ISSN-2815-5823
AN PHONG
Thứ năm, 10h40 27/07/2023

Trách nhiệm và sự biết ơn sâu sắc

(KDPT) - Bẩy mươi sáu năm đã trôi qua, kể từ ngày Bác Hồ chỉ thị chọn ngày 27/7 là Ngày Thương binh - Liệt sỹ tại Đại Từ (Thái Nguyên). Nơi an toàn khu xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn năm ấy - 1947, hơn 300 cán bộ và nhân dân đã tổ chức mít tinh, nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận sự ra đời của một ngày lễ lớn – đó là ngày để các thế hệ hôm qua, hôm nay và tiếp mãi mai sau, phải luôn hiểu sâu sắc hơn sự tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ, thương bệnh binh, những người có công với cách mạng… đã không tiếc máu xương, hy sinh vì tự do cho tổ quốc - hạnh phúc cho nhân dân.
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta – trong suốt cuộc đời, Người luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, những việc làm thiết thực hàng ngày của Người đều đã lan tỏa trong cuộc sống, đi vào tâm trí người Việt các thế hệ. Như trong bài báo “Máu đào các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói” của tác giả Tâm Trang, có đoạn viết: “Sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đất nước bị giặc ngoại xâm, Người hiểu sâu sắc giá trị nhân văn về sự hy sinh của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh đối với đất nước và thấu hiểu sự mất mát của những gia đình có người thân nằm lại nơi chiến trường ác liệt và các thương binh, bệnh binh đã đóng góp một phần thân thể mình vì sự bình yên cho quê hương, hạnh phúc cho nhân dân. Người luôn dành sự quan tâm và tấm lòng tri ân đối với những người đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc”.

Năm ngoái Nhâm Dần, phát biểu tại cuộc gặp mặt người có công với cách mạng toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam và ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng. Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mới đây lại nêu rõ: "Tiếp tục cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công; bảo đảm chế độ ưu đãi người và gia đình người có công phù hợp với xu hướng tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội".

Nói đến chính sách chăm lo người có công, khiến chúng ta không khỏi “ôn cố tri tân”, nhớ lại lời kể của cha anh về thời kỳ gian khổ đầu năm 1947 - Sau gần 2 tháng hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ, nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đã ngã xuống không tiếc máu xương. Số người bị thương và hy sinh ngày càng tăng; thương binh, liệt sỹ trở thành vấn đề đặc biệt quan tâm. Và ngày 16/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20/SL chính thức đặt chế độ “lương hưu thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Có thể nói, đó là một trong những chính sách đầu tiên thời kỳ cách mạng của đất nước, để nhân dân ta dù trải qua bao thăng trầm biến cố, và có đi qua bao thế kỷ trường tồn, thì vẫn luôn tỏ lòng biết ơn, yêu mến thương binh.

Bác Hồ thường nói: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng, liệt sỹ của Đảng ta, của dân ta". Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng đã nhắc nhở chúng ta, những người đang sống trong cảnh đất nước hoà bình phải luôn ghi nhớ công ơn to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sỹ, phải thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, bởi “máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”.

Hãy giữ vững hòa bình, giữ trường tồn, bất khuất, ấy là vị thế đất nước, ấy là ý nguyện của “những người con trung hiếu” xả thân vì dân tộc, chúng ta ghi nhớ, thấu hiểu đạo lý này, và trong mấy chục năm qua, Chính phủ - đồng bào vừa báo đáp vừa làm các nhiệm vụ thực thi cho xứng đáng, cho xứng tầm vóc. Cắt nghĩa về báo đáp, Bác Hồ viết: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ, để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã để lại”. Tư tưởng ấy trở thành hành động hàng ngày từ chính bản thân Người – Người là tấm gương tiêu biểu nhất làm nên hình ảnh sáng ngời của Đảng, Chính phủ và đồng bào ta bằng các chính sách thiết thực, để người có công có nơi ăn chốn ở yên ổn, mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Thấm nhuần tư tưởng cao cả, đầy tính nhân văn của Bác, trong nhiều thập kỷ qua công tác đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta được lan tỏa rộng khắp, với những việc làm thiết thực nhằm chia sẻ với những gia đình thương binh liệt sỹ, những người có công với các mạng. Đó là chân lý của một dân tộc chính nghĩa, đó là đạo làm người, như trong một bài viết của tác giả Cao Thị Thanh Thảo, đã nêu rõ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn” là một trong những giáo lý nhân văn quan trọng và tối thiểu cần thiết mà ông cha ta đã để lại cho con cháu ngày nay, những hệ thống truyền thống tốt đẹp đã ăn sâu vào tiềm thức. Trong tiềm thức của mỗi người, trở thành một trong những bài học đầu tiên trên đường đời được người Việt ghi nhớ và không ngừng phát huy trong đời sống đồng thời không quên răn dạy con cháu, thế mới là trọn đạo làm người”.

