ISSN-2815-5823
Thứ tư, 03h16 22/07/2020

Xây dựng “thành phố không ngủ”: Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam

(KDPT) – Kinh tế ban đêm đang dần được xem là một trong những động lực giúp tăng trưởng kinh tế mới thông qua thúc đẩy phát triển nhiều ngành nghề kinh doanh mới, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tăng thu nhập cho một số bộ phận dân cư, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

Phát triển kinh tế ban đêm không chỉ để kích cầu cho ngành du lịch mà còn thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, làm đảo lộn đời sống của nhiều người. Hiện tại, dù đại dịch đã phần nào được kiểm soát song kinh tế nước ta vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trên phương diện đó, Chính phủ đang dự kiến phát triển kinh tế đêm để kích cầu cho ngành du lịch.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương – Phó Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, là người có chuyên môn và trực tiếp tham gia vào đề án xây dựng kinh tế đêm cho biết, Chính phủ đang dự kiến phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) không chỉ để kích cầu cho ngành du lịch mà còn thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh rủi ro thương mại ngày càng tăng như hiện nay.

Trên thực tế, có rất nhiều định nghĩa khác nhau về KTBĐ, hay nói cách khác là không có một định nghĩa cụ thể chung nào cho mọi quốc gia. Mức độ rộng hẹp của các định nghĩa cũng khác nhau do xu hướng tiêu dùng ban đêm rất đa dạng giữa các quốc gia, cũng như sự đa dạng trong văn hóa, xã hội và kinh tế của từng quốc gia.

Theo nghĩa rộng nhất, KTBĐ là tất cả các hoạt động của xã hội, bao gồm văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian vào ban đêm (thường từ 06 giờ tối hôm trước cho đến 06 giờ sáng hôm sau). Còn theo nghĩa hẹp hơn (đang được nhiều nước áp dụng như: Anh, Mỹ, Trung Quốc), KTBĐ là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế văn hóa diễn ra từ 06 giờ tối hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau, chủ yếu là các hoạt động và trải nghiệm mang tính chất giải trí.

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương, bà đồng tình với quan điểm hẹp. Bà cho rằng, KTBĐ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; dịch vụ mua sắm và du lịch. Bà Hương cũng nói thêm, KTBĐ sẽ giúp gia tăng hoạt động kinh tế nhờ tận dụng tối đa thời gian, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phát huy giá trị văn hóa và đặc biệt là kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch.

Thực tiễn trên thế giới cho thấy, một số nước đã đo lường, ước tính được mức độ đóng góp của KTBĐ đối với phát triển kinh tế – xã hội quốc gia. Mặt khác, phát triển KTBĐ cũng kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực nếu không được quy hoạch và quản lý một cách cụ thể và hiệu quả.

“Những thành phố du lịch nổi tiếng thì phải có kinh tế đêm”

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm “Kích cầu du lịch Đà Nẵng: Vai trò của sản phẩm, du lịch giải trí đêm” diễn ra mới đây tại thành phố biển Đà Nẵng. Theo ông, vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế đêm là vấn đề của toàn cầu không chỉ riêng tại nước ta, và ở Việt Nam nó được khẳng định là một hướng phát triển ở cấp độ quốc gia chứ không phải là dành cho riêng Đà Nẵng.

“Cho dù hoạt động ban đêm không lớn như ban ngày, nhưng nếu làm tốt và đạt được 10 – 20% của ban ngày cũng là ghê gớm lắm rồi. Đó là lý do ở Anh, Úc… người ta còn tạo ra cả hội đồng để phát triển kinh tế đêm. Những thành phố du lịch nổi tiếng thì đều phải có kinh tế ban đêm. Thành phố Đà Nẵng là đáng sống nhưng mới là đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm thôi. Phải đáng sống ban đêm nữa thì mới được đưa vào các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới”, PGS.TS Thiên nói và cho biết cần có sự đồng thuận trong chính quyền và người dân; hiểu được lợi thế và điểm yếu của Đà Nẵng trong phát triển kinh tế đêm để tận dụng vào thời cơ “thoát nguy” và “bứt phá” trong thời điểm hiện nay.

Việt Nam có lợi thế gì để phát triển kinh tế đêm?

Hiện tại, Việt Nam có 4 lợi thế để phát triển kinh tế đêm. Đầu tiên, Việt Nam là đất nước hội tụ rất nhiều điều kiện để phát triển du lịch vì sở hữu tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Thứ hai, số lượng khách du lịch quốc tế có xu hướng gia tăng qua từng năm. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố năm 2019), du lịch Việt Nam được xếp hạng 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất thế giới.

“Kinh tế đêm” hình thành sẽ giúp lôi kéo khách tới lưu trú lâu hơn, tăng chi tiêu cho kinh tế. Ảnh: Internet.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á” năm 2018 do Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới WTA trao tặng. Khách quốc tế đến từ các nước như Châu Âu, Mỹ, Úc, Đài Loan,… đã quen với việc tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm tại nước của họ, do vậy, họ cũng kỳ vọng sẽ được khám phá những nét đặc sắc khi đến du lịch vào ban đêm tại Việt Nam.

Thứ ba, GDP/người của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng bình quân 8,2%/năm giai đoạn 2008-2018. Đặc biệt, thu nhập từ tầng lớp trung lưu tăng liên tục. Dự báo đến năm 2030, Việt Nam sẽ có khoảng 40% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, và đến năm 2035 là 50%. Cuối cùng, Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định, không có nguy cơ khủng bố, xung đột, rất thuận lợi cho việc phát triển KTBĐ.

Thách thức và khó khăn

Mặc dù, KTBĐ đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế – xã hội như đã nói ở trên, tuy nhiên phát triển KTBĐ cũng kéo theo nhiều tác động tiêu cực nếu không được quy hoạch cụ thể và quản lý tốt, bà Hương cho biết.

Chẳng hạn, việc phát triển KTBĐ sẽ đặt ra các yêu cầu về tái cấu trúc không gian đô thị do KTBĐ trong nhiều trường hợp gây ảnh hưởng lớn đến khu vực dân cư như: ô nhiễm tiếng ồn, ánh sáng, tội phạm, lai căng văn hóa và rối loạn an ninh trật tự xã hội. Do vậy, vấn đề quy hoạch không gian cho hoạt động KTBĐ cũng là một bài toán cần tính toán kỹ lưỡng để tìm ra đáp án phù hợp.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hương nói thêm, chính quyền địa phương phải chịu một loạt các chi phí liên quan, như: giám sát việc thực thi và tuân thủ các giấy phép về kinh doanh và giải trí; lắp đặt hệ thống giám sát camera; bộ phận dịch vụ vệ sinh môi trường;…

Như vậy, một mặt rất cần các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển KTBĐ, nhưng một mặt cũng cần có cơ chế kiểm soát rủi ro KTBĐ; sử dụng công cụ quy hoạch để đảm bảo công tác quản lý các hoạt động KTBĐ một cách tốt nhất, lành mạnh nhất.

PHÚC ANH

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024