ISSN-2815-5823

Tín dụng “đông cứng”, mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay rất thách thức

(KDPT) - Với mức tăng chậm chạp trong những tháng đầu năm, giới chuyên gia cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-16% trong năm nay khá thách thức.

Tín dụng vẫn tăng thấp

Tính đến ngày 23/4/2024, dư nợ tín dụng tăng 1,6% so với cuối năm 2023. Trong khi cùng kỳ năm ngoái mức tăng là 2,66%.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), tín dụng có dấu hiệu đông cứng khi tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp.

Theo VEPR, do hiệu suất kinh doanh giảm, các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn, dẫn đến tín dụng ảm đạm. Đây là vấn đề đáng báo động, cần cấp bách giải quyết.

Tín dụng tăng trưởng chậm dù lãi suất ở mức rất thấp
Tín dụng tăng trưởng chậm dù lãi suất ở mức rất thấp

Gợi ý giải pháp cho vấn đề này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cho rằng, cần nhanh chóng thực hiện những biện pháp kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước một cách mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

“Nếu hoạt động của doanh nghiệp và đầu tư tư nhân ảm đạm, khả năng phục hồi của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí tác động tiêu cực đến các chỉ tiêu về năng suất cũng như sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Việt nói.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách

Ngoài ra, các chuyên gia của VEPR cũng nêu nghịch lý rằng trong khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ cho vay.

“Từ khi COVID-19 xảy ra, chính sách tiền tệ được nhanh chóng nới lỏng, lãi suất được hạ thấp nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho NIM (mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng”, VEPR nêu và đề nghị mổ xẻ sâu hơn vấn đề lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm chủ yếu do tính chất mùa vụ. Nhu cầu tín dụng sẽ tăng lại ở các quý sau khi vào mùa kinh doanh cao điểm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay lãi suất đang ở mức thấp.

“Tín dụng có thể sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhưng mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay có thể khó đạt. Lý do là kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu vốn của doanh nghiệp chưa cao vì họ chưa mặn mà vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, chưa cao; sức mua của thị trường vẫn đang rất yếu và người dân bị ảnh hưởng thu nhập nên họ cũng chưa sẵn sàng vay mua nhà”, ông Huân nêu.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Bình Dương) cho rằng trong khi Việt Nam giảm lãi suất, thì nhiều quốc gia trên thế giới lại tăng lãi suất nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô, tránh lạm phát.

“Việt Nam giảm lãi suất xuống mức cực kỳ thấp, nhưng tăng trưởng tín dụng lại thấp, thậm chí âm trong tháng đầu năm. Điều này cần được đánh giá kỹ lưỡng và nhanh chóng có phương án giải quyết vì ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông An nêu.

Kỳ vọng tín dụng cải thiện nửa cuối năm

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết huy động vẫn đang dồi dào nhưng cho vay vẫn còn khó khăn bởi vì cầu tín dụng đang thấp. Tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sử dụng các biện pháp để luôn tạo thanh khoản cho nền kinh tế và chắc chắn câu chuyện thiếu vốn tại thời điểm hiện nay cũng như thời gian tới là không có. Nếu như có dự án hiệu quả, đáp ứng được những điều kiện về tiêu chuẩn tín dụng tối thiểu thì chắc chắn sẽ được cung ứng đủ nguồn vốn.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà Nước cũng đang sử dụng các biện pháp về hạn mức tín dụng cho các Ngân hàng thương mại và đưa ra thông điệp với nền kinh tế là trong năm 2024, tín dụng tăng khoảng 15% và có thể tăng hơn nếu như nhu cầu nền kinh tế vẫn cần và chỉ số kinh tế vĩ mô cho phép.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Một trong những yếu tố quan trọng khác cũng tác động tới tín dụng đó là lãi suất. Về vấn đề này, Phó Thống đốc cho biết, hạ lãi suất đến thời điểm hiện nay có thể nói là thấp nhất trong nhiều chục năm qua. Lãi suất là một vấn đề quan trọng, nó là chỉ tiêu vĩ mô cực kỳ phức tạp và đòi hỏi điều hành phải hợp lý bởi còn quan hệ với các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tỷ giá.

"Ngân hàng Nhà nước đưa ra quan điểm chỉ đạo điều hành trên tinh thần hạ lãi suất nhưng phải phù hợp trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và vẫn phải kiểm soát được lạm phát, bởi nguy cơ áp lực lạm phát vẫn không phải là nhỏ. Chính vì vậy, lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hiện tại và trong thời gian tới chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng hay giảm mà duy trì mức lãi suất như hiện nay, nhưng vẫn khuyến khích và chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục cắt giảm những chi phí của mình để hạ được lãi suất cho vay”, ông Tú nói.

Ông Tú nhấn mạnh lãi suất có thể nói vẫn cố gắng duy trì bảo đảm mức lãi suất thấp như hiện nay nhưng phải luôn luôn đảm bảo hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá. Đấy là một trong những nguyên tắc điều hành vĩ mô, phải tính toán vì lợi ích chung.

Nhiều giải pháp
Nhiều giải pháp "kích cầu tín dụng"

Ngoài ra, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện đang hoàn thiện văn bản mới sửa lại Thông tư 02 về chính sách giãn, hoãn các khoản nợ, lãi đến hạn mà chưa trả được; đáng lẽ đến 30/6 kết thúc thì sẽ kéo dài đến hết năm nay; triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính nhằm tăng cường việc kết nối doanh nghiệp với ngân hàng…

Fiingroup cũng kỳ vọng sự phục hồi sẽ rõ ràng hơn vào cuối năm nhờ chính sách tiền tệ toàn cầu được nới lỏng; lãi suất thấp hơn, tăng trưởng xuất nhập khẩu mạnh mẽ hơn và nhu cầu tiêu dùng được cải thiện, góp phần vào triển vọng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023.

Nhấn mạnh về tín dụng, theo FiinGroup, tăng trưởng tín dụng được dự kiến sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2024, do nhu cầu tín dụng tăng từ các khu vực sản xuất xuất khẩu và tiêu dùng trong nước gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng một lần cho các ngân hàng thương mại vào đầu năm 2024, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng chủ động đẩy mạnh cho vay, tăng cường giải ngân. Các chính sách cơ cấu lại khoản vay theo Thông tư 02 đã được gia hạn đến cuối năm 2024, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng hơn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024