Tỷ lệ giải ngân chưa được như mong đợi

Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2022. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 10,35%, cũng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nếu so sánh về con số tuyệt đối, giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện cao hơn hơn 10.000 tỷ đồng.

Vốn đầu tư công thực hiện tăng 11,5% cho thấy sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ các tháng đầu năm, nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Hiện có 2 bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao có thể kể đến như: Tiền Giang (31%), Bến Tre (30%), Điện Biên (24,7%), Đồng Tháp ( gần 23%), Lâm Đồng gần (21%). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 30 bộ và cơ quan trung ương chưa thực hiện giải ngân kế hoạch vốn.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm chưa cao vì đến thời điểm này, các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, nên đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán và đang tập trung thực hiện công tác đấu thầu và lựa chọn nhà thầu.

Đầu tư công thúc đẩy tăng trưởng

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá: Khối lượng thực hiện đầu tư công quý I/2023 đạt trên 91,5 nghìn tỷ đồng thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình ngay từ các tháng đầu năm nhằm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều kịch bản quý I/2023 tăng 5,6% đưa ra tại nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình sản xuất kinh doanh trong nước có xu hướng chậm lại do tác động tiêu cực của các yếu tố lạm phát trên thế giới tăng cao... thì việc đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm chính là điểm sáng, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I và những quý còn lại của năm 2023.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu năm nay giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công, tức là tăng gần 25% so với năm 2022, sẽ góp phần đáng kể cho tăng trưởng kinh tế; đồng thời sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế khác phát triển theo.

Tính đến hết quý I, vốn đầu tư công thực hiện tăng hơn 18% so với năm 2022. Trong khi đó, nhiều dự án khác trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã xong về thủ tục và quy trình nên những tháng tới có thể hy vọng đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư công.

Để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời, tập trung theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.

Theo đó, nhà nước cần tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng, ở các lĩnh vực gồm đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản,... vì một khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, làm giảm động lực tăng trưởng.

Các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố cần bám sát, đánh giá đúng tình hình, chú trọng nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án; Chủ động, linh hoạt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dự án, chuẩn bị tốt mặt bằng sạch cho thi công. Nếu vượt quá thẩm quyền thì cần tổng hợp, báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để kịp xem xét, giải quyết sớm.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương người đứng đầu. Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gậy khó khăn, cản trợ, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị, bảo đảm hiệu quả, không để vướng mắc kéo dài không giải quyết, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực vốn.

Bộ ngành và địa phương chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư tập trung triển khai ngay việc thực hiện các dự án đã được giao kế hoạch vốn, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, công trình chuyển tiếp. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án quan trọng, cấp thiết đang đầu tư dở dang; các dự án công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2023.

Thực hiện điều hoà vốn giữa Chương trình phục hồi kinh tế-xã hội và kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 đảm bảo thực hiện hết toàn bộ số vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 theo Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 03/02/2023 của Chính phủ.

Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án đầu tư công. Cập nhật, điều chỉnh, công bố giá vật liệu xây dựng theo tháng đảm bảo đúng quy định của Luật Xây dựng là cơ sở điều chỉnh gói thầu, tổng mức đầu tư của dự án, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho chủ đầu tư, nhà thầu thi công. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý các thủ tục về đầu tư công.