ISSN-2815-5823

Vì sao dư địa lớn nhưng doanh nghiệp không mặn mà làm nhà ở xã hội?

(KDPT) - Có một nghịch lý đang tồn tại, nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp được đánh giá là phân khúc còn dư địa rất lớn để phát triển, nhưng các doanh nghiệp lại không mặn mà đầu tư vào mảng này.

Doanh nghiệp vướng “rào cản”

Mới đây, tại Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, đã có nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, ghi nhận ở một số địa phương trọng điểm có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội cho thấy, mức đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội chỉ có 3 dự án với 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP.HCM có 7 dự án với 4.996 căn đáp ứng 19% hay một số địa phương không có dự án khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay là Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An...

Thời gian qua, để triển khai một dự án nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính. (Ảnh minh họa)

Cũng theo số liệu Bộ Xây dựng, liên quan đến chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, hiện có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay (nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng). Đến thời điểm này, tại 5 địa phương với 6 dự án nhà ở xã hội được giải ngân số vốn khoảng 415 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ nói trên còn chậm so với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Chia sẻ với PV về thực trạng nhà ở xã hội chậm được triển khai ở nhiều địa phương, GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẳng thắn nói: “Để triển khai một dự án nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính. Đây là nỗi “kinh hoàng” của doanh nghiệp dẫn đến sự băn khoăn, e ngại đáng kể”.

Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, thủ tục hành chính không chỉ “làm khó” doanh nghiệp mà cả vấn đề thụ hưởng nhà ở xã hội cũng còn nhiều vướng mắc. Mặc dù, nhà ở xã hội là phân khúc dành riêng cho người thu nhập thấp nhưng thủ tục, điều kiện để người lao động có thể tiếp cận để được mua và thuê nhà ở xã hội lại rất khó khăn.

“Rõ ràng, phân khúc nhà ở xã hội còn dư địa rất lớn để phát triển nhưng các doanh nghiệp đều không mặn mà với phân khúc cũng có thể lý giải một phần do vướng cơ chế, quỹ đất cho nhà ở xã hội ở nhiều địa phương chưa ưu tiên. Điều khiến doanh nghiệp e ngại nằm ở quy trình đầu tư và cấp đất khá chồng chéo, phức tạp; thủ tục kéo dài, từ khi dự án được phê duyệt, cấp phép đến khi đưa sản phẩm ra thị trường thường mất nhiều thời”, GS. Đặng Hùng Võ phân tích.

Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc bố trí nguồn vốn xây nhà xã hội cũng gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trước đó, chia sẻ với PV, chủ một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM nhấn mạnh, mục đích của nhà ở xã hội là một chính sách tốt đẹp, giúp cho người nghèo có điều kiện có nhà ở nhưng cách làm chưa mang lại hiệu quả. Mặc dù những quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi) cởi mở hơn, nhưng chủ doanh nghiệp này nhấn mạnh đến bàn tay của Nhà nước tham gia vào làm nhà ở xã hội.

“Doanh nghiệp chúng tôi và nhiều doanh nghiệp khác đã từng rót vốn đầu tư làm nhà ở xã hội cho người nghèo nhưng sau một thời gian đều không trụ được. Thời điểm đó, khi làm nhà ở xã hội thì vướng thủ tục hành chính, lãi suất ngân hàng, vật giá, thời gian thi công kéo dài… khiến doanh nghiệp bất động sản lỗ đơn lỗ kép. Đó là lý do vì sao hiện nay rất ít doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội”, vị này chia sẻ.

3 yếu tố khơi thông phân khúc nhà ở xã hội

Đồng tình với quan điểm của GS. Đặng Hùng Võ, ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An cho rằng, thời gian qua, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tiếp cận tín dụng và các chính sách ưu đãi…

Theo ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An, có 3 yếu tố để khơi thông được nhà ở xã hội đó là: Quỹ đất, chính sách và nguồn vốn. (Ảnh minh họa)

Theo bà Bùi Thị An, thời gian qua, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Với những địa phương có nhiều dự án nhà ở đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa chú trọng lựa chọn chủ đầu tư để triển khai dự án. Thậm chí, với dự án đã khởi công, một số doanh nghiệp lại chậm triển khai, thi công với tốc độ “rùa bò”. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ để phát triển dự án nhà ở xã hội chưa thu hút được nhà đầu tư vay vốn và chưa được giải ngân hiệu quả.

Tất cả những yếu tố trên khiến phân khúc nhà ở xã hội trầm lắng và mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 phải “tăng tốc” mới về đích đúng thời hạn.

Bà An cho rằng, không thể phủ nhận những thành công bước đầu của Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội mang lại nhưng vẫn cần những chính sách đột phá đột phá để xóa bỏ những điểm nghẽn đang tồn tại trong nhiều năm qua. “Theo tôi, khi phê duyệt quy hoạch, một số địa phương chưa chủ động dành đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; chưa sát sao trong việc chỉ đạo xây dựng kế hoạch hàng năm về chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân”, bà An chỉ ra thực tế đang tồn tại.

Theo ĐBQH khóa XIII Bùi Thị An, có 3 yếu tố để khơi thông được nhà ở xã hội đó là: Quỹ đất, chính sách và nguồn vốn. Do vậy, việc cần làm hiện nay của các địa phương là khẩn trương sửa đổi và bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp… Đối với các doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực tài chính, áp dụng công nghệ để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình.

“Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) - đây là hành lang pháp lý đồng bộ, có nhiều cơ chế, chính sách giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tăng cường ưu đãi hỗ trợ thúc đẩy phát triển phân khúc nhà ở xã hội. Tôi tin, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các Bộ, ngành và địa phương, thời gian tới, khi những cơ chế, chính sách được thực thi, nhiều dự án nhà ở xã hội trong cả nước sẽ được thúc đẩy khởi công xây dựng, thu hút nhà đầu tư”, bà An bày tỏ quan điểm./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/05/2024