ISSN-2815-5823
Thứ ba, 04h13 01/02/2022

Trăn trở vượt khó trước thềm Xuân

(KDPT) – Một năm mà kinh tế Việt Nam phải chấp nhận những thách thức, khó khăn chưa có tiền lệ chính thức khép lại. Bức tranh kinh tế đó sẽ có những màu sắc gì và gam màu sáng sẽ được điểm tô trong năm 2022 ra sao? Chúng tôi đã mang những trăn trở đó đến với Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.

Bước vào những ngày đầu của năm 2022, ông có cảm xúc gì khi một năm mới đã về, cũng là lúc chúng ta chia tay một năm cũ với bao khắc khoải?

T.S Võ Trí Thành.

Xúc cảm một chút. Ngay tại thời điểm này, những ngày chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, nhìn lại hành trình có thể nói là đầy biến cố, những khó khăn chưa từng có với kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, người lao động Việt Nam. Chúng ta phải đối mặt với những mất mát, hy sinh, kinh tế Việt Nam phải chịu tác động nghiêm trọng của đợt dịch lần thứ tư, và 2021 là năm thể hiện rõ nhất những điều này.

Nhìn vào những con số, tôi có phần tiếc nuối cho chính chúng ta, dẫu biết rằng thời gian không thể quay ngược trở lại. Giá như chúng ta dám chấp nhận rủi ro, các chương trình hỗ trợ được triển khai nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, đã có thể sớm thích ứng, sống chung an toàn với dịch bệnh, những khó khăn sẽ vơi đi, những nỗi đau sẽ không lớn như những gì ta đã chứng kiến.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn có những bước đi hiệu quả, tích cực. Covid-19 cũng như chất xúc tác cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ số, đô thị hoá và cách mạng tiêu dùng: Xanh, an toàn, nhân văn, cá tính, những điều chưa thực sự thể hiện rõ trước đây. Việt Nam là một trong những quốc gia đạt thành tựu về ngoại giao vắc-xin rất tốt, tốc độ tiêm phủ nhanh và rộng. Nghị quyết 128 của Chính phủ dù chưa hoàn hảo, nhưng là chuyển hướng mạnh mẽ của Việt Nam, là bước ngoặt chống dịch phù hợp.

Năm nay, chúng ta vẫn đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để “dọn tổ đón đại bàng”. Ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

Năm 2021, dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới tuy giảm mạnh, nhưng số vốn đăng ký vào Việt Nam tiếp tục tăng, tập trung vào dự án quy mô lớn, chất lượng. Thống kê cho thấy trên cả nước dự án FDI được cấp mới giảm hơn 31% về số dự án so với năm 2020, nhưng số vốn đăng ký của các dự án mới lại tăng trên 4%. Điều này cho thấy, các dự án quy mô lớn, chất lượng đang dần thay thế các dự án nhỏ. Đáng chú ý dòng vốn hướng vào chất lượng hơn là số lượng. Quy mô vốn đầu tư bình quân 1 dự án khoảng 9 triệu USD, cao gần gấp đôi so với năm trước.

Vậy ông có chia sẻ gì với các doanh nghiệp trong cách tiếp cận “đại bàng”?

Về trung và dài hạn, các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Điều này cũng cho thấy, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, cái cách cơ chế, bởi Việt Nam được ví như điểm kết nối trong bối cảnh hội nhập này.

Còn về trước mắt, chúng ta phải nỗ lực thêm nhiều nữa để thay đổi và học cách “chơi với người lớn”. Giống như các cô gái tìm người tình, bên cạnh việc nâng cấp và chăm chút bản thân, thỏa mãn điều kiện nhưng vẫn đảm bảo lợi ích, giá trị cốt lõi của mình. Với nền kinh tế cũng vậy, chúng ta học cách dám chơi, dám chịu trách nhiệm, cần bằng, đón đầu, lan tỏa nhưng phải đảm bảo chủ quyền, bảo vệ môi trường, an ninh chính trị.

Tiếp tục nhìn về phía trước, ông có những đánh giá khả quan ra sao về bức tranh kinh tế Việt Nam?

Tự thân mỗi người đều đang phát huy rất tốt truyền thống dân tộc, đó là tinh thần lạc quan, tương thân tương ái, điều này thể hiện rất rõ qua những ATM gạo, ATM khẩu trang, ATM ô-xy,…. Bên cạnh đó là sự tương trợ lẫn nhau của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng, sản xuất, một tín hiệu rất khả quan, dần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Kinh tế thế giới 2021 đã phục hồi dù chưa nhiều, nhưng với nền kinh tế mở và hội nhập như Việt Nam, chắc chắn sẽ tiếp nối được đà tăng trưởng, đặc biệt là các ngành chịu thiệt hại nặng nề như: du lịch, hàng không, giải trí,…

Từ trải nghiệm sau 2 năm ứng phó với dịch, chúng ta đã triển khai các gói hỗ trợ về an sinh xã hội, tiền tệ, giãn khoanh nợ, chính sách tài khóa, giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp… rất kịp thời, tuy nhiên quy mô còn quá nhỏ. Do đó, cần các chính sách đủ mới, với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài và cách làm đủ quyết liệt, góp phần giúp Việt Nam đạt kỳ vọng về phục hồi và phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo.

Một tín hiệu tích cực khác, các doanh nghiệp Việt có khả năng thích ứng và vận dụng các phương pháp để chuyển đổi cơ cấu, phương thức kinh doanh và chuyển đổi số mạnh mẽ,…

Ông có tâm sự gì muốn bộc bạch khi mùa xuân về?

Trước thềm Xuân mới, bước sang một năm mới với những khả quan, hy vọng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt, cùng toàn thể chúng ta sẽ kiên cường hơn, táo bạo hơn, khôn khéo hơn, tốc độ hơn, để vượt khó, gặt hái thêm nhiều thành công mới, thắng lợi mới trên hành trình kiến thiết nước nhà.

Box: Trước mắt, chúng ta phải nỗ lực thêm nhiều nữa để thay đổi và học cách “chơi với người lớn”. Giống như các cô gái tìm người tình, bên cạnh việc nâng cấp và chăm chút bản thân, thỏa mãn điều kiện nhưng vẫn đảm bảo lợi ích, giá trị cốt lõi của mình. Với nền kinh tế cũng vậy, chúng ta học cách dám chơi, dám chịu trách nhiệm, cân bằng, đón đầu, lan tỏa nhưng phải đảm bảo chủ quyền, bảo vệ môi trường, an ninh chính trị.

MAI PHƯƠNG (Thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024