ISSN-2815-5823
TƯ NGUYỄN
Thứ ba, 22h45 18/04/2023

Tìm giải pháp cho chính sách thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam

(KDPT) - Ngày 18/4, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam”.

Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu là một cải cách thuế tiến bộ, nhằm hạn chế thực trạng nhiều công ty lớn lập kế hoạch giảm thiểu thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế, hay hoạt động kinh doanh qua nền tảng số xuyên quốc gia mà không hiện diện vật lý. Đây là vấn đề mới, quan trọng, có nhiều vấn đề kỹ thuật cần làm rõ.

Việc Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam” nhằm làm rõ hơn việc thực thi “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu” trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia. Qua đó, đánh giá, dự kiến tác động đối với việc áp dụng tại Việt Nam; đồng thời đưa ra nhưng khuyến nghị, tìm ra giái pháp phù hợp, đảm bảo mang lại hiệu quả cao nhất, duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội thảo

Trên thực tế, nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế (Quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu), nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp hai trụ cột: phân bổ thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên kỹ thuật số; đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế (142/142 nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD - đã đồng thuận, trong đó có Việt Nam).

Đến nay, hầu hết các nước thuộc Liên minh châu Âu; các nước Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam, và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Toàn cảnh Hội thảo

Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung chính của quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu; thực trạng triển khai và định hướng áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu của một số quốc gia; phân tích, đánh giá các tác động khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu đối với kinh tế, đầu tư thế giới và Việt Nam; các biện pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam cũng như sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, sự phát triển của kinh tế số cùng toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời, đem lại những tiện ích mới cho khách hàng. Qua đó, cũng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. “Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD vào tháng 8/2022. Tháng 2/2023, Bộ Tài chính đã thành lập Nhóm giúp việc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD.

Theo Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, nếu Việt Nam không áp dụng “Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu”, thu ngân sách từ thuế thu nhập doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng. Ngược lại, Việt Nam sẽ có quyền đánh thuế bổ sung đối với những doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang được hưởng thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu 15%, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước. Trường hợp Việt Nam không thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung, thì phần thu được ưu đãi đó sẽ được các nước có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam thu về ngân sách của các nước đó.

Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu, cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế; công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư. “Các giải pháp hỗ trợ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể bao gồm việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản cho sản xuất, đầu tư hình thành tài sản cố định cho sản xuất công nghiệp, bảo vệ môi trường, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thân thiện môi trường...” - ông Đặng Ngọc Minh kiến nghị.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/12/2024