ISSN-2815-5823

Thương một dòng sông

(KDPT) – Đi xa, bốn mùa nhớ quê là bốn mùa nhớ sông. Nhớ Mã giang ngày lũ, dòng nước đục ngầu, hùng vĩ trôi phăng phăng qua thác qua ghềnh, cuộn dồn, ôm ấp dưới đáy bao lớp phù sa đã chắt chiu, thai nghén từ mùa này sang mùa nọ. Sông cần mẫn đem chia về muôn ngả cho từng bến bãi, ven sông, từng cánh đồng, mương máng.

Tôi sinh ra ở một bản mường của vùng núi phía Tây xứ Thanh. Nơi thuộc một phần lưng chừng thượng nguồn con sông Mã huyền thoại. Con sông đã từng “gầm lên khúc độc hành” trong câu thơ kiêu hùng của nhà thơ Quang Dũng. Người Thanh tôi yêu mến, tự hào.

Đi xa, bốn mùa nhớ quê là bốn mùa nhớ sông. Nhớ Mã giang ngày lũ, dòng nước đục ngầu, hùng vĩ trôi phăng phăng qua thác qua ghềnh, cuộn dồn, ôm ấp dưới đáy bao lớp phù sa đã chắt chiu, thai nghén từ mùa này sang mùa nọ. Sông cần mẫn đem chia về muôn ngả cho từng bến bãi, ven sông, từng cánh đồng, mương máng. Qua ngày lũ, sông dịu dàng trong xanh, soi bóng núi, bóng sương, soi bóng mây vờn những ngực đồi khoe mùa vàng ấm áp. Sông bình yên, mát lành làm nên những bến tắm cho già trẻ, gái trai làng bản ven bờ tả ngạn tắm mát, đùa vui, trút rửa nhọc nhằn.

Người dân ven bờ Mã Giang sống bao đời no ấm, yên ả nhờ ân huệ của dòng sông. Ngày trước, ai đã từng về miền Tây xứ Thanh vào mùa luồng thu hoạch, hẳn không ít lần bắt gặp những chiếc bè luồng xanh xanh nối đuôi nhau như rồng như rắn trên mặt sông Mã. Các huyện vùng núi miền tây ven bờ Mã giang đều có đồi, mà đồi nào cũng đầy những luồng và sơn vật. Từ Mường Lát, Quan Hóa, quan Sơn, Bá thước xuống Cẩm Thủy, chạy theo con đường 217 mà xuôi hay ngược, ở đâu bắt gặp bóng đồi, bóng luồng là khúc sông nơi đó dập dềnh tấp nập bóng bè xanh. Trên lưng bè luồng ấy còn cõng theo bao sản vật của núi rừng, bồng bềnh, dập dìu về xuôi. Bè luồng đi, cơm trắng về thay dần cơm độn. Áo ấm dần đủ ngày đông, nhà nhà thêm ngói đỏ. Bè luồng đi, sách vở thơm tho bếp lửa, áo hoa tung tăng trường lớp. Cuộc sống người dân đôi bờ Mã giang cứ thế yên ấm, thanh bình, ngọt ngào như sông vậy. Dân chài lưới sáng sáng, chiều chiều cưỡi những con thuyền độc mộc tư lự, thư thả quăng chài, buông lưới như tung hoa lên mặt sông, rồi lại kéo nhau về cùng cá tôm rộn ràng xóm chợ, đợi nhau về ngọt bữa cơm lành, canh cá. Những bãi bờ ven sông mỗi năm một mùa nhận phù sa. Phù sa từ rừng làm cho lúa ngô trĩu hạt, làm cho dâu tằm xanh mướt. Những cọn nước to nhỏ, tròn xoay như mặt trời miệt mài ngày đêm chia giọt ngọt ngào của sông vào nương rẫy. Chạy dài, dẫu ngược hay xuôi men triền sông Mã cũng bắt gặp mướt mát mỡ màu, trù phú hẹn hò ấm no. Ấy là một vùng phía nguồn sông Mã đẹp đẽ trong kí ức của tôi và người dân quê tôi.

*

Như bao người của miền đất ấy, lớn lên rồi rời núi mà tìm chân trời mới. Bao năm dài, tôi chỉ kịp về thoáng chốc qua ngôi nhà thăm bố mẹ rồi vội vã đi, mà chẳng lần nào đủ thời gian ngược nguồn thăm sông xưa, bến cũ. Biền biệt, đằng đẵng cả mươi năm có lẻ. Và rồi, nỗi nhớ quê da diết gọi tôi về. Một trong những nơi tôi quyết định dành nhiều thời gian để thăm lại đó là đoạn nguồn sông Mã phía miền tây quê Thanh.