Kế thừa truyền thống tốt đẹp đó, trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, sự hưởng ứng của các bộ, ngành, đoàn thể và nhân dân cả nước, từ trung ương đến địa phương, thành thị đến nông thôn và miền núi, hải đảo xa xôi… khắp nơi nơi đều thực hiện sâu rộng với các chương trình: Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, số tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Những phong trào đó đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất tinh thần đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công. Từ năm 2020, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”đã tiếp nhận được sự ủng hộ hơn 472 tỷ đồng, xây mới hơn 6.100 căn nhà, sửa chữa gần 3.000 căn nhà với tổng số tiền gần 272 tỷ đồng; cả nước có 4.183 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các đơn vị, tổ chức nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đã hỗ trợ 393.707 hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí là 10.654 tỷ đồng, tặng 61.654 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 104 tỷ đồng. Đồng thời đã xóa trên 16.000 hộ người có công thuộc diện nghèo.

Để có được tâm thế Việt Nam hôm nay, là cả dân tộc đã đi qua những cuộc trường chinh khói lửa vĩ đại. Từ trong hào hùng, gian khổ, với sự hi sinh của bao anh hùng liệt sỹ, thương binh, thanh niên xung phong...; sự mất mát lớn lao của bao gia đình, bao bà mẹ “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”..., đã làm nên sức mạnh vô biên cho bản lĩnh Lạc Hồng, cho lòng tự tôn, bất khuất của con người và Tổ quốc Việt Nam.

Đến nay, cả nước ta có hơn 9,2 triệu người có công, bao gồm các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ,... được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp, Đảng và Nhà nước ta còn chăm lo người có công bằng các chính sách cụ thể, như chăm sóc sức khỏe, ưu tiên giao đất sản xuất, hỗ trợ cải thiện về nhà ở, đất ở, các chương trình dạy nghề, tạo việc làm; thực hiện chính sách về giáo dục, đào tạo; mở rộng hệ thống cơ sở dịch vụ và sự nghiệp phục vụ thương binh; đẩy mạnh tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ; xây dựng và tu bổ, tôn tạo hàng nghìn nghĩa trang liệt sỹ...

Những việc làm đầy trách nhiệm, tình nghĩa đó đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, một phần rất lớn, rất quan trọng là chúng ta có gìn giữ và phát huy được hay không những giá trị và truyền thống tốt đẹp của Dân tộc, những nếp sống văn hóa, đạo đức "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", "Chị ngã em nâng", "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều", "Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ",... Mong các đồng chí hãy ghi nhớ và thấm nhuần thật sâu sắc điều đó”.

Việt Nam hôm nay đang có những bước phát triển rạng rỡ, những trái ngọt hạnh phúc đã và đang đến với mỗi người dân, như lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Với tất cả sự khiêm tốn chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lục, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Để có được tâm thế Việt Nam như hôm nay là cả một hành trình hi sinh của bao anh hùng liệt sỹ, những thương binh, những thanh niên xung phong và nhiều sự mất mát lớn lao của bao gia đình, của bao bà mẹ Việt Nam “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, những sự hi sinh đó chính là sức mạnh vô biên làm nên bản lĩnh Lạc Hồng, lòng tự tôn dân tộc trong suốt công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam yêu dấu.

Ngày 2/9/1955, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh tư liệu)

Tháng 7 - tháng cả nước tri ân và chúng ta cùng nhìn lại công tác đền ơn đáp nghĩa 76 năm qua, để cùng phát huy những giá trị cao đẹp của cha ông, của dân tộc. Bởi, không chỉ những ngày này, dịp này chúng ta mới có những hành động thiết thực, mà trách nhiệm và sự tri ân đó là xuyên suốt trong từng ngày, thấm nhuần trong từng suy nghĩ, từng việc làm, đó là đạo lý, truyền thống không bao giờ phai mờ trong mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mai sau.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024