kỳ khó khăn trước tác động của đại dịch, bão lũ, biến đổi khí hậu. Song, theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), vượt qua khó khăn, thách thức, chúng ta đã thành công xuất sắc trong phòng, chống dịch Covid-19 ở cả 2 đợt cao điểm bùng phát, đồng thời đạt được những kết quả đáng mừng. Một trong số đó là trong khi hầu hết các nước tăng trưởng âm thì nước ta đạt tăng trưởng dương, khoảng 2%. Như đánh giá của Ngân hàng Thế giới, thì Việt Nam là “ngôi sao sáng” trong bối cảnh ảm đạm vì Covid-19, ĐBQH Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) dẫn chứng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Từ góc nhìn của mình, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận thấy, “Chính phủ đã thực hiện đúng phương châm là thiên tai, dịch bệnh có thể làm cho tình hình khó khăn gấp đôi, nhưng trong chỉ đạo, điều hành và trong tổ chức thực hiện, chúng ta phải cố gắng gấp 3, thậm chí là nhiều hơn nữa. Những thành quả về kinh tế – xã hội báo cáo Quốc hội tại kỳ họp này rất đáng trân trọng, là nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng”.

Cũng liên quan đến những ảnh hưởng từ dịch bệnh, bước sang năm 2021, ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) dự báo, Việt Nam vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn của đại dịch Covid-19. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế cuối năm 2020, đầu năm 2021 sẽ phụ thuộc khá nhiều vào việc khống chế dịch bệnh. “Nếu để dịch bệnh bùng phát trở lại, tất cả những gì mà Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành từ đầu năm làm được sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Kịch bản và các dự báo tăng trưởng trong năm sau và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm sẽ bị thay đổi theo hướng xấu đi”. Đưa ra nhận định này, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị “Chính phủ phải quyết liệt hơn nữa trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, không để tình trạng chủ quan trong quản lý dịch bệnh ở các địa phương”.

Hơn thế, Chính phủ cần bổ sung vào báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo ba kịch bản: một là khi hết dịch; hai là dịch vẫn đang đủng đỉnh như hiện nay; và ba là dịch bùng phát lớn hơn. Từ đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đưa ra các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội phù hợp, chủ động với mọi tình huống có thể xảy ra, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Với nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, đặt trong hy vọng vào những tiến triển khả quan về sự phục hồi của kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng, trước mắt, chúng ta phải tận dụng được các cơ hội mang lại của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tận dụng thị trường, niềm tin của người tiêu dùng trong nước đang được phục hồi mạnh mẽ. Muốn vậy, cần tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hiệu lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và toàn dân.

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, thực tiễn thời gian qua ở nước ta cho thấy, khi sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng, hợp tác chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương được phát huy thì mọi khó khăn từng bước được đẩy lùi, mọi cơ hội sẽ được tận dụng để thúc đẩy phát triển, hoàn thành mục tiêu đề ra. Đặc biệt, cần kiên quyết đấu tranh loại bỏ tình trạng thiếu hợp tác, đùn đẩy trách nhiệm, thuận lợi thì làm, khó khăn thì lùi bước, loại bỏ tình trạng lợi ích nhóm, căn bệnh hình thức cá nhân cục bộ, tìm cách lách luật, các chủ trương, chính sách… đã và đang làm cản trở quá trình thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội của nước ta.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương cũng kiến nghị, cần thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, đi liền với cải cách thể chế, khơi thông thị trường trong nước và quốc tế. Hỗ trợ về vốn hiện nay đã có nhiều chủ trương, tuy nhiên cần xác định đúng về nhu cầu của thị trường, về loạt sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp tạo ra để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thích hợp, bảo đảm cho đồng vốn đi đúng chỗ, phát huy hiệu quả, tránh tình trạng cào bằng, hỗ trợ đầu vào nhưng không tương ứng đầu ra gây ra tình trạng nợ xấu.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Cao Đình Thưởng nêu vấn đề, theo báo cáo, thì tiến độ thực hiện gói hỗ trợ an sinh 62 nghìn tỷ đồng vẫn còn chậm. Chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh cũng đang cho thấy nhiều bất cập, lúng túng trong việc thực thi, ảnh hưởng đến nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Nhóm đông đảo nhất cần hỗ trợ lại là nhóm tiếp cận khó nhất, trong khi đây chính là nhóm động lực của năm 2021”, đại biểu Cao Đình Thưởng nói. Theo tính toán của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho đến giữa tháng 9 chỉ có khoảng 3% số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ gói hỗ trợ này.

Nguyên nhân của tình trạng trên phải chăng đó là sự ngại ngùng, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của bộ phận triển khai khiến tiến độ bị chậm trễ? Đặt câu hỏi, đại biểu Cao Đình Thưởng cũng chỉ rõ, “việc hỗ trợ trực tiếp giúp giải quyết vấn đề trước mắt, giải pháp tình thế, còn về lâu dài nên có các chính sách phù hợp, không để tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến tìm kiếm thị trường, cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu phiền hà, rào cản cho doanh nghiệp”.

Cùng với đó, cần khuyến khích các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp theo hướng kích cầu. Nếu không có bước đột phá trong cải cách hành chính, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, sang năm 2021 không những không giúp cho các doanh nghiệp giảm được chi phí mà có khi còn kìm hãm sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, gây khó khăn cho thực hiện kế hoạch phát triển doanh nghiệp trong 5 năm tới, đại biểu Cao Đình Thưởng nói.

Trong ngày đầu tiên diễn ra phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế – xã hội, qua các phát biểu của đại biểu, những mảng màu sáng – tối của bức tranh kinh tế – xã hội đất nước hiện lên thật sinh động. Thẳng thắn, tâm huyết, xây dựng và trách nhiệm, các đại biểu đã phân tích, đánh giá đúng những kết quả nổi bật đã đạt được trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, chỉ rõ những điểm tồn tại, hạn chế, trong đó có những “điểm nghẽn” đã được chỉ ra qua nhiều kỳ họp, phiên họp chưa được khắc phục triệt để. Một số thành viên Chính phủ đã đăng đàn giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu. Với tinh thần Quốc hội luôn đồng hành, sát cánh cùng Chính phủ, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp thiết thực với mong muốn thực hiện thành công nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

Hôm nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước. Mong rằng, những vấn đề đại biểu nêu ra tiếp tục được các thành viên Chính phủ giải đáp, có câu trả lời thỏa đáng hơn vì sự phát triển chung của đất nước trong trạng thái “bình thường mới”.

ANH THẢO

Nguồn link gốc: https://daibieunhandan.vn/dot-pha-trong-cai-cach-hanh-chinh-va-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-cymci0y0op-49486