PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà

Vì sao Đảng soạn thảo bản Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943?

Có mấy lý do trả lời cho câu hỏi trên.

Thứ nhất, Đảng quan niệm văn hóa có phạm vi rất rộng, bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; mặt trận văn hóa là một trong nhiều mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự…) mà người cộng sản phải tham gia hoạt động; có hiểu biết về văn hóa thì mới lãnh đạo được phong trào văn hóa, mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả.

Thứ hai, do Việt Nam đang bị thực dân Pháp, phát xít Nhật câu kết với nhau thống trị bằng các thủ đoạn như: tổ chức ra các cơ quan, tổ chức văn hóa phục vụ sự nô dịch của chúng; đàn áp các nhà văn hóa cách mạng; kiểm duyệt gắt gao các ấn phẩm văn hóa; du nhập, truyền bá văn hóa ngoại lai, thực dụng của phương Tây; áp đặt nền văn hóa, giáo dục ngu dân… Những chính sách đó đang làm cho văn hóa dân tộc có nguy cơ bị xóa bỏ, phủ nhận.

Thứ ba, Đảng nhận thức rất rõ và sâu sắc rằng Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc dân tộc, sự tồn tại của dân tộc trước các cuộc xâm lược của ngoại bang đã chứng tỏ sức sống mãnh liệt của nền văn hóa và tính cố kết, ứng xử cộng đồng, truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc. Đây chính là cội nguồn của tinh thần dân tộc và chiều sâu của nền văn hóa Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã dựng xây, bồi đắp, là nguyên nhân sâu xa và cở sở vững vàng để chiến thắng kẻ thù, mà Đảng cần phải nắm lấy và phát huy trong lãnh đạo cuộc vận động giải phóng dân tộc...

Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.
Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Quan điểm, nguyên tắc và tính chất văn hóa cách mạng Việt Nam trong bản Đề cương văn hóa

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng CSĐD lần thứ tám (5/1941) nhấn mạnh: Sau khi giành được độc lập dân tộc “Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ được tự do phát triển tồn tại và được bảo đảm”. Trong khi lãnh đạo toàn dân xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và căn cứ địa đứng chân vững chắc, rộng lớn, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến, về lĩnh vực văn hóa, Đảng xác định quan điểm, văn hóa là một mặt trận quan trọng, cần phải đề ra chủ trương, đường lối rõ ràng, cụ thể để tập hợp, phát huy sức mạnh của văn hóa vào sự nghiệp cách mạng. Cách mạng văn hóa Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển vì đó sẽ là cơ sở đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ, có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập, xây dựng nên một nền văn hóa mới. Một nội dung hoàn toàn mới trong quan điểm của Đảng là lần đầu tiên Đảng khẳng định: Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Việt Nam phải thực hiện sau khi giành được độc lập sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Từ những quan điểm cơ bản đó, trong khi đang tiến hành đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng xác định nhiệm vụ lãnh đạo xây dựng văn hóa cách mạng theo ba nguyên tắc: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa để làm cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa lạ, xa rời quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Để thực hiện thắng lợi ba nguyên tắc đó, cần phải tập trung chống lại những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm… đồng thời chống lại văn hóa cực đoan của nhóm tờrốtkít. Tính chất của nền văn hóa mới Việt Nam do Đảng lãnh đạo là một nền văn hóa có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung, sẽ là nền văn hóa cách mạng nhất và tiến bộ nhất lúc này. Để có thể xây dựng nền văn hóa cách mạng, bản Đề cương đã nêu lên các nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mácxít để chống lại văn hóa thực dân, phát xít, phong kiến mang tính chất nô dịch, ngu dân, lừa bịp như đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, giành phần thắng cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; đấu tranh với các trường phái văn hóa phi mácxít, bảo vệ xu hướng văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa; đấu tranh về tiếng nói, chữ viết… tận dụng tất cả khả năng, phương pháp đấu tranh bí mật và công khai để tuyên truyền, xuất bản các ấn phẩm văn hóa nhằm phát huy văn hóa dân chủ mới ở Việt Nam.

Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ nhiều yếu tố.
Nền văn hóa Việt Nam được kết tinh từ nhiều yếu tố.

Nhiệm vụ của văn hóa Việt Nam trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc

Sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, nền độc lập của dân tộc mới giành lại được lại bị xâm phạm bởi cuộc tái xâm lược của thực dân Pháp. Tình thế cách mạng Việt Nam lúc này, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đang phải đương đầu và giải quyết các khó khăn to lớn về chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại và sự chống phá quyết liệt của thù trong, giặc ngoài để bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, xác định rõ hai nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam lúc này là kháng chiến chống xâm lược ở miền Nam và kiến quốc (xây dựng chế độ mới về mọi mặt, hoàn thiện thể chế nhà nước dân chủ nhân dân) ở miền Bắc, chuẩn bị thực lực để đối phó với nguy cơ chiến tranh lan rộng ra cả nước.

