Việc cấp “chồng sổ đỏ” ở Tuy Đức (Đắk Nông): Cần đảm bảo lợi ích người dân và doanh nghiệp
UBND xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức) có trách nhiệm xác định nguồn gốc sử dụng đất và tình trạng tranh chấp của 08 thửa đất để trình UBND huyện cấp sổ đỏ. |
Một đất, hai chủ
Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển số ra ngày 18/1/2023 đăng tải bài viết: “Quản lý đất lâm nghiệp kém hiệu quả: Góc nhìn từ vụ việc cấp chồng sổ đỏ ở Đắk Nông”. Bài viết phản ánh vụ việc hơn 21,3 ha đất tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) mang thân phận “làm con hai nhà”.
Cụ thể, theo “sổ địa bạ” của UBND huyện Tuy Đức, diện tích này gồm các thửa số: 01, 02, 03, 04, 05, 07, 08 và 09. Đây là các thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34, nằm trên địa bàn xã Quảng Trực, đã được UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ cho các cá nhân (gồm ông Vũ Ngọc Luân và ông Phạm Ngọc Biết) từ tháng 9/2008. Trong đó, ông Luân sở hữu 7 thửa đất; ông Biết sở hữu 01 thửa đất (thửa số 04).
Nhưng theo “sổ địa bạ” của UBND tỉnh Đắk Nông, hơn 21,3 ha đất này lại nằm trong sổ đỏ số hiệu AM 880993 ngày 19/8/2008, được cấp cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (gọi tắt là Công ty Nam Tây Nguyên). Theo đó, 08 thửa đất này nằm trên lô 3n, 4n – khoảnh 3, Tiểu khu 1467, thuộc lâm phần của Công ty Nam Tây Nguyên.
Những cây cao su được trồng theo Chương trình 327 là một trong những minh chứng cho nguồn gốc sử dụng đất của 08 thửa đất đã được UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ - Ảnh chụp ngày 18/01/2023. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, đây là diện tích đất được các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ khai hoang; trước năm 2004 đã được UBND tỉnh Đắk Lắk (khi chưa tách thành 02 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) giao đất để thực hiện chủ trương phát triển cao su tiểu điền theo Chương trình 327 (hiện trên diện tích này vẫn còn cây cao su trồng từ thời điểm đó).
Do không có triển vọng phát triển nên nhiều hộ đồng bào được giao đất thực hiện Chương trình 327 ở xã Quảng trực đã bán đất cho các cá nhân khác. Ông Luân, ông Biết là những cá nhân nhận chuyển nhượng 08 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 34.
Nguồn gốc của 08 thửa đất nêu trên được ông Mai Văn Tĩnh, cán bộ địa chính xã Quảng Trực, xác nhận với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển. Theo ông Tĩnh, các thửa đất này trước đây được giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ triển khai trồng cao su tiểu điền; nhưng do không hợp khí hậu nên cao su không có mủ, nhiều hộ đã bán đất. Đến tháng 9/2008, các thửa đất đã được UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Vũ Ngọc Luân (07 thửa) và ông Phạm Ngọc Biết (01 thửa).
Đến năm 2017, ông Luân, ông Biết đã chuyển nhượng 08 thửa đất cho ông Nguyễn Quốc Dũng, sinh năm 1977, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh. Biến động về người sử dụng đất có chứng thực của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tuy Đức (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông).
Huyện cấp sổ đỏ có đúng quy định?
Các thửa đất số 01, 02, 03, 04, 05, 07, 08 và 09 – thuộc tờ bản đồ số 34, được UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ cho ông Vũ Ngọc Luận và ông Phạm Ngọc Biết vào tháng 09/2008. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để năm 2017, ông Nguyễn Quốc Dũng bỏ tiền mua lại 08 thửa đất từ ông Vũ Ngọc Luận và ông Phạm Ngọc Biết.
Sau khi xác nhận nguồn gốc, tình trạng sử dụng đất, UBND cấp xã niêm yết công khai danh sách tại trụ sở thôn và xã. Nếu không có tổ chức, cá nhân thắc mắc thì sẽ xác nhận vào hồ sơ, làm tờ trình gửi UBND cấp huyện đề nghị cấp sổ - Ảnh chụp tại trụ sở UBND xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức ngày 18/01/2023. |
Nhưng khi ông Dũng có nhu cầu chuyển nhượng các thửa đất mình đã mua hợp pháp thì bị “phanh” lại. Nguyên nhân là do Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tuy Đức sau khi rà soát đã xác định, 08 thửa đất này nằm trong lâm phần của Công ty Nam Tây Nguyên, đã được UBND tỉnh Đắk Nông cấp sổ đỏ số hiệu AM 880993 ngày 19/08/2008 cho Công ty.
