ISSN-2815-5823
Thứ năm, 07h45 24/05/2018

Thời đại 4.0 mà không cho tố cáo qua điện thoại, là quay về 0.4!

(KDPT) – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận khi bàn về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi chuyện có xử lý hay không các trường hợp tố cáo qua thư điện tử, điện thoại, fax…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) – Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 24-5, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) không đồng tình với các ý kiến cho rằng cần bỏ đề xuất mở rộng các hình thức tố cáo qua fax, thư điện tử, điện thoại, trong dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi.

“Ban soạn thảo đã rất thông minh khi mở ra hình thức này. Và cách đây 13 năm Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định tại khoản 1 điều 65 như sau: cơ quan tổ chức cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua thư điện tử và các hình thức tố cáo khác qua các kênh.

Đã qua 13 năm, Quốc hội đã chấp nhận điều đó, vậy cho tới nay công cuộc phòng chống tham nhũng cũng còn gặp nhiều khó khăn, vậy mà hiện nay nhiều ý kiến lại đề xuất bỏ cho tố cáo qua điện thoại, thư điện tử…”, ông Nguyễn Hữu Cầu tranh luận.

Theo ông Cầu, tố cáo là một quyền hiến định, trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải tạo điều kiện cho công dân tố cáo và phải giải quyết đầy đủ.

Để bảo vệ quan điểm của mình, ông Cầu lấy ví dụ về trường hợp người nhà của ông ở TP.HCM cách đây một thời gian đã bị một người lạ yêu cầu đưa một khoản tiền.

Lúc đó ông buộc phải gọi điện đến một cơ quan công an và được cơ quan này tiếp nhận theo hình thức nhận tin báo tội phạm.

“Vậy mà chúng ta không làm. Cho nên tôi thấy rằng nếu bỏ cái này đi thì nó sẽ mất một kênh thông tin rất quan trọng. Còn nếu muốn kiểm soát quyền lực của quan chức thì bên cạnh kiểm soát nội bộ thì dân cũng có quyền giám sát bên ngoài, báo chí giám sát bên ngoài.

Quyết hay không quyết là quyền của Quốc hội, nhưng tôi cho rằng cần cho người dân cái quyền hiến định”, ông Nguyễn Hữu Cầu nói.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) – Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng tình với quan điểm của ông Cầu, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: “Tôi thấy tranh luận về vấn đề tố cáo qua điện thoại thì rất đơn giản. Chúng ta đang sống trong thời đại sử dụng 4.0 mà chúng ta không sử dụng điện thoại thông minh thì có nghĩa chúng ta đã quay về thời kì 0.4 rồi.

Điện thoại là trực tiếp chứ không phải gián tiếp, dùng điện thoại để gọi tức là tố cáo trực tiếp. Chúng ta đang cố gắng xoá sim rác, đăng ký lại người sở hữu tài khoản sim. Cho nên câu chuyện này hoàn toàn xử lý được chứ không nên thoái thác rồi nói rằng đây là vấn đề khó khăn để chúng ta từ chối việc tố cáo”.

Chuyện mở rộng hình thức tố cáo là vấn đề được các đại biểu tranh luận đặc biệt sôi nổi tại Quốc hội sáng nay. Đa số ý kiến cho rằng nếu mở rộng hình thức nhận tố cáo qua email, fax, gọi điện… thì sẽ vô cùng khó khăn cho cơ quan giải quyết bởi lượng tố cáo sẽ quá lớn. Trong khi đó hiện nay có tới trên 70% tố cáo (trực tiếp, gửi đơn) là sai.

“Nếu chấp thuận thì sẽ gây áp lực lớn, mặt khác sẽ tốn kém trong việc trang bị công nghệ thiết bị để xử lý, dễ phát sinh việc lợi dụng tố cáo để gây phương hại, làm ảnh hưởng uy tín danh dự và thậm chí là sinh mệnh chính trị của người bị tố cáo” là luận điểm của những người phản đối mở rộng.

Vì lẽ đó, nhiều đại biểu cho rằng cần giữ nguyên hình thức tiếp nhận tố cáo như hiện tại, không nên cho mở rộng ra qua fax, email, điện thoại.

Theo Thái Bá Dũng

tuoitre.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024