ISSN-2815-5823

“Vua cá tra” HVG và “cuộc chơi mới” mang tên EVFTA

(KDPT) – Công ty Cổ phần Hùng Vương từng được mệnh danh là “cánh chim đầu đàn” của ngành thủy sản miền Nam với thời kỳ đỉnh cao sở hữu tới 11 nhà máy chế biến cá có công suất 400.000 tấn/năm, cổ phiếu được săn đón trên sàn chứng khoán, từng là yếu tố đảm bảo đem lại lợi ích tối đa cho cộng đồng nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong các năm 2018, 2019 và đặc biệt là 5 tháng đầu năm 2020, “vua cá tra” Việt lại chưa thể thoát khỏi khó khăn do nhiều yếu tố mang lại.

Những tháng đầu năm 2020, Công ty Cổ phần Hùng Vương ((HoSE: HVG) phải đối mặt với thực trạng chung tới từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xuất khẩu lao đao. Đơn cử, nếu như trước kia, sản phẩm cá tra của HVG xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm đến 30% tổng số đơn hàng thì hậu Covid-19, các đơn hàng đứng im và sản lượng cá xuất khẩu ì ạch, cầm chừng, nếu không muốn nói là “giậm chân tại chỗ”. Công ty Cổ phần Hùng Vương cũng như nhiều doanh nghiệp thủy sản khác còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt và khốc liệt từ hàng thủy sản tại chỗ của các nước mới gia nhập EU và các hàng thủy sản của các công ty xuất khẩu thủy sản mạnh và nhiều kinh nghiệm ngoài EU trong việc xuất khẩu, tìm chỗ đứng và duy trì thị phần tại EU.

Trụ sở Công ty Cổ phần Hùng Vương. Ảnh: Đào Vũ.

Dù khó khăn, nhưng bước sang tháng 6/2020, Công ty Cổ phần Hùng Vương đã có những động thái thể hiện việc gia nhập “cuộc chơi mới” và tuân thủ “luật chơi” theo đúng cách thức vận hành của cơ chế thị trường. Với việc Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Công ty CP Hùng Vương đã tiến đến một sân chơi chung với các doanh nghiệp nước khác. Tại sân chơi này, công ty xác định, cần phải có những đổi mới và cải cách toàn diện, căn bản để thích ứng từ khâu sản xuất đến kinh doanh, từ mẫu mã đến tiếp thị sản phẩm, từ cung cách quản lý đến đáp ứng tiêu chuẩn chung của thị trường. Đặc biệt, HVG cũng như các doanh nghiệp trong ngành thủy sản đã nâng cao ý thức, trách nhiệm, công nghệ cho người nuôi khi sử dụng hóa chất trong ngưỡng an toàn, đây cũng là gốc của việc xuất khẩu đối với chuỗi giá trị thủy sản.

Đứng trước cơ hội tới từ EVFTA, lãnh đạo Công ty CP Hùng Vương cần nhận thấy rằng, tham gia cuộc chơi này cũng đồng nghĩa với việc tham gia vào cuộc cạnh tranh liên tục, lâu dài và ngày càng khốc liệt. Do đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển phải được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, liên tục và căn bản. Tuy vậy, trong cuộc cạnh tranh đó, muốn tồn tại, HVG cũng như các doanh nghiệp thủy sản khác đều phải biết hợp tác chặt chẽ dưới sự điều hành của Nhà nước vì một mục tiêu chung.

Công ty Cổ phần Hùng Vương kỳ vọng có thể tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu từ sản phẩm cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa.

Bắt nhịp với luồng gió mới từ EVFTA, thực thế Công ty Cổ phần Hùng Vương đã bắt đầu có những động thái tái cấu trúc và nhận thêm tín hiệu khả quan hơn trong kinh doanh. Với đà tăng trưởng hiện có, tin tưởng rằng doanh nghiệp “vang bóng một thời” này sẽ có động lực và khả năng vượt trội, từ đó đưa sản phẩm cá tra Việt có đủ sức để cạnh tranh tại tất cả các thị trường quốc tế. Doanh nghiệp này cũng sẽ có cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu, qua đó mang lại những giá trị tương ứng với tiềm năng và khẳng định thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

NGUYÊN MINH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024