Quảng cáo đầy hoa mỹ

Theo các thông tin được doanh nghiệp này quảng bá, Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước được thành lập năm 1992 do ông Nguyễn Thành Lập sáng lập. Ông Lập sinh năm 1950 tại Tp.HCM, hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tiến Phước, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc (một liên doanh giữa Tiến Phước – Keppel Land – Công ty Trần Thái) – doanh nghiệp đang đầu tư nhiều dự án BĐS lớn tại Tp.HCM.

Tiến Phước Land (chuyên về lĩnh vực bất động sản) được thành lập năm 2009, là thành viên của CTCP Bất động sản Tiến Phước (Tiến Phước Group), do trực tiếp Tiến Phước Group nắm 45%, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Phương có 35%. Bà Mỹ Phương là con gái của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Thành Lập – người sáng lập và là Chủ tịch Tiến Phước Group. Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ – một công ty gia đình khác của ông Lập, nắm 20% vốn còn lại của Tiến Phước Land.

Công ty Cổ phần Bất Động Sản Tiến Phước là một chủ đầu tư danh tiếng tại Việt Nam, đi đầu trong nhiều giải pháp đồng bộ trong lĩnh vực bất động sản, y tế, cơ sở hạ tầng. Danh mục đầu tư của Tiến Phước rất đa dạng với các dự án khu đô thị, khu đô thị phức hợp, thương mại, văn phòng khách sạn 5 sao và bệnh viện quốc tế.

Các dự án của Tiến Phước thường tập trung chủ yếu ở quận 1, quận 2, quận 5, quận 9, quận 12 và Bình Chánh cũng như các tỉnh lân cận như: Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa. Sau 28 năm hình thành và phát triển, hiện công ty này có vốn điều lệ “khủng” lên đến 2.018 tỷ đồng.

Tiến Phước được biết tới là nhà phát triển BĐS với nhiều dự án lớn, nhưng phần lớn hợp tác với Keppel Land – tập đoàn BĐS hàng đầu của Singapore.

Là nhà phát triển BĐS quy mô và cao cấp, các dự án của Tiến Phước trải dài khắp TP.HCM cũng như các tỉnh thành trên cả nước, điển hình như: Dự án phức hợp ven sông Nam Rạch Chiếc, khu biệt thự Greenfield Village Quận 2, Khu dân cư phức hợp Tiến Phước – Nam Sài Gòn, Le Meridien Saigon Tower cao 23 tầng ( khách sạn và cao ốc văn phòng); The Estella 1.500 căn hộ cao cấp (liên doanh với Keppel Land), Cam Ranh Bay Resort and Spa và tòa nhà Tiến Phước.

Công ty Cổ phần Bất Động Sản Tiến Phước tạo dựng uy tín của mình bằng cách kết hợp kỹ năng kinh doanh và sự cẩn trọng trong việc đưa ra thị trường những sản phẩm bất động sản có giá trị đích thực, có thiết kế và chất lượng vượt trội.

Dự án căn hộ có quy mô lớn đầu tiên tại Tp.HCM mà Tiến Phước xây dựng là khu tái định cư An Phú Bình Khánh, được xây vào năm 2009, do Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc làm chủ đầu tư.

Tiến Phước được biết đến là thành viên góp vốn thành lập Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương (liên doanh giữa Công ty BĐS Tiến Phước và Công ty TNHH BĐS Trần Thái) và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) – chủ đầu tư dự án Khu phức hợp Tháp quan sát Empire City tại Thủ Thiêm, quận 2.

Từ năm 2015, tập đoàn Tiến Phước đã tiến hành tăng vốn nhiều lần, vốn điều lệ qua đó tăng mạnh từ 860 tỷ đồng lên 2.018 tỷ đồng. Ngoài ra, Tiến Phước cũng tìm kiếm thêm nguồn vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, chẳng hạn PVCombank ở dự án Senturia Nam Sài Gòn, Senturia Vườn Lài Quận 12, …

Cùng với đó, Tiến Phước cũng đang đẩy mạnh vay nợ qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, chủ đầu tư dự án Empire City có số tầng cao thiết kế lên đến 88 tầng vừa công bố đã phát hành thành công 332 tỉ đồng trái phiếu với lãi suất chỉ 8%.

Trước đó, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ có kỳ hạn 3 năm cho Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và 50 tỷ đồng cho các nhà đầu tư cá nhân mức lãi suất cho năm đầu tiên là 11%.