Cùng với công cuộc kiến quốc, tìm mọi cách đẩy lùi nguy cơ chiến tranh lan rộng, Đảng luôn quan tâm đến sự nghiệp văn hóa giáo dục, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước dân chủ nhân dân. Ngày 16/11/1946, Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh viết thư gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo về nhiệm vụ của văn hóa Việt Nam trong công cuộc cứu nước và xây dựng nước, chuẩn bị cho Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất sẽ tổ chức ngày 24/11/1946. Trong thư, đồng chí Trường Chinh thẳng thắn nêu lên những thiếu sót trong chương trình nghị sự của Hội nghị như: Các báo cáo và thuyết trình thì cao xa, ít thiết thực; Thiếu một bản thuyết trình về nhiệm vụ văn hóa trong công cuộc cứu quốc và kiến quốc; Thiếu một bản báo cáo về công cuộc vận động đời sống mới; Không có một chương trình hành động của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn trước mắt.

Văn hóa - điều kiện quan trọng để phát triển bền vững (27/10/2021)
Văn hóa - điều kiện quan trọng để phát triển bền vững.

Sau khi nêu rõ thực trạng của công tác chuẩn bị Hội nghị văn hóa toàn quốc, đồng chí Tổng Bí thư đã báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh dàn bài của bản thuyết trình tại hội nghị, trong đó nêu lên mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc; nhấn mạnh thái độ của các nhà văn hóa Việt Nam lúc này là cần phải tích cực tham gia mặt trận dân tộc, giành thống nhất và độc lập cho Tổ quốc, phải đem hết năng lực ra cứu ngước và xây dựng đất nước. Lập trường của các nhà văn hóa Việt Nam phải là dân tộcdân chủ, có nghĩa là yêu nướctiến bộ. Tuy nhiên, ba nguyên tắc, đồng thời cũng là ba khẩu hiệu căn bản của văn hóa Viết Nam trong giai đoạn này vẫn là: dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây là ba mục tiêu rộng lớn của văn hóa Việt Nam, còn vào thời điểm khi mà tình hình căng thẳng đang leo thang ở miền Bắc, chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp có thể nổ ra, thì tất cả các nhà văn hóa Việt Nam, không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo, cần phải đứng trên lập trường chung là dân tộc và dân chủ để phụng sự Tổ quốc.

Đồng chí Trường Chinh xác định nhiệm vụ cụ thể của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh lúc đó là:

1- Động viên tinh thần đoàn kết và yêu nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. 2- Phát triển những cái hay, cái đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc, đồng thời bài trừ những cái xấu, lạc hậu, hủ bại. 3- Ngăn ngừa sự xâm nhập và tấn công của văn hóa phản động, văn hóa thực dân, đồng thời học những cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới. 4- Kiến thiết một nền văn hóa mới cho Việt Nam với các nội dung chủ yếu là giáo dục nhân dân; gây đời sống mới; phát triển tư tưởng khao học và học thuật tiến bộ; phát triển văn nghệ đại chúng.

Để thực hiện được các nhiệm vụ đó, Đảng cần phải lãnh đạo, động viên và thống nhất mọi lực lượng văn hóa Việt Nam, tập hợp thành mặt trận thống nhất văn hóa trên nền tảng dân tộc và dân chủ. Mặt trận văn hóa Việt Nam phải trở thành một bộ phận khăng khít của Mặt trận dân tộc thống nhất giành độc lập, vì văn hóa không thể biệt lập với chính trị. Trên đây là quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa cách mạng được đồng chí Tổng Bí thư nêu lên tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946).

Tuy nhiên, chỉ chưa đầy một tháng sau, Đảng Cộng sản Đông Dương đã buộc phải phát động toàn quốc đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), nhấn mạnh: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta phải đứng lên”. Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thể hiện nguyện vọng muốn được sống trong hòa bình vừa thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu của cả một dân tộc vì độc lập, tự do.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã sớm đề ra đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính”, huy động sức mạnh của toàn dân, sức mạnh tổng hợp của tất cả các mặt đấu tranh, trong đó có văn hóa. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương, đồng thời cũng là khẩu hiệu hành động: “Kháng chiến hóa văn hóa” và “Văn hóa hóa kháng chiến”. Chủ trương nêu trên nhấn mạnh văn hóa là một mặt trận quan trọng góp phần vào cuộc kháng chiến toàn diện về quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, tư tưởng để đánh thắng kẻ thù. Để thực hiện Kháng chiến hóa văn hóa, cần phải tập trung xây dựng nền văn hóa kháng chiến, làm cho mọi người dân yêu nước, đặc biệt là những người làm công tác văn hóa cách mạng hiểu được mục tiêu, ý nghĩa của cuộc kháng chiến, thông suốt được tư tưởng, kháng chiến vừa để bảo vệ nền độc lập đồng thời bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc kể cả trong hoàn cảnh chiến tranh; để có thể huy động toàn dân tham gia kháng chiến. Để thực hiện Văn hóa hóa kháng chiến, cần phải huy động và phát huy tính tích cực, lợi thế của văn hóa vào cuộc kháng chiến; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi người dân thêm hiểu biết và tự hào về tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, truyền thống lịch sử chống ngoại xâm, truyền thống văn hóa sâu sắc của dân tộc, biến văn hóa thành thứ vũ khí lợi hại về tinh thần, tư tưởng trong cuộc chiến đấu. Mỗi người làm công tác văn hóa phải là một chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, giáo dục, nghệ thuật. Những kiến thức, các tác phẩm thơ ca nhạc họa, văn xuôi, kịch nói…của họ đã góp phần quan trọng cổ vũ, động viên tinh thần kháng chiến, vun đắp, củng cố lòng tin cho mỗi người dân, mỗi chiến sĩ đang chiến đấu ngoài mặt trận về tính chính nghĩa của cuộc chiến đấu, vào thắng lợi cuối cùng.

Chủ trương Kháng chiến hóa văn hóa, Văn hóa hóa kháng chiến là một chủ trương đúng đắn, rất đặc biệt, mang lại hiệu quả cao. Đại đa số nhân dân có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và một bộ phận đông đảo các nhà văn hóa, giáo dục, các văn nghệ sĩ đã nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không quản ngại gian khổ, hy sinh, hăm hở, hăng hái tham gia kháng chiến, đem hết sức lực và tài năng của mình vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc để bảo vệ nền độc lập, tự do, đồng thời cũng là bảo vệ, bảo tồn và phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc- một nhận tố không thể thiếu góp phần làm nên chiến thắng.

Những biểu tượng kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị của mỗi quốc gia có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi công dân_Ảnh: Tư liệu
Những biểu tượng kết tinh giá trị văn hóa, lịch sử, chính trị của mỗi quốc gia có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng, là niềm tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi công dân

Ý nghĩa lịch sử của bản Đề cương văn hóa

Bản Đề cương về văn hóa Việt Nam với ba nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng được ban hành khi Đảng đang lãnh đạo nhân dân đấu trang giành độc lập dân tộc với nhiều gian khổ, hy sinh tổn thất, mang rất nhiều ý nghĩa. Một là, thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng nhất định giành được thắng lợi. Nhiều người đặt câu hỏi vì sao trong khi đang tập trung lãnh đạonhiệm vụ giành độc lập dân tộc, Đảng lại đưa ra bản Đề cương văn hóa?. Thực tiễn đã cho thấy tầm nhìn xa, trông rộng của Đảng khi Đảng nhận thức rõ sự cần thiết phải kết hợp các lĩnh vực đấu tranh để tạo nên sức mạnh tổng hợp mới có thể giành được thắng lợi, không chỉ trong đấu tranh giành độc lập mà còn trong tiến hành kháng chiến chống xâm lược, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Đảng đã nhận thấy vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng và sức mạnh của văn hóa, đó là chỗ dựa về tư tưởng, tinh thần cho mỗi người dân, nhất là những người làm văn hóa, nghệ thuật, đi theo Đảng làm cách mạng. Hai là, Đảng đã đúc kết, khái quát bản sắc, truyền thống văn hóa của Việt Nam thành các nguyên tắc vừa mang tính phổ quát của nhân loại nhưng vừa thể hiện rõ nét riêng của văn hóa dân tộc. Ba là, đó là một nền văn hóa đậm đà bản sắc (dân tộc), mang tính phổ cập, phổ biến (đại chúng) và luôn tìm cách đấu tranh loại bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, bảo thủ, phản động, luôn hướng đến cái mới, dân chủ, tiến bộ, dễ học, dễ nắm bắt và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đó chính là một nền văn hóa có tính (khoa học) cao.

Ba nguyên tắc này, cùng với nhiệm vụ dân tộc, dân chủ và chủ trương – khẩu hiệu Kháng chiến hóa văn hóa, Văn hóa hóa kháng chiến đã được từng bước quán triệt, thực hiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945), thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1954), cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1975) và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới (từ 1986 đến nay), đưa đất nước tiến lên theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn.