TS.Cấn Văn Lực: Thời điểm phù hợp để cắt giảm thuế thu nhập với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Trao đổi với Báo Đầu tư Online – Baodautu.vn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh khá tốt, chúng ta không chủ quan, song cũng cần hết sức bình tĩnh. Đồng thời, chưa nên xem xét điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020.
Theo chuyên gia này, chính sách tiền tệ, về cơ bản chưa nên xem xét giảm lãi suất cũng như đưa ra bất kỳ gói kích thích kinh tế nào cả. Có ba lý do để chưa giảm lãi suất hay bơm gói kích thích.
Thứ nhất, áp lực lạm phát hiện nay tương đối cao. Thứ hai, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế tương đối thấp. Thứ ba, quy mô tín dụng và tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam đang ở mức khá cao so với mức độ phát triển của nền kinh tế.
Đương nhiên, các tổ chức tín dụng và chính sách tiền tệ vẫn phải tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ tối đa về nhu cầu thanh khoản, dòng tiền. Những chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN về miễn, giảm phí, giảm lãi suất, giãn nợ, cơ cấu lại nợ… với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh… là đã phù hợp.
Dĩ nhiên, thời gian tới, NHNN cần ban hành hướng dẫn cụ thể hơn về tiêu chí các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ để tạo điều kiện cho ngân hàng thương mại thuận lợi triển khai. Trong bối cảnh hiện nay, phải tiếp tục kiên định mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô và phối hợp chính sách để kiểm soát tốt lạm phát.
“Bây giờ là lúc tập trung nhiều hơn về chính sách tài khóa chứ không phải về tiền tệ. Theo đó, Chính phủ nên xem xét giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế và nộp bảo hiểm xã hội. Chính phủ cũng cần sớm trình Quốc hội phương án giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ năm 2018 đã cho phép hỗ trợ doanh nghiệp về thuế song chúng ta triển khai khá chậm, đây là thời điểm thích hợp để trình Quốc hội áp dụng”, ông Lực đề nghị.
Cũng theo chuyên gia này, cần đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư các dự án lớn, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do để tăng xuất khẩu và việc làm, bù đắp các thiệt hại do dịch bệnh. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí không chính thức.
Một trong những biện pháp hết sức quan trọng nữa là hết sức chú trọng công tác truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác và quan tâm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phòng chống dịch bệnh, đảm bảo dịch bệnh không lây lan nhưng cũng không quá co cụm làm sản xuất đình trệ, để người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn.
Theo Báo Đầu tư