Khách nước ngoài thích thú khi chụp ảnh trên đỉnh Fansipan (Sapa, Lào Cai). Ảnh: T.Hà
Khách nước ngoài thích thú khi chụp ảnh trên đỉnh Fansipan (Sapa, Lào Cai). (Ảnh: T.Hà)

Các ứng dụng công nghệ ngày càng đa dạng và đổi mới liên tục

Ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã xây dựng các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như: ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; hệ thống cơ sở thẻ và vé điện tử; thẻ du lịch thông minh; hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide); truyền thông trên nền tảng mạng xã hội…

Các ứng dụng này có thể đưa ra khuyến cáo du khách về điểm đến an toàn, cơ sở cung cấp dịch vụ an toàn và cập nhật các thông tin, hoạt động của ngành du lịch. Những tiện ích trên các ứng dụng đã hỗ trợ kết nối du khách, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước trên nền tảng chung.

Hà Nội đẩy mạnh khai thác ứng dụng số trong hoạt động du lịch

Để phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và mang tính đổi mới hơn, các điểm du lịch tại Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng khá tốt các nền tảng công nghệ số trong khai thác và vận hành các hoạt động du lịch.

Trước đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó.

Công nghệ QR code cho khách du lịch thông tin chi tiết về các hiện vật khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Công nghệ QR code cho khách du lịch thông tin chi tiết về các hiện vật khi tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức triển lãm, trưng bày và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu gắn với các sự kiện lớn của đất nước.

Một số đơn vị quản lý di tích cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Ban quản lý Phố cổ Hà Nội xây dựng các app (ứng dụng) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách tiếp nhận thông tin chủ động; Ứng dụng công nghệ VR 3D (thực tế ảo) tại Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) giúp du khách tham quan làng nghề trải nghiệm không gian lễ hội làng với đầy đủ phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua thực tế ảo 3D.

Khai thác giá trị gia tăng từ môi trường số để phát triển du lịch

Tiềm năng du lịch của nước ta là rất lớn, để khai thác tối đa bên cạnh các vấn đề thiết yếu như nền tảng hạ tầng, thì nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ du lịch tiên tiến, hiện đại là một trong những yêu cầu cấp bách.

Vì thế, ngành du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cần đẩy mạnh hơn nữa việc khai thác các giá trị gia tăng từ môi trường số bằng cách chủ động tiếp cận các công nghệ mới, sáng tạo trong chuyển đổi cách thức hoạt động, phát triển các sản phẩm mới hấp dẫn, giàu bản sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của du khách.

Hơn nữa, khai thác các giá trị gia tăng từ môi trường số, các doanh nghiệp du lịch còn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, chăm sóc tốt hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh.

Việc triển khai áp dụng hiệu quả những giải pháp công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra xung lực mới cho ngành du lịch và đưa "Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu" như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023: "Đẩy nhanh phục hồi -Tăng tốc phát triển" diễn ra trong tháng 3/2023.