ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 14h33 14/11/2023

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

(KDPT) - Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp góp phần giảm chi phí lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông nghiệp hiện đại là nền nông nghiệp "xanh"

Tại Việt Nam nông nghiệp được coi là trụ cột của nền kinh tế, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ sẽ mang đến cơ hội tăng năng suất, nâng cao tính bền vững và đa dạng hoá sinh kế cho nông dân sản xuất.

Việt Nam hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, hiệu quả bền vững

Ông Thomas Jacobs – Giám đốc Quốc gia Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tại Việt Nam, Lào và Campuchia đánh giá sự thành công của nông nghiệp Việt Nam sẽ phụ thuộc vào khả năng duy trì tính cạnh tranh bằng những sản phẩm chất lượng, có thể truy xuất nguồn gốc và bền vững thông qua chuỗi cung ứng hiệu quả. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng cần phải nhanh chóng bắt kịp lộ trình tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, vì đây là ngành phát thải khí nhà kính lớn thứ hai ở Việt Nam, đóng góp 20% lượng phát thải khí nhà kính hàng năm của cả nước. Giảm phát thải, nâng cao hiệu quả và tăng cường tính bền vững trong chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ giúp hiện thực hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ngăn chặn tình trạng mất đa dạng sinh học và mang lại sinh kế bền vững.

Bà Carrie Turk – Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, nông nghiệp có một vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của Việt Nam, đóng góp 12% GDP và gần 30% việc làm. Để hướng đến một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, phát triển bền vững thì áp dụng các công cụ kỹ thuật số và phương thức canh tác thông minh với khí hậu để tăng sản lượng và giảm chi phí là hướng đi phù hợp.

Tiến sĩ Trần Quý – Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam nhấn mạnh, trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp, giúp tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động tới môi trường và đem lại lợi ích kinh tế cho nông dân. Ngoài ra, cần có sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm các nhà sản xuất công nghệ, chính phủ và các tổ chức nông nghiệp để phát triển các ứng dụng AI thích hợp và phù hợp với điều kiện của người nông dân và nhu cầu thị trường.

Công nghệ mang lại hiệu quả vượt trội

Đến nay đã có nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao điển hình như mô hình sản xuất nho siêu ngọt hạ đen; mô hình sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật làm mạ khay cấy máy, mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò thịt; mô hình trồng dưa lưới, dâu tây trong nhà màng hay mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trong bảo vệ thực vật... Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường.

Lấy ví dụ thực tiễn tại Ninh Bình, việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tuy còn khá mới mẻ nhưng bước đầu cho thấy hiệu quả không chỉ trong sản xuất mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người nông dân.

Ứng dụng máy bay không người lái trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh minh họa

Trồng 2 ha cỏ ngọt, ông Ngô Văn Dũng, thôn Tam Kỳ, xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) nhiều lúc phải đau đầu trong việc tìm kiếm, thuê mướn nhân công, nhất là ở khâu phun thuốc BVTV, bởi đây là công việc khá nặng nhọc và độc hại. Vì thế, khi biết có dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái, ông đã mạnh dạn thuê thử. Kết quả khiến ông vô cùng hài lòng.

Ông Dũng chia sẻ: Bình thường, với 2 ha này tôi phải thuê 2 người, phun trong 1 ngày mới xong, đó là chưa kể công giám sát, hướng dẫn họ pha thuốc để đảm bảo về liều lượng, nồng độ. Trong khi đó, dùng máy bay chỉ trong 12 phút toàn bộ ruộng của gia đình đã được phun xong, đều, chính xác, không bỏ sót bất kỳ khu vực nào; đặc biệt, giá rẻ bằng ½ so với phun bằng tay.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám Đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh phân tích: Ứng dụng máy bay không người lái vào trong sản xuất nông nghiệp giúp phun thuốc BVTV chính xác hơn; giảm công lao động và nhiên liệu, tăng hiệu quả phun đầu vào; giảm lượng nước cần sử dụng; giảm mức độ phơi nhiễm của người vận hành phun; thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, tính tự động cao, vận hành đơn giản, máy có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn, ghi nhớ điểm phun.

Thực tế, chính nhờ những ứng dụng ưu việt trên mà máy bay không người lái ngày càng nhận được những phản hồi tích cực của các nông dân, hợp tác xã. Nó giúp ngành nông nghiệp ít tiêu tốn công sức hơn. Thậm chí còn góp phần thu hút thế hệ những người nông dân trẻ tuổi, có hiểu biết về công nghệ cao.

Thách thức và giải pháp cho nền nông nghiệp Việt

Mặc dù nông nghiệp đã đạt được những thành tựu lớn trong vài thập kỷ qua, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức cần giải quyết như: cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở khu vực nông thôn chưa phát triển; quy mô ứng dụng công nghệ còn nhỏ (chưa đến 8% hợp tác xã ứng dụng công nghệ số đến một mức độ nào đó); nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của người nông dân còn thấp; doanh nghiệp nông nghiệp chưa đầu tư nhiều vào chuyển đổi số; khả năng tiếp cận tài chính của nông dân vẫn còn hạn chế. Ngoài ra cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu.

Như ứng dụng máy bay không người lái đã được đề cập ở trên cũng có giá thành không hề rẻ, trung bình 300-600 triệu đồng/chiếc, đây thực sự là một trở ngại cho người nông dân khi chưa có vốn đầu tư nhiều.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp của Việt Nam nói riêng cũng như nông nghiệp trên thế giới nói chung đều gặp phải những khó khăn, thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu như ngập lụt, xâm nhập mặn, diện tích đất ngày càng suy giảm. Đồng thời việc đô thị hóa và diện tích canh giảm đi. Sự thay đổi về lực lượng lao động, cơ cấu về lao động, dân số, xu thế hiện nay người tiêu dùng thay đổi về quan điểm với các sản phẩm nông nghiệp carbon thấp, sản phẩm xanh, sạch. Đây chính là những thách thức cho người sản xuất nông nghiệp cũng như các đơn vị, các công ty phát triển sản phẩm của doanh nghiệp.

Chia sẻ một số giải pháp để tháo gỡ phần nào những khó khăn trên, theo Bà Carrie Turk, để khai thác tối đa lợi ích của công nghệ kỹ thuật số, Chính phủ, khu vực tư nhân, nông dân, học giả và các chuyên gia phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Tìm hiểu các chính sách và công cụ khả thi tại Việt Nam đồng thời học hỏi kinh nghiệm quốc tế để phát triển hơn nữa nền nông nghiệp nước nhà trong tương lai.

Chính phủ nên tạo lập các cơ sở dữ liệu, chia sẻ các cơ sở dữ liệu liên quan đến sản xuất nông nghiệp về đất, về khí hậu, về thổ nhưỡng,… các cơ sở dữ liệu này được chia sẻ với nhau. những cơ sở này được thu thập từ người nông dân, các công ty cũng như các địa phương để tạo dữ liệu có giá trị của từng vùng. Các khu vực sẽ có đặc tính về thổ nhưỡng khác nhau để có phương thức canh tác khác nhau. Đầu tư xây dựng cơ quan đăng ký dữ liệu duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu và dữ liệu mở, tăng cường năng lực số.

Đối với nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp, cần tăng cường xây dựng mạng lưới; thúc đẩy truy cập và sử dụng dữ liệu; áp dụng công nghệ trong chuỗi giá trị nông nghiệp.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024