Toàn cảnh Hội thảo.

Hội thảo có sự tham dự và kết nối của: TS Nguyễn Sĩ Dũng – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng cố vấn CLB Các nhà Công thương Việt Nam; PGS.TS Đặng Văn Thanh – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế, Chủ tịch CLB Các nhà Công thương Việt Nam, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam; Ông Lê Như Tiến – Đại biểu Quốc hội khóa XII-XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; TS Phạm Văn Tân – Nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên Hiệp hội Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Hải – Viện trưởng Viện Đào tạo, tư vấn và phát triển kinh tế IDE, Phó Chủ tịch CLB Các nhà Công thương Việt Nam; Luật sư, DN Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP Shinec (Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền) và Ông Hà Văn Cường – Chủ tịch Cộng đồng doanh nhân HBC.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo an toàn tối đa, Hội thảo còn có sự tham gia kết nối trực tuyến của các chuyên gia, diễn giả từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước như: TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Nội,…

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 được tổ chức mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hoà với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Trong đó, việc xây dựng hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được một môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp (VHDN) và doanh nhân cũng cần được đặc biệt chú trọng.

Chủ trì Hội thảo PGS.TS Đặng Văn Thanh khẳng định, đây sẽ là dịp để các đại biểu, doanh nhân tham dự được nhìn lại quá trình phát huy các nội hàm xây dựng nền văn hóa trong doanh nghiệp. Đồng thời, cùng trao đổi, hướng đến triển khai hệ giá trị trong văn hóa doanh nghiệp – đó là những con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, mang đậm đà bản sắc dân tộc; cũng như khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, để không lỡ nhịp “chuyến tàu” phát triển bền vững.

PGS.TS Đặng Văn Thanh phát biểu đề dẫn Hội thảo.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quốc Hải cho biết: “VHDN có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Đó là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên; tạo nên sự khác biệt và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp. Và hôm nay việc tổ chức Hội thảo này chính là một trong những hoạt động hưởng ứng tinh thần phát triển văn hóa Việt Nam, mà trong đó một lực lượng không nhỏ là các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam – những người góp phần tạo nên một tâm thế mới cho Việt Nam thời kỳ hội nhập và hội nhập”.

Từ truyền thống đến hiện đại

Tại phiên làm việc đầu tiên, chương trình đã cho thấy rõ phần nào những trăn trở, những điều cần có để xây dựng nên một cốt cách VHDN ra sao.

Với những chia sẻ xoay quanh vai trò của VHDN với sự thành bại của doanh nghiệp, TS Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định, VHDN chính là nền tảng vận hành, có tác động lâu dài và là nhân tố quyết định sự thành công doanh nghiệp trong dài hạn. Đồng thời, việc chủ động xây dựng VHDN là cần thiết, là chủ động bảo đảm lâu dài.

TS Nguyễn Sĩ Dũng kết nối với Hội thảo từ Hà Nội.

So sánh doanh nhân với nhạc trưởng trên bản nhạc xây dựng VHDN, ông Lê Như Tiến cho rằng, sự thành công của một doanh nghiệp không chỉ đơn thuần thể hiện qua lợi nhuận kinh tế, mà còn thể hiện ở những giá trị bền vững mà tổ chức đó mang lại.

Ở khía cạnh khác, lấy đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi, đời sống của người lao động làm mục tiêu phát triển tại Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt, AHLĐ Nguyễn Quang Mâu cho rằng, xây dựng VHDN chính là làm thật tốt công tác quan tâm đời sống tinh thần, vật chất từ bữa ăn, chỗ ở, chế độ, môi trường,… để người lao động yên tâm sản xuất, cống hiến, đảm bảo duy trì và phát triển công ty. Từ đó, góp phần đưa Gốm Đất Việt trở thành một trong những đơn vị đã và đang xây dựng văn hóa rất bài bản, chuyển nghiệp, từ đó tạo ra giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp chứa đựng hàm lượng chất xám cao, đầu tư mạnh mẽ, ứng dụng sự phát triển của KHCN, vinh dự nhận được 3 giải thưởng sáng tạo trong năm 2021 cùng rất nhiều danh hiệu cao quý khác.

AHLĐ Nguyễn Quang Mâu kết nối với Hội thảo từ điểm cầu Quảng Ninh.

Là đơn vị đã và đang xây dựng được giá trị cốt lõi từ văn hóa rất mạnh mẽ, cho thấy được sự đồng thuận, đồng lòng không phải chỉ một mà là cả cộng đồng doanh nghiệp với thông điệp được đưa ra từ người đứng đầu của đơn vị làm chủ đầu tư, KCN Nam Cầu Kiền đang chứng minh, xây dựng VHDN phải gắn bó với bảo vệ môi trường, đào tạo, kết nối, cùng nhau phát triển. Theo ông Phạm Hồng Điệp, văn hóa phải là trục xuyên tâm, là nền tảng tinh thần và là mục tiêu, động lực điều tiết các mối quan hệ trong doanh nghiệp. Để xây dựng môi trường làm việc có văn hoá, trước hết là chủ doanh nghiệp phải đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng lên giá trị vô hình và giá trị này cũng là biểu tượng làm lên thương hiệu mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, để giúp cho các doanh nghiệp nhìn rõ giá trị văn hoá và nhà nước cũng thấy được doanh nghiệp vững mạnh thì nền kinh tế mới vững mạnh.

