VPBank, Viettel, MWG... đứng Top các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2022
Dự kiến giảm 2% VAT đến nửa đầu năm 2024: Chính sách tác động đa chiều đến nền kinh tế |
Tổng cục Thuế vừa ban hành (Công văn số 4586/TCT-KK) công khai danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) lớn nhất (V.1000) trong năm 2022.
Đứng đầu danh sách các doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2022 gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPBank), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Công ty Honda Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas)...
VPBank là doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2022. (Ảnh: HT) |
Các tiêu chí xác định danh sách xếp hạng V.1000 trong năm 2022, bao gồm: Doanh nghiệp thành lập theo pháp luật Việt Nam; doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức khác có hoạt động sản xuất kinh doanh có thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định của Luật Thuế TNDN.
Mức nộp thuế TNDN là tổng số tiền thuế TNDN mà doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước trong năm 2022. Doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc (được cấp mã số thuế đơn vị trực thuộc 13 số) thì bao gồm số tiền thuế TNDN đã nộp của trụ sở chính và các chi nhánh, đơn vị trực thuộc
Đối với doanh nghiệp đến thời điểm xác định để công khai đã hoặc đang làm thủ tục đóng mã số thuế với các lý do: Sáp nhập vào doanh nghiệp khác (theo quy định hiện hành doanh nghiệp bị sáp nhập phải đóng mã số thuế), giải thể, ngừng hoạt động thì loại ra khỏi danh sách.
Tổng cục Thuế xác định danh sách xếp hạng V.1000 trên cơ sở mức nộp thuế TNDN vào ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp hàng năm, không xem xét đến tính tuân thủ pháp luật thuế. V.1000 năm 2022 không nhằm mục đính tôn vinh doanh nghiệp thực hiện tốt pháp luật thuế. Trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp bị cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền phát hiện sai phạm, thì tùy vào mức độ vẫn bị xử lý vi phạm theo đúng quy định.
Về đóng góp vào ngân sách nhà nước, theo kết quả thống kê của Tổng cục Thuế, tổng số thuế TNDN đã nộp của các doanh nghiệp trong V.1000 năm 2022 chiếm 58,2%, tổng thu ngân sách về thuế TNDN và bằng 85,1% so với số đã nộp các doanh nghiệp trong V.1000 năm 2021.
Qua 6 năm thực hiện, có 301 doanh nghiệp có 7 năm liên tiếp nằm trong V.1000 của năm 2022, 2021, 2020, 2019, 2018, 2017 và 2016.
Trong V.1000 năm 2022 có 331 doanh nghiệp trong V.1000 năm 2021 bị loại ra, đồng thời có 331 doanh nghiệp bổ sung vào V.1000 năm 2022.
Nguyên nhân chủ yếu của 331 doanh nghiệp bị loại ra khỏi V.1000 năm 2022 là do được lùi thời gian thực hiện tạm nộp thuế TNDN năm 2022 vào đầu năm 2023: Theo Nghị định số 91/2022/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì DN phải nộp 80% thuế TNDN của năm 2022, thời hạn cuối cùng là ngày 30/1/2023 (còn theo quy định cũ tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải nộp 75% thuế TNDN tạm nộp của năm 2022, thời hạn cuối cùng vào ngày 31/10/2022): 21 doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp nộp trong năm 2021 lớn do nộp cho các hoạt động phát sinh không thường xuyên, đặc thù (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, bán máy móc thiết bị y tế phục vụ dịch COVID-19, hoạt động khác); doanh nghiệp nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021…
Trong số 331 doanh nghiệp bổ sung vào V.1000 năm 2022 chủ yếu là nhờ doanh nghiệp nộp thuế TNDN cho hoạt động phát sinh không thường xuyên (chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, hoạt động khác); nộp cho quyết định truy thu của các cơ quan có thẩm quyền trong năm 2021.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số tạm nộp trong năm 2022 lớn hơn số phát sinh phải nộp; doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh, tăng hiệu quả hoạt động dẫn đến tăng doanh thu, thu nhập 2022; doanh nghiệp hoàn thành dự án, nghiệm thu công trình đi vào hoạt động chính thức có doanh thu./.
BÌNH AN