ISSN-2815-5823

Vang mãi tiếng trống Bình An

(KDPT) – Mảnh đất Long An xưa nay vốn nổi danh với những làng nghề truyền thống. Mỗi làng nghề đều có những câu chuyện kể rất riêng về quá trình tạo nghề và phát triển nghề. Đặc biệt nhất ở đây, có lẽ là làng nghề làm trống. Đến với Long An, bạn sẽ được hòa mình vào âm vang của lịch sử, nơi tiếng trống oai hùng được ra đời suốt hơn một thế kỷ qua.

Nghệ nhân Bình An làm trống bằng niềm đam mê.

Trong hầu hết các lễ hội ở nước ta đều không thể nào thiếu những âm thanh rộn ràng náo nhiệt của tiếng trống lân – sư – rồng. Tiếng trống ấy cũng chính là niềm tự hào của người dân ở làng trống Bình An, thuộc xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trải qua bao thăng trầm, trống Bình An đã và đang vang vọng ở những lễ hội lớn nhỏ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hình thành và phát triển

Trước đây, làng trống có đến 30 hộ gia đình theo nghề, nhưng hiện nay làng Bình An chỉ còn khoảng 20 cơ sở làm trống chuyên nghiệp theo kiểu “cha truyền con nối”, đa phần các nghệ nhân nơi đây đều là những người trong dòng họ Nguyễn ở vùng đất Tân Trụ. Các nghệ nhân làng trống Bình An kể rằng, nghề trống ra đời cách đây đã được 170 năm, do cụ ông Nguyễn Văn Ty tiên phong. Chuyện khởi nghiệp về nghề làm trống ở ngôi làng này cũng được xem là một giai thoại.

Nhưng có một tương truyền mà đến nay cả ngôi làng trống và người dân ở nơi này đều cho rằng “thật” nhất. Đó là việc cụ Ty, lúc đó làm nghề tiểu thương, chuyên buôn bán nước mắm, lênh đênh khắp các vùng sông nước của đất Nam Bộ. Vào một ngày kia, khi đến vùng đất Rạch Gầm, thuộc Gò Công (Tiền Giang), cụ Ty may mắn gặp được một thầy chùa truyền cho cái nghề bịt miệng trống. Vốn là một người khéo léo và nhanh nhạy, cụ Ty đã nhanh chóng học hết những cái được gọi là thuần túy nhất của nghề làm trống. Khi trở về Bình An, cụ đã bỏ hẳn cái nghề lênh đênh sông nước và sau đó mở một xưởng nhỏ để làm trống ngay tại quê hương. Và từ đó cho đến ngày hôm nay, trải qua bao nỗi thăng trầm của lịch sử, xóm làm trống của ấp khép mình bên dòng sông Vàm Cỏ Tây huyền thoại đã tồn tại và phát triển bền vững cho đến tận bây giờ.

Đến với Bình An, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh lao động cần cù, miệt mài của những người thợ.

Trải qua hơn năm thế hệ nối nghiệp tổ nghề, đến hôm nay những nghệ nhân như ông Năm Mến, chú Út Lương, ông Hai Phú… cũng đã dành hơn nữa cuộc đời để giữ gìn phát huy nghề trống truyền thống.

Khi đặt chân đến làng trống Bình An, tôi được mọi người dân chỉ tới nhà chú Năm Mến. Theo bà con nơi đây, chú Năm Mến là người sản xuất trống tốt nhất, chất lượng nhất làng. Nhưng hiện nay, chú Mến tuổi đã cao và truyền nghề lại cho con mình là anh Nguyễn Văn An. Anh An là thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghề làm trống. Chia sẻ với phóng viên, anh An cho biết đã làm nghề từ lúc 15 tuổi, những ngày đầu anh được cha giao cho nhiệm vụ làm da. “Công đoạn làm da tùy thuộc vào từng loại trống, khi mua da trâu về phải đem đi phơi nắng, cho da khô lại rồi mang đi cạo bỏ một phần da, công đoạn này người ngoài nhìn vào nói dễ, nhưng thực chất lại đòi hỏi sự tỉ mỉ của đôi bàn tay, nếu không khéo, âm thanh của trống phát ra sẽ không hay”, anh An cho biết.

Những người thợ làm trống ở ngôi làng này được ví như một người nghệ sĩ tài ba, bởi kinh nghiệm của mình, họ có thể cảm nhận, thẩm âm để cho ra những chiếc trống với âm thanh khác nhau, cường độ và trường độ khác nhau. Đến với Bình An, bạn sẽ bắt gặp được hình ảnh lao động cần cù, miệt mài của các người thợ để tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Tiếng trống Bình An vang lên mang theo niềm tự hào của những người nghệ nhân nơi làng quê.

Từ làng quê ra quốc tế

Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng về mẫu mã, kích thước mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn. Nghề làm trống không chỉ là nghề truyền thống gìn giữ giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, đây còn là nguồn thu nhập chính cho các hộ dân ở Bình An.

Hiện nay, không chỉ nổi tiếng khắp cả nước, trống Bình An còn được mang đi xuất khẩu sang các nước như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Singapore… Anh Nguyễn Văn An hồ hởi chia sẻ: “Hằng năm, tôi đều được nhiều đơn vị đặt hàng xuất khẩu trống sang Pháp, Úc, Malaysia. Nhất là vào những dịp lễ, Tết, nhiều Việt kiều ở bên Campuchia còn gọi điện về đặt hàng rất nhiều, làm không xuể”.

Làng trống Bình An hiện nay đã được cơ giới hóa. Những công đoạn như: cưa, bào, đục… đều đã có máy làm thay cho việc lao động chân tay như trước đó. Thế nhưng, trống Bình An vẫn không đủ số lượng để đáp ứng trên thị trường.

Tiếng trống Bình An vang lên mang theo niềm tự hào của những người nghệ nhân nơi làng quê. Ở đâu vang lên tiếng trống Bình An, ở đó có tâm huyết của những người thợ làm trống tài ba, chắt chiu từng mảnh ghép tâm hồn mình tạo nên những sản phẩm chất lượng làm rạng danh vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc.

PHÚC HẬU

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/05/2024