Bắt đầu từ lộ 217 vào thị trấn Cẩm Thủy cứ thế tôi ngược sông. Nhưng Mã Giang ơi, mỗi đoạn qua sững sờ bước chân, ngỡ ngàng mắt buồn, nhìn sông lòng tôi xa xót. Mã Giang của tôi như con rồng đang ốm gầy còm, hấp hối đó chăng? Những hùng vĩ, xanh rờn, kiêu hùng bí ẩn đâu rồi? Dòng nước đã hanh heo, có những đoạn trơ trọi sỏi cát oằn khan, có nơi cạn đến nửa dòng, đá cuội khô bạc chết khát, đá tảng chơ chênh trồi lên như xương tàn. Tôi tha thẩn thật lâu ở từng đoạn sông mà cồn lên nhớ thương, tiếc nuối. Qua bến sông làng Chợ, xã Cẩm Bình, chạnh lòng thương biết bao vì bến nước xưa nay đã không còn nữa. Nhà máy Thủy Điện Cẩm Thủy 1 đang thi công trên sông đã chia dòng chảy thành hai phần như chưa từng thuộc về nhau. Phía dưới con đập đồ sộ, dài rộng ấy là một dòng chảy gầy guộc. Con sông sâu xanh, hùng vĩ đâu rồi? Những chiếc cầu nối đôi bờ tả hữu đâu còn soi được bóng người, váy hoa, khăn piêu lấp lánh dưới dòng xanh. Trước đây, không cầu không bè người ta không thể đi lại hai mạn. Bây giờ có những khúc sông oằn oại phơi lòng, còn như thách cả chân trần lội ngang. Vắng rồi những bến tắm ven bờ, không còn tiếng nói cười rộn rã chiều chiều người làng bản gọi nhau nao nức lòng sông. Vắng rồi những dáng mế già lom khom bưng rổ rau rừng, rá ngô nâm xuống sông để rửa, vắng rồi những dáng chị dáng mẹ tần tảo gánh thùng, vác ống nước từ sông đem về đổ đầy chum đầu thang. Vắng bóng bầy trẻ lùa trâu ra sông đùa quẫy rộn ràng con nước. Vắng cả những bóng thuyền độc mộc tư lự, từ bao giờ, thuyền đã nằm chờ mục trên bụi bờ cỏ rậm, cá còn đâu nhảy múa tung tăng gọi mời chài lưới. Cá cũng thưa ít, sông cạn người ta bắt vét dễ dàng bằng điện, bằng mìn, cá cũng còn ít ỏi nhọc nhằn sống ở đó với dòng nước đã đục ngầu, ô nhiễm. Luồng đến mùa, nông sản đến mùa, sơn vật đến mùa cũng đành nằm đợi những chuyến xe tải đắt đỏ của người xuôi theo đường bộ lên chở về phố tỉnh.

Nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1.

Cô Nhàn người làng Chợ, có nhà cạnh con đập nhà máy Thủy điện, ngồi bên tôi mà mắt buồn rợi nhìn song, cô bảo: phía dưới đập nước này, những bãi hoa màu oằn lên cát bỏng, những mương máng dẫn nước về các bãi đồng, những mùa thu hoạch mỗi năm một mong manh. Bến tắm, bến nước không còn, bao nhiêu giếng nước của bà con cũng bị cạn, hoặc nhiễm bẩn, sinh hoạt khó khăn lắm.

Lại chẳng bù cho phía trên con đập, nước dềnh lên ngập những bãi hoa màu ven sông. Đoạn sông như một cái hồ ứ nước, sâu và vẩn đục. Ngồi với với bác Hà Nam Ninh ở thị trấn Cành Nàng, trong ngôi nhà sàn bên bờ sông Mã, thuộc phần phía trên của một đập ngăn nhà máy thủy điện, nhìn mé nước lưng lửng mép vườn, cách chân thang chỉ vài chục mét, Bác Ninh bảo, nước giờ chẳng ai dám tắm nữa chứ đừng nói chuyện gánh nước về sinh hoạt. Bẩn đến nỗi, lội chân xuống cũng ngứa. Mà nước mênh mông sâu thế cũng chẳng còn có chỗ làm bến nước tắm, chẳng thể chài lưới được. Thế là sông đã mất đi cái ý nghĩa bao đời của sông với người dân ven đôi bờ này rồi.

Và tôi đi qua hết những con đập, những nhà máy thủy điện ven sông. Cứ lặp đi lặp lại những khúc cạn, khúc ngập và những nỗi niềm của người ven sông giống nhau như thế. Những cái tên Nhà Máy thủy Điện Bá Thước Một, Nhà Máy Thủy điện Bá Thước Hai, Nhà Máy thủy điện Hồi Xuân… lần lượt ghi vào trí nhớ tôi, vang vang như hứa hẹn một điều tươi đẹp hơn những nỗi niềm của sông mà tôi vừa chạm lòng. Nhưng bảy nhà máy thủy điện đang thi công, con số “bảy’ ấy có đang quá sức cho một khúc thượng nguồn sông Mã thuộc xứ Thanh này không? Mỗi con đập nhà máy thủy điện như một bàn tay, một chiếc dây thòng lọng đang bóp xiết, chia cắt dòng chảy. Dòng Mã đang bị bức tử, xẻ nát, chia lìa. Sông như đang ngửa mặt lên trời hấp hối. Bờ bãi kiệt dần phù sa, đất khô cằn theo mùa hạn hán. Lúa, ngô, hạt lép hạt tròn phập phù mùa được mất, nương dâu nhọc nhằn lên lá. Nhiều người dân ven sông đã phải bỏ làng di cư vùng đất mới, với cuộc sống mới cũng chênh vênh, bấp bênh. Để rồi cứ thương nhớ biết bao những ruộng bãi ven sông bời bời bông cơm, trái gạo, thèm biết bao con cá, con tôm cho nồi canh ngọt bữa nhọc nhằn.

Dẫu biết mai điện về sẽ sáng bản sáng mường, đem theo bao điều hứa hẹn cho một cuộc sống đổi mới. Nhưng lòng người đã ăn đời ở kiếp với sông làm sao khỏi xa xót, tiếc thương một dòng sông hũng vĩ, huyền thoại.

Mã giang ơi, bao giờ lại được nghe sông gầm khúc tráng ca như câu thơ kiêu hùng ngày ấy. Ai đó chiều nay nghèn nghẹn hát “luồng về xuôi thác ghềnh đưa bè trôi…”.

Tản văn của TÚ ANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/09/2024