ISSN-2815-5823
Thứ năm, 02h08 03/03/2022

Triển vọng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam

(KDPT) – Các quỹ đầu tư nước ngoài đều nhận định, năm 2022 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 7,5%. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên nếu đà tăng trưởng này nhanh hơn nhờ các yếu tố trong nước, ví dụ như gói kích cầu tài chính trị giá 15 tỷ USD của Chính phủ, tiêu dùng nội địa hay sự tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do.

Kiểm soát tốt dịch bệnh, TPHCM đang đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội

Tiêu dùng nội địa đã khá trầm lắng trong thời gian qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lĩnh vực này chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế của Việt Nam. Do đó, cùng với các dấu hiệu phục hồi, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng là “bệ phóng” giúp tăng trưởng đạt kỳ vọng trong năm 2022. Thuế giá trị gia tăng giảm từ 10% xuống 8% sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng trong nước thời gian tới.

Theo ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, tiêu dùng hộ gia đình của Việt Nam sẽ phục hồi từ mức giảm 6% vào năm 2021 lên mức tăng 5% vào năm 2022, vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 8-9% trước đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tiêu dùng trong nước sẽ được thúc đẩy bởi sự phục hồi của du lịch nước ngoài, chiếm khoảng 8% GDP trước đại dịch.

Ông Michael Kokalari cũng cho rằng, hoạt động xây dựng sẽ tăng trưởng tốt, từ mức 0,6% của năm 2021 lên 10% trong năm 2022 sẽ là tiền đề để phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó, theo nhận định, lĩnh vực sản xuất cũng đóng vai trò quan trọng vào tiến trình hồi phục nền kinh tế. Dự báo ngành sản xuất sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2022.

Triển vọng phát triển dài hạn của lĩnh vực sản xuất vẫn rất mạnh mẽ và tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng vốn FDI. Thực tế, Việt Nam vẫn là điểm đến của dòng vốn FDI trong 2 năm đại dịch. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trong khi FDI của Việt Nam giảm 3% trong 2 năm qua, thì vốn FDI giảm hơn 40% trên toàn cầu chỉ tính riêng năm 2020.

Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về cơ bản loại bỏ rủi ro Mỹ sẽ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Điều này cùng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc của Việt Nam có thể sẽ thu hút dòng vốn FDI mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cùng với những thông tin tích cực về nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài cũng không quá lo lắng về lạm phát. Mặc dù tỷ lệ này đang tăng vọt ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, với mức trên 7%, nhưng lạm phát chưa được ghi nhận tại hầu hết các quốc gia đang phát triển ở châu Á, trong đó có Việt Nam. “Đây là tín hiệu rất tích cực”, ông Michael Kokalari nhấn mạnh.

Các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới cũng là một động lực góp vào sự tăng trưởng trong năm 2022. Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo rằng, Việt Nam có khả năng đạt mức tăng thu nhập và thương mại cao nhất trong số các thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Theo WB, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, RCEP có thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực của Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế bằng cách hỗ trợ thương mại khu vực và chuỗi giá trị.

Các Hiệp định thương mại là một trong những động lực để kinh tế Việt Nam phục hồi trong thời gian tới. Ảnh minh họa.

Với việc thực hiện RCEP, khi quy tắc xuất xứ và năng suất được đưa lên hàng đầu của việc cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, thu nhập thực tế tăng nhanh hơn, với mức tăng 123,1% trong giai đoạn 2020-2035.

Lợi ích của việc thực hiện các biện pháp này cũng được phản ánh trong thương mại, với mức tăng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 182,5% và 155,5% so với cùng kỳ.

Trong kịch bản chỉ thực hiện cắt giảm thuế quan, tác động đến nền kinh tế Việt Nam là không đáng kể, với thu nhập thực tế gần bằng không.

Năm 2022 sẽ rất quan trọng đối với Việt Nam vì đất nước có thể sẽ phục hồi trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch sau các đợt đóng cửa nghiêm ngặt và ngừng sản xuất. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề trong năm ngoái cũng đang mong muốn tăng cường thương mại và doanh thu vì họ tìm cách hạn chế thua lỗ so với năm ngoái.

Do đó, các FTA sẽ đóng một vai trò ngày càng tăng trong tăng trưởng kinh tế của đất nước khi các doanh nghiệp đang tìm cách phục hồi. Chính phủ quan tâm đến việc thúc đẩy các FTA và đã vạch ra các bước để giúp các doanh nghiệp tận dụng các hiệp định đó.

Các nhà đầu tư đã sẵn sàng mở rộng phạm vi kinh doanh. Chính phủ Việt Nam nhận ra triển vọng này và đã đưa ra các chính sách thân thiện nhằm thu hút đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Trong khi các biến thể Covid-19 có thể xuất hiện, tỉ lệ tiêm chủng cao của Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp mở cửa.

Cơ hội tiếp theo là Việt Nam đã có một gói hỗ trợ phục hồi và phát triển. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cộng đồng doanh nghiệp đặt kỳ vọng chương trình phục hồi gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong năm 2022 – 2023 đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và có hiệu quả.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là gói hỗ trợ lớn và rất thiết thực, nhưng cơ hội vẫn chỉ là cơ hội nếu gói hỗ trợ vừa mới ban hành không thực hiện một cách có hiệu quả, hoặc chậm trễ. Chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và triển khai càng sớm càng tốt trên các lĩnh vực, từ phục hồi lao động cho đến kích thích bằng hỗ trợ lãi suất, thuế cho doanh nghiệp…

Nhìn nhận về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả và mạnh mẽ, đồng thời quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. “Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; nền kinh tế vĩ mô ổn định; thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra; xuất, nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn. Thêm vào đó, chúng ta có quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Năm 2022, tin tưởng nền kinh tế có sự phục hồi ở sự thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ.

Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đối mặt với những rủi ro nhất định. Đó là sự phục hồi có thể bị đe dọa bởi những đợt bùng phát dịch Covid-19. Áp lực lạm phát gia tăng khi thực hiện các gói phục hồi và giá xăng dầu và các mặt hàng nguyên nhiên liệu sản xuất tăng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới phục hồi và chiến sự leo thang tại Nga – Ukraine. Ngoài ra, quan điểm thận trọng với khu vực tài chính nên được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng có khả năng tác động đến chất lượng danh mục của ngân hàng và có thể có tác động lan tỏa từ việc tăng lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ thực hiện…

Dù vậy, các tổ chức quốc tế nhận định, cơ hội mà nền kinh tế đón nhận trong năm 2022 vẫn sẽ lấn át các yếu tố rủi ro do Việt Nam đã có các kịch bản ứng phó trong điều hành. Đó là việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và chuẩn bị các phương án y tế dự phòng dù Việt Nam là quốc gia đi sau; các gói phục hồi sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ để dòng tiền đi đúng hướng tránh được “vết xe đổ” từng xảy ra trong quá khứ và tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công…

Bước sang năm 2022, với gói hỗ trợ mới, với kinh nghiệm đã có, những nguồn lực dồi dào… việc đạt mục tiêu tăng trưởng là hoàn toàn khả thi, thậm chí có thể cao hơn nữa.

MINH THÀNH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/05/2024