Tổng cộng, Tiến Phước Group và hai công ty thành viên (Tiến Phước Land và CTCP Tư vấn Đầu tư và Kỹ thuật Mê Kông) đã phát hành gần 2.600 tỷ đồng trái phiếu trong gần 2 năm trở lại.

Nguồn vốn tính bằng đơn vị nghìn tỷ thu về qua kênh trái phiếu được doanh nghiệp này kỳ vọng sẽ là một động lực quan trọng để Tiến Phước phát triển các dự án bất động sản, nhờ đó vượt qua cuộc “khủng hoảng” địa ốc đang diễn ra tại TP.HCM.

Mối quan hệ mật thiết với PVCombank

Quảng cáo về tiềm lực ở trên đầy hoa mỹ tuy nhiên, việc vay nợ ngân hàng của Tiến Phước Group lại có nhiều vấn đề đáng bàn. Và cũng phải nhìn nhận Tiến Phước Group có mối quan hệ mật thiết với ngân hàng PVCombank, khi hầu hết các khoản vay của Tập đoàn này được ngân hàng PVCombank tạo điều kiện hết sức thông thoáng

Đơn cử trong các khoản vay có khoản vay vào ngày ngày 11/01/2019, Tiến Phước Group đã thế chấp Giá trị phần vốn góp của CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN TIẾN PHƯỚC với số tiền vốn góp là: 499.434.000.000 VND (tương ứng tỷ lệ so với tổng vốn điều lệ Công ty là 83,746%) để góp vốn thành lập CÔNG TY TNHH BẤT ĐỘNG SẢN NGUYÊN PHƯƠNG theo số hợp đồng 11/2019/HĐBĐ/PVB-CNSG tại Ngân Hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam Chi Nhánh Sài Gòn.

Đáng chú ý, giá trị khoản vay của HĐ kể trên là 1350 tỷ đồng gấp nhiều lần so với giá trị vốn góp gần 500 tỷ của Tiến Phước Group.

Một khoản vay đáng chú ý nữa của Tiến Phước Group là HĐ 50/2019/HDTCQTS vào ngày 25/06/2019 với tài sản thế chấp toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 101/HĐ/TP-MM ngày 06/05/2019 giữa Công ty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ Mỹ về việc thực hiện dự án Bệnh viện quốc tế Mỹ (AIH) tại 199 Nguyễn Hoàng, phường An Phú, quận 2, TP Hồ Chí Minh. Đáng lưu ý khoản vay kể trên là 300 tỷ đồng.’

Mới đây nhất, Tiến Phước Group thế chấp toàn bộ lợi ích thu được từ 21.433.606 Cổ phần do Công ty Cổ Phần Thương Mại – Dịch Vụ Công Nghệ Cao (ĐKKD: 0312631610) phát hành thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước. Không phải là chứng khoán đã được đăng ký tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam vào ngày 26/5/2021 tại Ngân Hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam Chi Nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh Trung Tâm Khách Hàng Doanh Nghiệp Lớn.

Như vậy, trong nhiều khoản vay của Tiến Phước Group đều là cổ phần cổ phiếu với giá trị rất lớn. Và nếu chỉ cộng 3 khoản vay kể trên của Tiến Phước Group đã tương đương với vốn điều lệ của Tập đoàn này.

Việc thế chấp cổ phiếu tại ngân hàng thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, khiến nhiều cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo.

Đơn cử, Tập đoàn FLC dùng 60 triệu cổ phiếu Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB.

Ngoài Tập đoàn FLC, các ngân hàng còn cho vay hàng trăm tỉ đồng tại FLCHomes, FLC Faros. BCTC hợp nhất quý 4/2021 của FLCHomes (FHH) cho thấy gần 400 tỉ đồng khoản vay ngắn và dài hạn tại Sacombank có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản đảm bảo gồm 57,5 triệu cổ phiếu Bamboo Airways (BAV) do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long. FLCHomes cũng vay gần 200 tỉ đồng tại NCB để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu Bamboo Airways, gồm 30 triệu cổ phiếu do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 30 triệu cổ phiếu thuộc FLC sở hữu.

FLCHomes vay OCB 108 tỉ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo gồm các khoản tiền gửi và cổ phiếu do Bamboo Airways phát hành. Trong số này có 5,06 triệu cổ phiếu do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 13 triệu cổ phiếu do FLC sở hữu. Thông tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt giữ khiến cổ đông nhiều ngân hàng lo lắng, vì một số ngân hàng hiện đang là “chủ nợ” lớn của Tập đoàn FLC.

Thanh Thuỳ