Như vậy, sổ đỏ của 08 thửa đất được UBND huyện Tuy Đức cấp muộn hơn 01 tháng so với quyết định cấp sổ của UBND tỉnh. Chiếu theo trình tự thời gian (không tính thẩm quyền) thì “trâu chậm uống nước đục”, UBND huyện Tuy Đức phải chịu hoàn toàn toàn trách nhiệm trong việc cấp sổ đỏ cho cá nhân chồng lấn diện tích đất đã được tỉnh cấp cho tổ chức khác.
Nhưng vấn đề cần bàn luận là việc UBND huyện Tuy Đức cấp sổ đỏ cho ông Vũ Ngọc Luận và ông Phạm Ngọc Biết có đúng trình tự quy định của pháp luật hay không?
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, các thửa đất nêu trên, với tổng diện tích hơn 21,3 ha được chuyển nhượng cho ông Vũ Ngọc Luân và ông Phạm Ngọc Biết trước năm 2008; giao dịch được thực hiện bằng giấy viết tay. Sổ đỏ được UBND huyện Tuy Đức cấp cho ông Luân và ông Biết là sổ đỏ được cấp lần đầu.
Để “ra” được sổ đỏ cấp lần đầu phải trải qua quá trình kiểm tra, xác minh rất chặt chẽ, nhất là đối với những trường hợp mua bán, chuyển nhượng bằng giấy viết tay. Trong đó, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và tình trạng tranh chấp là quan trọng nhất. Đây là yếu tố quyết định hồ sơ đó có đủ điều kiện hay không. Và luật quy định trách nhiệm này của UBND cấp xã.
Sau khi xác nhận nguồn gốc, tình trạng sử dụng đất, UBND cấp xã niêm yết công khai danh sách tại trụ sở thôn và xã. Nếu không có tổ chức, cá nhân thắc mắc thì sẽ xác nhận vào hồ sơ, làm tờ trình gửi UBND cấp huyện đề nghị cấp sổ. Trên cơ sở đó, Phòng TN&MT cấp huyện sẽ phối hợp với Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện thẩm tra. Khi đủ điều kiện, Phòng TN&MT sẽ làm tờ trình đề nghị UBND cấp huyện ban hành quyết định cấp sổ đỏ cho người dân.
Sổ đỏ của 08 thửa đất được UBND huyện Tuy Đức cấp cho ông Vũ Ngọc Luân và ông Phạm Ngọc Biết cũng không thể nằm ngoài quy trình chặt chẽ này. Việc ông Nguyễn Quốc Dũng mua lại 08 thửa đất đã được cấp sổ là hoàn toàn hợp pháp; đồng thời, ông Dũng có nhu cầu chuyển nhượng 08 thửa đất này là quyền cá nhân, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Nhưng ông Dũng không thể thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bởi Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tuy Đức xác định,UBND huyện Tuy Đức đã cấp sổ đỏ sai đối tượng đối với 8 thửa đất tại tờ bản đồ số 34. Đơn vị này xác định, 08 thửa đất này thuộc lâm phần của Công ty Nam Tây Nguyên, đã được UBND tỉnh cấp sổ đỏ trước đó. Như vậy, trong việc cấp chồng sổ đỏ này thì trách nhiệm trước hết thuộc về UBND huyện Tuy Đức, trực tiếp là Phòng TN&MT huyện cũng như UBND xã Quảng Trực.
Đưa nhau “đáo tụng đình”?
Liên quan đến hoạt động của Công ty Nam Tây Nguyên, hiện Thanh tra tỉnh Đắk Nông đang thanh tra toàn diện hoạt động của công ty này. Việc thanh tra được tiến hành trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông; nguyên nhân từ những tồn tại, hạn chế của Công ty trong quá trình hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đơn thư của ông Nguyễn Đức Thúy, người được ông Nguyễn Quốc Dũng ủy quyền đại diện trước pháp luật để giải quyết vụ việc gửi Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển. |
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm đối với việc thanh tra hoạt động của Công ty Nam Tây Nguyên là vụ việc cấp chồng sổ đỏ đối với 08 thửa đất thuộc tờ bản đồ số 34 sẽ được xử lý như thế nào? Đồng thời, các cá nhân, tổ chức liên quan đến vụ việc sẽ bị xử lý trách nhiệm ra sao?
