Ứng dụng năng lượng nguyên tử giúp nâng cao tiềm lực, vị thế quốc gia
Năng lượng nguyên tử cần được đẩy mạnh phát triển
Thông tin nêu tại hội thảo Ứng dụng năng lượng nguyên tử và lấy ý kiến về định hướng xây dựng Quy hoạch phát triển,ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây.
Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai. Đây được coi là công cụ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử định hướng đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, các cơ sở ứng dụng, đào tạo trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Quy hoạch cũng xác định những vấn đề trọng tâm trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình có đóng góp trực tiếp trong các ngành, lĩnh vực: y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, công nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái, thời gian qua các nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử có thể coi là công nghệ nền phục vụ nhiều ngành, lĩnh vực giúp cải thiện đời sống kinh tế, xã hội của người dân và từng bước nâng cao vị thế của Việt Nam.
Thứ trưởng mong muốn các cơ quan lập hợp phần quy hoạch thuộc Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tích cực phối hợp cùng Bộ Khoa học và công nghệ trong công tác xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Khoa học công nghệ tạo đột phá đến nhiều lĩnh vực
Ở lĩnh vực y tế, hiện cả nước có 48 cơ sở y học hạt nhân với hơn 40 thiết bị xạ hình, tỷ lệ khoảng 0,4 thiết bị trên một triệu dân. Có 46 cơ sở xạ trị được trang bị gần 100 thiết bị, tỷ lệ một thiết bị trên một triệu dân. Nhiều kỹ thuật hiện đại đã được thực hiện thành công ở trong nước phục vụ chẩn đoán, điều trị hiệu quả bệnh ung thư và các bệnh hiểm nghèo như thần kinh, tim mạch, tiêu hóa...
Sản xuất dược chất phóng xạ y tế từng bước tự chủ, đạt 1000Ci mỗi năm trên lò phản ứng nghiên cứu và 350Ci mỗi năm trên 5 hệ thống máy gia tốc. Gần đây thuốc I131 của Viện Nghiên cứu kỹ thuật hạt nhân Đà Lạt đã được trao giải "Ngôi sao thuốc Việt" của Bộ Y tế. Năng lực ứng dụng công nghệ y học hạt nhân của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực châu Á, đạt trên trung bình so với khu vực Đông Nam Á.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đánh giá là quốc gia đứng thứ 8 thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống bằng chiếu xạ gây đột biến với một số giống cây chủ lực được tạo ra, như: lúa (trong đó có ST25 đã 2 lần nhận được cúp Gạo ngon nhất thế giới).
Tính đến 2023, cả nước đã tạo ra và gieo trồng khoảng 80 giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu hạn, úng và kháng bệnh cao. Cả nước hiện có 14 cơ sở chiếu xạ công nghiệp, trong đó chiếu xạ nông thủy sản đã phục vụ hiệu quả cho xuất khẩu, đặc biệt là sang thị trường đòi hỏi sản phẩm chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Australia…/.
Tuy nhiên "các kết quả ứng dụng năng lượng nguyên tử chưa tương xứng với tiềm năng, triển vọng và đòi hỏi của thực tiễn", thứ trưởng Thái nói và cho rằng trong giai đoạn tới cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, ngành, tổ chức... để lĩnh vực có sự đột phá. Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được sự phối hợp các Bộ, ngành và các nhà khoa học, chuyên gia đóng góp ý kiến xây dựng và hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, trình Thủ tướng phê duyệt.
Theo Quy hoạch, hướng nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử sẽ tập trung cả khoa học cơ bản (vật lý hạt nhân, vật lý lò, an toàn và thủy nhiệt, tự động điều khiển, vật liệu, hóa học ...) và ứng dụng trong y tế (y học bức xạ) nông nghiệp; công nghiệp; tài nguyên môi trường (nước ngầm, ô nhiễm, phát tán phóng xạ, xói mòn đất, chất thải phóng xạ, đuôi quặng)...
Để phục vụ cho việc nghiên cứu, dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học hạt nhân (CNTS) dự kiến đặt tại TP Long Khánh, Đồng Nai đang triển khai. Trung tâm này sẽ có lò phản ứng hạt nhân dạng bể, công suất 10 MWt, sử dụng nhiên liệu độ giàu thấp do Nga chế tạo. CNTS cũng tập tập nghiên cứu điều chế dược chất mới trong điều trị ung thư, nghiên cứu chiếu xạ silic - vật liệu bán dẫn, tán xạ góc nhỏ... Ngoài ra, trong quy hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử giai đoạn tới sẽ nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tổ hợp máy gia tốc lớn đặt tại miền Bắc, xây dựng các phòng thí nghiệm công nghệ và an toàn hạt nhân...
Phát triển cơ sở hạ tầng nghiên cứu
Ông Trần Minh Quỳnh, Phó giám đốc Trung tâm chiếu xạ Hà Nội kiến nghị xây dựng ít nhất ba nhóm nghiên cứu mạnh ở ba miền Bắc - Trung - Nam với hạ tầng, thiết bị đồng bộ, có đội ngũ chuyên gia được đào tạo phù hợp. Các nhóm nghiên cứu tập trung phát triển ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong chọn giống cây trồng, thổ nhưỡng nông hóa và dinh dưỡng cây trồng, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, chiếu xạ thực phẩm... Đại diện Trung tâm chiếu xạ Hà Nội góp ý quy hoạch cần tạo cơ chế để huy động nguồn lực xã hội, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị chiếu xạ và hạt nhân.
TS Đặng Thanh Lương, chuyên gia Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam góp ý các viện nghiên cứu, trung tâm xạ trị, trung tâm y học hạt nhân và điện quang cần có cơ chế phối hợp xây dựng bộ dữ liệu lớn nhằm triển khai kỹ thuật, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán hình ảnh và điều trị bệnh. Ông đề xuất các bộ ngành, đơn vị chuyên môn xây dựng hành lang pháp lý cho việc ứng dụng AI cho ngành y tế, ứng dụng y học hạt nhân.
Khoa học công nghệ nói chung và lĩnh vực khoa học công nghệ hạt nhân nói riêng cần được đẩy mạnh hơn nữa nhờ sự hợp tác chặt chẽ, thường xuyên, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đóng góp từ các tổ chức KH&CN của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức quốc tế để đưa ứng dụng của NLNT tham gia vào giải quyết những vấn đề, yêu cầu đặt ra trong thực tiễn cuộc sống, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước./.
- Đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)
- Khoa học công nghệ tạo động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước