ISSN-2815-5823

Tiền gửi dân cư tại ngân hàng hồi phục, ghi nhận mức cao kỷ lục

(KDPT) - Trong quý vừa qua, 3 ngân hàng ghi nhận lượng tiền gửi cao nhất vẫn là những cái tên trong nhóm ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, tổng số tiền đạt được là hơn 4,51 triệu tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm ngoái đã tăng thêm 544.621 tỷ đồng.

Tiền gửi dân cư tăng, đạt mức kỷ lục

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cập nhật thống kê tổng phương tiện thanh toán cùng với tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Số liệu mới nhất của NHNN cho thấy, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 2 đạt mức kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, so với thời điểm đầu năm đã tăng 1,6%.

Tức là, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng sau khi sụt giảm vào tháng 1/2024 đã quay trở lại đà tăng. Điều đáng nói, dù tiền người dân gửi ngân hàng tăng cao nhưng tiền gửi của khối tổ chức và doanh nghiệp trong thời gian này lại sụt giảm mạnh. Theo kết quả thống kê, nhóm này đã gửi tổng cộng 6,52 triệu tỷ đồng tại hệ thống ngân hàng, so với hồi đầu năm đã giảm 4,66%. Đà giảm của khối doanh nghiệp đã khiến tổng tiền gửi vào hệ thống (tính đến tháng 2/2024) giảm nhẹ, từ mức hơn 13,17 triệu tỷ đồng hồi cuối tháng 1 xuống mức 13,16 triệu tỷ đồng.

Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng sau khi sụt giảm vào tháng 1/2024 đã quay trở lại đà tăng. (Ảnh: VnExpress)
Tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng sau khi sụt giảm vào tháng 1/2024 đã quay trở lại đà tăng. (Ảnh: VnExpress)

Tính ở thời điểm cuối tháng 1/2024, tổng tiền gửi của khách hàng trong hệ thống ngân hàng là hơn 13,17 triệu tỷ đồng, so với cuối năm ngoái đã giảm gần 200.000 tỷ đồng. Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia nhận định, tiền của người dân và những tổ chức kinh tế quay đầu giảm trong bối cảnh lãi suất huy động hồi đầu năm vẫn luôn được duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, lượng tiền gửi của người dân vẫn tăng bao vì những kênh đầu tư khác đã và đang ngày càng giảm sức hút.

Nhiều chuyên gia nhận định, tiền của người dân và những tổ chức kinh tế quay đầu giảm trong bối cảnh lãi suất huy động hồi đầu năm vẫn luôn được duy trì ở mức thấp. (Ảnh: Lao Động)
Nhiều chuyên gia nhận định, tiền của người dân và những tổ chức kinh tế quay đầu giảm trong bối cảnh lãi suất huy động hồi đầu năm vẫn luôn được duy trì ở mức thấp. (Ảnh: Lao Động)

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định: Một bộ phận người dân trong thời gian qua đã hướng dòng tiền đầu tư của mình vào vàng bởi đây là kênh đầu tư được đánh giá là thanh khoản tốt, cũng là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh những yếu tố kinh tế vĩ mô bấp bênh, đồng thời những kênh đầu tư khác như bất động sản hoặc chứng khoán, gửi tiết kiệm tại ngân hàng… đã không còn hấp dẫn. 

Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 19/4 vừa qua, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất tiền gửi bình quân tính đến ngày 31/3/2024 của các giao dịch phát sinh ở mức 3,02%/năm, so với cuối năm ngoái đã giảm 0,5%. Đồng thời, lãi suất cho vay bình quân của những giao dịch phát sinh mới được ghi nhận ở mức 6,5%/năm, tương đương giảm 0,6%/năm.

Những ngân hàng nào hút tiền gửi mạnh nhất?

Số liệu tổng hợp báo cáo tài chính quý I/2024 của 27 ngân hàng thương mại trong nước cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng trên toàn ngành so với cuối năm ngoái chỉ nhích nhẹ 0,7%, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi những tháng đầu năm liên tục có xu hướng giảm.