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, giải pháp thu hồi sổ đỏ đã được UBND huyện Tuy Đức cấp cho cá nhân đang được tính đến. Ngay trong Công văn số 75/CT-KHKT ngày 06/05/2022 đề nghị xác minh, làm rõ chồng lấn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên lâm phần Công ty quản lý gửi UBND huyện Tuy Đức, Công ty Nam Tây Nguyên đã nói thẳng: “Đề nghị UBND huyện Tuy Đức chỉ đạo thu hồi và hủy bỏ các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tránh chồng chéo, tranh chấp đất”.
Đây cũng là quan điểm của ông Mai Văn Tĩnh, cán bộ địa chính xã Quảng Trực khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển. Ông Tĩnh cho rằng, với góc độ là cán bộ địa phương thì nên thu hồi sổ đỏ, rồi giao đất lại cho người dân canh tác.
Vấn đề cần quan tâm là, sau khi thu hồi sổ đỏ được UBND huyện Tuy Đức cấp thì quyền lợi hợp pháp của ông Nguyễn Quốc Dũng sẽ được thực hiện như thế nào? Như đã nêu ở trên, việc mua bán đất giữa ông Dũng với ông Vũ Ngọc Luân và ông Phạm Ngọc Biết là hoàn toàn hợp pháp.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, ông Nguyễn Đức Thúy, người được ông Nguyễn Quốc Dũng ủy quyền đại diện trước pháp luật liên quan đến giải quyết vụ việc, cho biết, ông Dũng mua các thửa đất có hợp đồng chứng thực. Để xảy ra chồng lấn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhưng điều đó đã khiến ông Dũng thiệt hại rất lớn về kinh tế.
“Nếu không có giải pháp giải quyết thỏa đáng thì chúng tôi sẵn sàng đưa vụ việc ra tòa án. Mọi tổn thất không thể đổ lên đầu người dân chỉ vì thiếu sót của chính quyền địa phương được”, ông Thúy khẳng định.
Sự “phòng xa” của ông Thúy cũng không phải không hợp lý. Bởi trên thực tế, trong quản lý về đất đai, nhất là cấp sổ đỏ, việc chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm, khi giải quyết hậu quả thì người dân lại chịu thiệt không phải là chuyện hiếm ở Đắk Nông.
Gần đây nhất là tháng 6/2022, UBND huyện Đắk G’long đã ra thông báo về việc thu hồi 65 sổ đỏ đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn không đúng quy định về đất đai; mặc dù việc cấp đất, mua bán, chuyển nhượng đất của các diện tích đã được cấp sổ đỏ đều hoàn toàn đúng pháp luật.
Lý do thu hồi được UBND huyện Đắk G’long đưa ra là các thửa đất này không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ do thuộc đất của Viện Khoa học lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây nguyên. Việc cấp sổ đỏ nêu trên diễn ra trong giai đoạn 2003 - 2020. Trong số này, nhiều người đã canh tác ổn định, hình thành tài sản gắn liền trên đất; rất nhiều trường hợp đang thế chấp ngân hàng hoặc sang nhượng qua nhiều người.
Việc kéo nhau “đáo tụng đình” trong tranh chấp sổ đỏ cấp chồng lấn ở Đắk Nông cũng diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính năm 2021, theo văn bản số 4040/KN-VKS ngày 30/11/2021 của Viện KSND tỉnh Đắk Nông gửi Chủ tịch UBND tỉnh này, Viện KSND đã kiểm sát xét xử 18 vụ án hành chính và dân sự sơ thẩm yêu cầu hủy sổ đỏ. Kết quả, Tòa án các cấp tỉnh Đắk Nông đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện hủy sổ đỏ đối với 11 vụ án, chiếm tỉ lệ 61%. Lý do bị hủy chủ yếu là do sổ đỏ được cấp không đúng đối tượng, cấp chồng lấn.
Trong trường hợp thu hồi sổ đo đã cấp thì việc bảo đảm hải hòa lợi ích cho người dân cần được UBND tỉnh Đắk Nông, UBND huyện Tuy Đức lưu tâm. |
Theo đánh giá của Viện KSND tỉnh Đắk Nông tại văn bản số 4040/KN-VKS ngày 30/11/2021, việc cấp sổ đỏ chồng lấn, không đúng đối tượng là vi phạm nghiêm trọng trong quản lý hành chính về đất đai. Điều này dẫn đến tình trạng tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận nhân dân, tác động xấu đến tình hình an ninh chính trị địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do trong quá trình thực hiện trình tự thủ tục cấp sổ đỏ, các cơ quan chuyên môn chưa tuân thủ chặt chẽ quy trình, chưa kiểm tra xác minh kỹ về đối tượng sử dụng đất; không đối chiếu bản trích đo với bản đồ giải thửa; không thực hiện chặt chẽ việc ký giáp ranh...