Đại diện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) đánh giá, văn hóa kinh doanh hiện diện ở bất kỳ doanh nghiệp nào và do yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng cao nên cạnh tranh trong lĩnh vực môi giới bất động sản cũng đòi hỏi các công ty đang kinh doanh trong lĩnh vực này cần hoàn thiện chiến lược xây dựng văn hóa doanh nghiệp bài bản. Bởi một doanh nghiệp bất động sản không đơn thuần là đem lại giá trị cho công ty, mà nó cần tạo ra giá trị cho cộng đồng và tất cả mọi người. Trên thị trường khốc liệt này, sẽ không thể đơn phương đi đến thành công. Do đó, nếu muốn tạo dựng một doanh nghiệp vững mạnh trong tương lai, cần tạo ra một môi trường làm việc vừa có tính cạnh tranh vừa có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong công ty.

Ông Lê Hoàng Châu chia sẻ tại Hội thảo.

Thách thức và cơ hội để phát triển bền vững

Nếu gõ từ khóa “văn hóa doanh nghiệp” vào trang tìm kiếm Google, chúng ta sẽ nhận được hơn 10 triệu kết quả liên quan. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau một thời gian tìm chỗ đứng trên thị trường, đã bắt đầu quan tâm xây dựng VHDN. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển bền vững của họ. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong công việc này.

Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quản trị kinh doanh, là giảng viên cấp cao của Học viện Đào tạo Doanh nhân HPM, ThS Tạ Thị Phước Thạnh nhận định, những thách thức trong xây dựng VHDN xuất phát từ việc chống lại, thiếu động lực thay đổi, thiếu quyền làm chủ và giới hạn về nguồn lực. Tuy nhiên, VHDN cũng đem đến nhiều cơ hội để phát triển bền vững như: tạo động lực làm việc, giữ chân người tài, tăng sự đoàn kết, tích hợp nhiều giá trị hoạt động, là những điều làm nên linh hồn của một doanh nghiệp.

Phát triển doanh nghiệp trên nền tảng phát triển kinh tế tuần hoàn, ông Hà Văn Thắng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159, Hòa Bình nhận định, để tạo ra các giá trị bền vững từ phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, không chỉ là những con số, những nhận định trong mỗi văn bản, hay mỗi dự án, mà trước hết, đó cần được là định hướng, là tôn chỉ mỗi doanh nghiệp cần đặt ra và xem đó là một trong những phần quan trọng để xây dựng văn hóa công ty. Với T&T 159, xây dựng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đặc biệt là xử lý chất thải chăn nuôi đã được quan tâm từ rất lâu. Mô hình được tổ chức mang tính tập chung, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để làm sao tới công đoạn cuối cùng sẽ không còn rác thải nữa.

Có thể nói, những tác động sâu sắc nặng nề mà dịch bệnh Covid-19 gây ra cho nền kinh tế là điều dễ dàng nhận thấy. Và ở đó, du lịch lữ hành là một trong những lĩnh vực phải “gồng mình” chống cự nhiều nhất. người có những trăn trở về xây dựng văn hóa doanh nghiệp suốt nhiều năm qua, kết nối với Hội thảo từ điểm cầu Tuyên Quang, ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội – Tổng giám đốc Hà Nội Startour đã có những chia sẻ xoay quanh việc xây dựng VHDN tại các đơn vị du lịch, lữ hành trong giai đoạn khó khăn để phù hợp với thực tế phát triển từng thời kỳ. Theo đó, trước những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, ngành du lịch đã có những chiếc lược cụ thể, nhằm đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên như: chuyển hướng tích hợp ngành, ứng dụng khoa học – công nghệ trong phát triển du lịch qua mạng, luân chuyển nhân sự, hạn chế tối đa việc sa thải,… Chính sự nỗ lực của người đứng đầu cùng sự đoàn kết của các thành viên sẽ tạo nên sức mạnh giúp doanh nghiệp trụ vững và vượt qua những giai đoạn khó khăn, đó chính là VHDN, là giá trị cốt lõi làm nên sự bền vững.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến nhằm đảm bảo các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Có thể thấy, việc xây dựng được giá trị cốt lõi của doanh nghiệp từ văn hóa sao cho phù hợp cần mang tính chiến lược lâu dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tình hình mới, khi dịch bệnh và các vấn đề xã hội, môi trường đang ngày càng được quan tâm, văn hóa doanh nghiệp cần được nhìn nhận và đánh giá cao hơn nữa.

Những điều này đã thể hiện rằng, để xây dựng VHDN, cần có chiến lược phát triển cụ thể, rõ nét, cũng như sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan hữu quan, và chính bản thân các doanh nghiệp. Thời gian trước mắt, cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp, doanh nhân bằng trách nhiệm, tâm huyết cùng cơ chế, chủ trương thực tế, VHDN sẽ thực sự là cốt cách, nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, góp phần cho sự phát triển đất nước trong những năm tiếp theo.

PHƯƠNG THU