ISSN-2815-5823

Thị trường bia Việt Nam: Sôi động nội ngoại

(KDPT) – Chỉ số phát triển con người Việt Nam (HDI) đứng thứ 116/182 trên thế giới, nhưng chỉ số sử dụng rượu bia của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29. Tốc độ tăng trưởng gần 10% liên tục trong 15 năm qua khiến thị trường bia Việt Nam luôn sôi động. Hiện nay các doanh nghiệp bia luôn cập nhập công nghệ, thông tin và tự hoàn thiện mình để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thị trường màu mỡ

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang rất báo động: “Việt Nam đứng thứ hai thuộc các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới”.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300USD người/năm.

“Quả thật, Việt Nam đang là một cường quốc về sử dụng rượu, bia”, bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nói.

Trước sức hấp dẫn của thị trường bia Việt Nam khi cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít trong năm 2017 đã khiến các doanh nghiệp sản xuất bia cả nội lẫn ngoại liên tục tung ra những “chiêu” mới để tăng sản lượng, mở rộng thị phần. Tuy nhiên, nếu không có những chiến lược bài bản, cùng sự đầu tư trang thiết bị, công nghệ, đổi mới cả về hình thức lẫn chất lượng sản phẩm thì các hãng bia nội khó lòng cạnh tranh sòng phẳng.

Ảnh minh họa.

Cạnh tranh nội ngoại

Có thể nói, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, đặc biệt trong những năm gần đây, ngành bia Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn, đáng khích lệ, đóng góp không nhỏ vào ngân sách nhà nước, phát triển nền kinh tế quốc dân. Như nhiều nhãn hiệu của SABECO và HABECO đã được người tiêu dùng đón nhận từ lâu, nhưng đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều hãng bia ngoại, thúc đẩy các doanh nghiệp bia trong nước phải thay đổi tư duy cách làm để cạnh tranh trên thị trường sân nhà.

Hiện nay, một số hãng bia lớn đã có mặt tại Việt Nam như Anheuser-Busch InBev (Bỉ) với Nhà máy Bia Budweiser có công suất 100 triệu lít/năm tại Bình Dương; Sapporo (Nhật Bản) đã không ngừng mở rộng đầu tư nhà máy, công suất nhà máy tại tỉnh Long An hiện đạt 100 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nhà máy Heineken Việt Nam – đơn vị có mặt tại Việt Nam nhiều năm nay đang sở hữu các thương hiệu lớn như: Heineken, Tiger, BGI, Bivina…

Đại diện Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Hà Nội (Sabeco) cho rằng, trong 5 năm vừa qua, mức độ cạnh tranh ngành bia nói riêng chưa bao giờ lại khốc liệt như vậy. Bên cạnh hàng trăm cơ sở sản xuất bia trong nước thì đã có sự xuất hiện của nhiều hãng bia lớn nhất thế giới đến từ Đức, Bỉ, Nhật Bản, Thái Lan,… Các hãng bia ngoại với tâm lý muốn thôn tính thị trường Việt Nam cho nên họ rất linh hoạt trong chiến lược quảng cáo, tiếp thị, nhất là phần chiết khấu lại cho các nhà phân phối, đây là điều mà các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước không thể chạy đua.

Cần không ngừng phát triển

Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia, rượu nhiều nhất trên thế giới. Ảnh minh họa.

Mặc dù các hãng bia nội vẫn đang thống lĩnh thị trường trong nước bằng việc tiếp tục đầu tư, mở rộng thị trường toàn quốc cũng như đa dạng các sản phẩm để tiếp cận thêm nhiều đối tượng khách hàng, nhưng để cạnh tranh và giữ vững được thị trường với các hãng bia ngoại thì các doanh nghiệp bia nội phải tập trung vào làm tốt việc xây dựng thương hiệu và hệ thống phân phối ngay từ đầu, cùng với đó là cần bảo đảm chất lượng của sản phẩm theo đúng khẩu vị truyền thống. Dù có lợi thế khi số lượng lớn người tiêu dùng Việt thường ủng hộ các dòng sản phẩm trong nước, nhưng các hãng bia nội cần nỗ lực nhiều hơn để nâng cao hình thức bao bì, chất lượng, giá cả thật sự cạnh tranh thì mới giữ vững được thị trường lâu dài.

PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng: “Việt Nam đang trở thành thị trường đáng chú ý nhờ vào văn hóa ẩm thực đường phố khiến mức tiêu thụ bia liên tục tăng. Vì vậy, việc mua số lượng lớn cổ phần các công ty bia trong nước để tham gia ngay vào thị trường là chiến lược đúng hướng mà các tập đoàn nước ngoài đang nhắm đến, đặc biệt mong muốn được sở hữu các nhà máy bia với công suất lớn hiện có cùng hệ thống phân phối rộng khắp, lâu đời của các hãng bia trong nước. Đây chính là điểm nhấn mà các hãng bia lớn đã đổ bộ vào Việt Nam trong thời gian qua.

Trước thực tế nêu trên, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước phải tạo lối đi riêng, trong đó việc đẩy mạnh đầu tư thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng, thay đổi nhãn mác, bao bì… là điều tất yếu để tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, để doanh nghiệp sản xuất bia Việt Nam cạnh tranh tốt cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước về các giải pháp, chính sách… Bên cạnh đó, việc giữ vững và phát triển thương hiệu cũng như uy tín đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chủ động, dự đoán chính xác và có chiến lược phù hợp với những biến động trên thị trường, qua đó cải thiện hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trong ngành”.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024