Soi chiếu nhân định này của Viện KSND tỉnh Đắk Nông có thể hiểu được vì sao có việc cấp chồng sổ đỏ đối với 8 thửa đất, với diện tích hơn 21,3 ha tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Việc thu hồi, điều chỉnh một trong hai sổ đỏ đã cấp là việc phải làm, nhưng việc quy trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra “lọt khe” cũng hết sức cần thiết.
Quan trọng hơn, cùng với việc thu hồi thì việc bảo đảm hài hòa quyền lợi của người dân và doanh nghiệp cần được các cấp chính quyền tỉnh Đắk Nông đặc biệt lưu ý. Bởi họ được cấp sổ đỏ với sự thẩm định của chính quyền địa phương.
Đơn cử, đầu năm 2006, UBND huyện Trảng Bom (Đồng Nai) cấp sổ đỏ cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Nga ở xã Bắc Sơn, sau khi mua lại hợp pháp từ ông N.V.X. Nhưng ngày 29/11/2007, UBND huyện Trảng Bom quyết định thu hồi lại sổ đỏ này theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai.
Vợ chồng bà Nga quyết định khởi kiện ra TAND. Ngày 14/06/2013, TAND Đồng Nai thụ lý vụ kiện và đưa ra xét xử. Tòa xác định việc UBND huyện Trảng Bom cấp sổ đỏ cho ông X. trước đó là trái pháp luật, đồng nghĩa việc ông X. chuyển nhượng đất cho vợ chồng bà Nga cũng trái pháp luật. Từ đó, Tòa bác yêu cầu khởi kiện đòi đất của vợ chồng bà Nga.
Xác định tất cả thủ tục sang nhượng, mua bán, cấp giấy chứng nhận đối với thửa đất trên giữa vợ chồng bà và ông X. là hợp pháp, nên bà Nga đã chuyển hướng khiếu kiện yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm Nhà nước đối với UBND huyện Trảng Bom do đã cấp sai sổ đỏ cho vợ chồng bà. Những thiệt hại mà vợ chồng bà Nga yêu cầu được bồi thường gồm: tiền giá trị quyền sử dụng đất, tiền hợp đồng cho thuê đất mà vợ chồng bà đã nộp phạt, tiền thuế chuyển quyền, lệ phí trước bạ, lệ phí chuyển mục đích sử dụng đất...
Sau cấp sơ thẩm Tòa bác đơn, gia đình bà Nga tiếp tục khởi kiện phúc thẩm. Ngày 20/04/2017, TAND Đồng Nai mở phiên phúc thẩm và nhận định: Việc chuyển nhượng thửa đất trên giữa vợ chồng bà Nga với ông X. là đúng pháp luật. Ngoài ra, UBND huyện Trảng Bom là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp và thu hồi sổ đỏ; nhưng do trước đây UBND huyện đã cấp sổ sai cho ông X. nên dẫn đến việc cấp cho vợ chồng bà Nga sau khi họ mua đất cũng sai. Như vậy, trong quá trình quản lí đất đai, UBND huyện Trảng Bom đã sai phạm nên phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho vợ chồng bà Nga theo như đúng yêu cầu.
Đây là một trong hàng trăm vụ việc cho thấy trách nhiệm phải bồi thường của cơ quan hành chính Nhà nước khi gây ra thiệt hại.
Gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường? Điều 14, Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước 2017 quy định, cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Khoản 2, Điều 52, Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước cũng quy định, khoản tiền để bồi thường được trích từ ngân sách Nhà nước. Liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do cấp chồng sổ đỏ, việc thực hiện các quy định tại Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước cũng đã được áp dụng trong thực tiễn ở nhiều địa phương. Theo báo cáo của Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp), sau gần 5 năm triển khai Luật trách nhiệm bồ thường Nhà nước (2017 – 2022), các bộ, ngành và địa phương, các cơ quan giải quyết bồi thường đã thụ lý, giải quyết 124 vụ việc, giải quyết xong 60 vụ việc với số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định, bản án giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 28 tỷ 893 triệu 961 nghìn đồng và 102,5 chỉ vàng. Cụ thể, 24 vụ việc trong hoạt động quản lý hành chính với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 3 tỷ 757 triệu 632 nghìn đồng, 30 vụ việc trong hoạt động tố tụng với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 25 tỷ 924 triệu 967 nghìn đồng, 6 vụ việc trong hoạt động thi hành án với số tiền Nhà nước phải bồi thường là 453 triệu 088 nghìn đồng và 102,5 chỉ vàng. |