Trong quý vừa qua, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất vẫn là những cái tên trong nhóm ngân hàng quốc doanh. Cụ thể, tổng số tiền đạt được là hơn 4,51 triệu tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm trước đã tăng thêm 544.621 tỷ đồng. Con số này cũng chiếm gần 46% tổng số tiền gửi khách hàng toàn hệ thống. 

Quý vừa qua, dẫn đầu về tổng số tiền gửi là ngân hàng BIDV với hơn 1,7 triệu tỷ đồng, so với thời điểm cuối năm ngoái đã tăng 1,8%. Tiếp theo là ngân hàng VietinBank với hơn 1,4 triệu tỷ đồng số dư tiền gửi, tương ứng mức tăng 1,2%. Xếp ở vị trí thứ 3 là Vietcombank có tổng tiền gửi ở mức 1,3 triệu tỷ đồng quý I/2024, giảm 3,4% so với cuối năm ngoái.

Xét về nhóm những ngân hàng cổ phần, dẫn đầu là ngân hàng MB với 558.826 tỷ đồng tiền gửi trong quý đầu năm, tương ứng mức giảm 1,5% và xếp ở vị trí thứ 4 toàn ngành. Tiếp ngay sau là Sacombank với số dư tiền gửi ghi nhận ở mức 533.358 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4,4%.

Ngân hàng ACB duy trì vị trí thứ 6 toàn ngành với tổng tiền gửi là 492.804 tỷ đồng trong quý đầu năm, tương ứng mức tăng 2,1%. 4 vị trí kế tiếp trong top 10 lần lượt thuộc về những nhà băng sau: Techcombank (458.040 tỷ đồng, so với cuối năm ngoái đã tăng 0,8%), VPBank (455.817 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 3%), SHB (444.297 tỷ đồng, tương ứng giảm 0,7%) và ngân hàng HDBank (378.789 tỷ đồng, tăng 2,2%).

Trong quý vừa qua, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất vẫn là những cái tên trong nhóm ngân hàng quốc doanh. (Ảnh minh họa)
Trong quý vừa qua, 3 ngân hàng hút tiền gửi mạnh nhất vẫn là những cái tên trong nhóm ngân hàng quốc doanh. (Ảnh minh họa)

Ngoài top 10 nói trên, một số ngân hàng thương mại khác cũng có lượng tiền gửi khách hàng tăng lên trong quý I/2024. Theo đó, lượng tiền gửi khách hàng tại ngân hàng SeABank đã tăng 6,6% và đạt 154.371 tỷ đồng; lượng tiền gửi khách hàng tại Nam A Bank đạt 151.160 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 3,9%; lượng tiền gửi khách hàng tại MSB đạt 137.823 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 4,1%; Nam A Bank đạt 798,1 tỷ đồng và tăng 31%; VietBank đạt 93.436 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 3,8%...

Theo ghi nhận của Báo Lao Động, các mốc lãi suất tiết kiệm trong tháng 4 và tháng 5/2024 của các ngân hàng đã tăng nhẹ khoảng 0,2-0,5% so với đầu năm ngoái. Đồng thời, mức lãi suất 6%/năm sau khi đã biến mất khỏi thị trường đầu năm nay cuối cùng đã quay trở lại. 

Mới ngày 20/5/2024, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thực hiện việc bình ổn lãi suất huy động, tiếp tục thực hiện những giải pháp tiết giảm chi phí và đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin cũng như chuyển đổi số vào quy trình cho vay, phấn đấu giảm 1-2%/năm lãi suất cho vay; đặc biệt là các động lực tăng trưởng truyền thống và các ngành mới nổi, chuyển đổi xanh cũng như kinh tế tuần hoàn, nhà ở xã hội…, mục đích hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện việc tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng đúng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024