ISSN-2815-5823
Thứ bảy, 01h17 29/02/2020

WHO nâng mức đánh giá nguy cơ toàn cầu của dịch COVID-19 từ mức ‘cao’ lên ‘rất cao’

(KDPT) – Ngày 28/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nâng mức đánh giá nguy cơ toàn cầu của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) từ mức “cao” lên “rất cao”.

Động thái trên diễn ra sau khi dịch bệnh COVID-19 đang tiếp tục bùng phát và lây lan mạnh tại nhiều nước. Tính tới nửa đêm 28/2, đã có 59 quốc gia có người nhiễm virus SARS-CoV-2. Số ca nhiễm COVID-19 là 83.910 trường hợp và 2.869 người tử vong.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: China Daily

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 28/2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết WHO đã quyết định nâng mức đánh giá nguy hiểm toàn cầu của chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) từ mức “cao” lên “rất cao”.

Ông Ghebreyesus nêu rõ: “Chúng tôi hiện đã tăng đánh giá về nguy cơ lây lan và nguy cơ tác động của COVID-19 lên mức rất cao và ở cấp độ toàn cầu”. Người đứng đầu WHO cho rằng virus SARS-CoV-2 tiềm ẩn nguy cơ trở thành một đại dịch, đồng thời cảnh báo cơ hội ngăn chặn dịch bệnh đang ngày càng hẹp dần và đây là thời điểm mang tính quyết định.

Tới nay mới chỉ có Trung Quốc, nơi bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới hồi tháng 12/2019, bị đặt ở mức đánh giá nguy cơ “rất cao”.

Trước đó, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tarik Jasarevic, hôm 24/2 cho biết WHO hiện nay không có cấp độ chính thức cho đại dịch và WHO cũng không sử dụng hệ thống phân cấp cũ mà một số người có thể quen thuộc từ năm 2009 – thời điểm tổ chức y tế toàn cầu này tuyên bố đại dịch cúm lợn H1N1 bùng phát. Theo Quy định Y tế Quốc tế (IHR), WHO chỉ tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi quan ngại bao trùm toàn thế giới.

Ngày 30/1, WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào tháng 12/2019 là trường hợp khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC).

Ngày 28/2, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trên thế giới khi có thêm 7 nước xác nhận các ca nhiễm đầu tiên gồm Hà Lan, Nigeria, Lítva, Belarus, New Zealand, Azerbaijan và Mexico.

Trung Quốc vẫn là quốc gia ghi nhận số tử vong cao nhất trong ngày 27/2 do dịch COVID-19 với 44 trường hợp tử vong. Trong khi đó, số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới ghi nhận trên toàn Trung Quốc đại lục tiếp tục giảm, còn 327 ca, giảm so với 452 ca ghi nhận ngày trước đó. Số bệnh nhân hồi phục sức khỏe và ra viện trong ngày 27/2 là 3.622 trường hợp, tăng đáng kể so với 2.750 ca xuất viện của ngày trước đó. Đến hết ngày 27/2, tổng số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục từ khi bùng phát dịch đến nay là 78.824 ca và số ca tử vong là 2.788 ca.

Trong khi tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đại lục có dấu hiệu thuyên giảm, tại Hàn Quốc, dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng. Chỉ trong ngày 28/2, số ca nhiễm mới ở nước này đã tăng thêm 571 trường hợp, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đây lên tới 2.337 người. Hiện Hàn Quốc cũng là nước ghi nhận số ca nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới ngoài Trung Quốc đại lục. Tối 28/2, giới chức Hàn Quốc thông báo 3 ca tử vong tại nhà, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 16 người.

Ngày 28/2, Bộ Y tế Iran cho biết trong 24 giờ qua, trên cả nước này đã có thêm 143 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Iran lên 388 trường hợp. Ngoài ra, nước này ghi nhận thêm 8 ca tử vong trong ngày, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này lên 34 trường hợp.

Đáng quan ngại hơn cả, ngày 28/2, Bộ Y tế Nigeria xác nhận trường hợp đầu tiên ở nước này nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là ca nhiễm đầu tiên tại khu vực Nam Sahara ở châu Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo các hệ thống y tế của châu Phi chưa được trang bị đầy đủ để ứng phó với dịch COVID-19 và dịch bệnh đang “trở nên nghiêm trọng hơn”.

Dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới đã đẩy thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu trong ngày 28/2 tiếp tục lao dốc suốt 1 tuần qua, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu trải qua chuỗi ngày u ám nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Hậu quả là gần 6.000 tỷ USD đã “bốc hơi” trong tổng giá trị thanh khoản trên toàn cầu trong tuần giao dịch này.

Theo Báo Tin tức



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/12/2024